Tại sao EU muốn từ bỏ Hiệp ước Hiến chương Năng lượng?

Các nhà lập pháp châu Âu đã ủng hộ kế hoạch để EU thoát khỏi hiệp ước cho phép các công ty nhiên liệu hóa thạch khởi kiện khi các chính sách về khí hậu ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Nghị viện châu Âu (MEP) đã phê chuẩn hôm thứ Tư việc các nước EU đồng loạt rút khỏi hiệp ước Hiến chương Năng lượng quốc tế. Ảnh Reuters

Nghị viện Châu Âu đã ủng hộ kế hoạch để EU thoát khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng, một thỏa thuận quốc tế bảo vệ các khoản đầu tư vào năng lượng, vì lo ngại nó sẽ làm suy yếu nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Kể từ những năm 1990, Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT) đã cho phép các công ty và nhà đầu tư kiện chính phủ với lý do lợi nhuận của họ có thể bị tổn hại bởi các chính sách nhằm cắt giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh do đốt nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà phê bình cho rằng mối đe dọa hành động pháp lý của ECT có thể ngăn cản chính phủ ban hành các chính sách năng lượng sạch, có ý nghĩa quan trọng để đạt được những mục tiêu khí hậu quốc tế.

Hiệp ước Hiến chương Năng lượng là gì và tại sao nó được ra đời?

ECT là một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý được ký kết bởi 52 quốc gia - chủ yếu ở Châu Âu, Trung Á, Trung Đông và EU.

Nó được soạn thảo khi Liên Xô tan rã, nhằm bảo vệ các công ty năng lượng châu Âu có tài sản nhiên liệu hóa thạch ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

ECT giúp thúc đẩy an ninh năng lượng bằng cách bảo vệ các công ty năng lượng trước những rủi ro về đầu tư và thương mại, chẳng hạn như bị tịch thu tài sản hoặc vi phạm hợp đồng.

ECT trao quyền thách thức chính phủ về các chính sách có thể gây tổn hại cho các khoản đầu tư - không chỉ trong nhiên liệu hóa thạch, mà còn là thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các nguồn năng lượng sạch khác.

Tại sao ECT gây ra mối đe dọa đối với hành động khí hậu?

Theo Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD), số lượng các khiếu nại pháp lý từ các công ty nhiên liệu hóa thạch nhằmchống lại các biện pháp bảo vệ môi trường đang gia tăng.

Các chuyên gia cảnh báo rằng nguy cơ hành động pháp lý có thể khiến các chính phủ trì hoãn chính sách nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính, chẳng hạn như loại bỏ dần hoạt động khai thác dầu và khí đốt tự nhiên.

Các khiếu nại về ECT có thể được theo đuổi thông qua các kênh trọng tài quốc tế được gọi là giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS), trong đó khu vực tư nhân thường được trao các khoản thanh toán lớn.

Một báo cáo của Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) và Trung tâm Đầu tư Bền vững Columbia (CCSI) cho thấy các công ty nhiên liệu hóa thạch đã được các quốc gia trả ít nhất 82,2 tỷ USD trong các tranh chấp theo ISDS kể từ năm 1977.

Trong ba vụ kiện được đưa ra theo ECT vào tháng 11/2023, công ty dầu mỏ Kelsch có trụ sở tại Jersey đã kiện EU, Đức vàĐan Mạch ít nhất 95 triệu euro về khoản thuế bất ngờ đánh vào các công ty năng lượng.

Một nghiên cứu của Đại học Boston, Đại học bang Colorado và Đại học Queen ở Canada ước tính rằng chi phí cho các khiếu nại pháp lý có thể lên tới 340 tỷ USD khi các nhà đầu tư dầu khí thách thức hành động của chính phủ nhằm hạn chế nhiên liệu hóa thạch.

Tại sao rút khỏi ECT?

Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đã kêu gọi rút khỏi ECT vào tháng 7/2023, sau khi không thể thuyết phục các quốc gia thành viên chấp thuận đề xuất hiện đại hóa nhằm điều chỉnh hiệp ước này phù hợp hơn với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Các quốc gia phản đối các cải cách được đề xuất cho biết họ không đủ khả năng để điều chỉnh ECT phù hợp với các chính sách về khí hậu, vì chúng sẽ cho phép bảo vệ các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch trong ít nhất một thập kỷ nữa.

Ireland, Đan Mạch và Bồ Đào Nha tuyên bố rút lui vào năm 2023, sau khi Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Pháp, Đức, Luxembourg và Slovenia rút lui vào năm 2022.

Ý là quốc gia EU đầu tiên từ bỏ hiệp ước vào năm 2016, với lý do hạn chế về ngân sách.

Anh trở thành quốc gia thứ 12 tuyên bố ý định từ bỏ hiệp ước vào tháng 2.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Sự chấp thuận của quốc hội sẽ dọn đường cho các quốc gia thành viên EU đưa ra quyết định cuối cùng về việc rời khỏi hiệp ước. Các bộ trưởng đã có động thái ủng hộ vào tháng trước.

Síp và Hungary muốn ở lại, trong khi các nước khác lo ngại rằng những nỗ lực hiện đại hóa hiệp ước sẽ trở nên vô ích khi họ rời đi.

Để xoa dịu những lo ngại đó, các nước EU dự kiến sẽ cho phép các cải cách nhằm hiện đại hóa hiệp ước được thông qua trước khi rút lui.

Audrey Changoe, chuyên gia về chính sách thương mại và đầu tư tại Mạng lưới Hành động Khí hậu Châu Âu, cho biết vẫn chưa rõ những điều kiện nào để một số quốc gia thành viên có thể được phép tiếp tục tham gia hiệp ước.

Ủy ban dự kiến sẽ bắt đầu thủ tục rút lui vào tháng 5/2024, sau đó sẽ mất một năm để có hiệu lực.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tai-sao-eu-muon-tu-bo-hiep-uoc-hien-chuong-nang-luong-710130.html