Chiến thắng Điện Biên Phủ và bài học quân sự cho thế kỷ 21

Theo tiến sĩ Mike Henelly, thất bại của Pháp tại Điên Biên Phủ là một bài học quân sự lớn về sự chấp nhận rủi ro, một khái niệm thường thấy trong kinh tế học.

“Pháo đài của những giấc mơ tan vỡ” là những gì tiến sĩ Mike Henelly, Trung tá Quân đội Hoa Kỳ nhận xét về Chiến dịch Điện Biên Phủ trong tạp chí quân sự WavellRoom. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi vì theo ông Mike Henelly, lý do Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ là bởi quân đội nước này không chỉ theo đuổi một, mà tới ba "giấc mơ" khác nhau, và Điện Biên Phủ không hề nằm trong số đó.

Binh lính Pháp bị bắt sống tại Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)

Mục tiêu của Pháp tại Đông Dương vào năm 1954 là không đồng nhất. Về phía chính phủ Pháp, nước này đang tìm kiếm một lối thoát nhẹ nhàng khỏi một cuộc chiến đang kéo dài. Ngược lại, vị tướng Pháp đứng đầu tại Đông Dương lúc đó là Tướng Henri Navarre lại đang tập trung vào chiến dịch Atlante tại miền Trung Việt Nam. Được coi là liều thuốc thử đầu tiên đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, Navarre đã huy động hơn 40 tiểu đoàn lục quân và hải quân Pháp vào chiến dịch này, trong khi đấy chỉ để lại khoảng 5% lực lượng tại Điện Biên Phủ. Nhà sử học Bernard Fall đã nhận xét: Quyết định phát động Chiến dịch Atlante vào tháng 12 năm 1953 “là thời điểm số phận Điện Biên Phủ đã được định đoạt.”

Điện Biên Phủ cũng không phải là nỗi lo với tướng Rene Cogny, tổng tư lệnh Lực lượng Lục quân Pháp tại miền Bắc Việt Nam, vốn đang đặt trọng tâm vào vùng Đồng bằng sông Hồng, được coi là “tiền đồn thiết yếu của Pháp”. Vào mùa thu năm 1953, Cogny đã tin chắc chắn rằng phía Việt Nam đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn khác tại Hà Nội và Hải Phòng. Thậm chí, ngay cả khi chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ còn cách vài tuần, vị tướng này vẫn cho rằng “khu vực Đồng bằng sông Hồng là vô cùng quan trọng” và yêu cầu quân tiếp viện cấp tốc đến khu vực này.

Theo tiến sĩ Mike Henelly, hành động của Pháp tại Điên Biên Phủ có thể được truy suất từ sự kiện Giải phóng Paris khỏi quân Phát Xít Đức 9 năm trước đó. Thực tế, lý do duy nhất quân đội Pháp lúc bấy giờ tồn tại là do sự trợ giúp từ phía quân Đồng Minh, đặc biệt là từ Mỹ. Sau này, Mỹ cũng là nhà tài trợ lớn cho Pháp tại Đông Dương, thậm chí đã chiếm 78% tổng chi viện trong cuộc chiến này, theo một báo cáo của Lầu Năm Góc. “Vào thời điểm bắt đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1953, Pháp đã có một thập kỷ đưa ra các quyết định chiến lược mà không sở hữu các nguồn lực cần thiết cho những quyết định đó.” - tiến sĩ Mike Henelly nhận xét.

Trên thực tế, Mỹ chi viện vào cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương được ví như một loại đầu tư, tiến sĩ Mike Henelly nhận xét. Cũng giống như một nhà đầu tư, Mỹ “đổ tiền” cho Pháp tại Đông Dương với hy vọng đây sẽ là hoạt động cùng có lợi cho đôi bên, đồng thời hy vọng Pháp sẽ quan tâm đến lợi ích của Mỹ tại khu vực này. Tuy vậy, thực tế và lịch sử trong ngành đầu tư cho thấy rằng những người nhận được vốn trợ cấp càng lớn sẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn. Vấn đề này nổi cộm đến mức Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ đã bỏ ra nhiều công sức để đảm bảo các công ty đầu tư tại nước này không liều lĩnh quá mức khi đầu tư bằng “tiền của người khác”.

Bài học từ Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thế kỉ 21

Theo ông Carl von Clausewitz - tác giả cuốn sách Bàn về chiến tranh, chiến lược quân sự nếu muốn thành công cần có mối liên kết logic giữa ba thành phần: Mục tiêu, hướng hành động và nguồn lực. Trong đó, để tối đa hóa cơ hội thành công, các hướng hành động chiến lược cần phải khả thi và phù hợp với nguồn lực để hướng đến mục tiêu chính của nhà cầm quân.

Thực tế, trong thập kỷ dẫn đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, người Pháp tại Đông Dương đã đặt hướng hành động và các mục tiêu mà chỉ có thể đạt được bằng nguồn lực vốn không thuộc về mình. Theo tiến sĩ Mike Henly, thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ không phải do Mỹ từ chối cung cấp các cuộc không kích vào phút cuối, mà đến từ sự phụ thuộc quá mức của Pháp vào nguồn lực của Mỹ. Sự phụ thuộc này đã dẫn đến sự thiếu kỷ luật và mức độ liều lĩnh trong việc ra quyết định chiến lược của Pháp, dẫn đến việc không nhận ra được tầm quan trọng chiến lược của Điện Biên Phủ.

Ngược lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sáng suốt khi nhận ra tầm quan trọng của Điện Biên Phủ và sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi điều lượng quân đội lớn nhất lúc bấy giờ, cùng phần lớn lượng vũ khí và pháo binh của mình vào căn cứ địa này. Kết quả là một “thảm họa” dành cho quân đội Pháp và một “chiến thắng bất ngờ” cho Quân đội Nhân dân Việt Nam, như tiến sĩ Mike Henelly đã nhận xét. 55 ngày sau khi chiến dịch được phát động, “pháo đài giấc mơ” này đã “tan vỡ”, với hơn 9.000 binh lính Pháp bị bắt sống. 6 tháng sau chiến dịch, Pháp đã vĩnh viễn từ bỏ “giấc mơ Đông Dương”.

Vậy Chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa gì với tư duy chiến lược thế kỷ 21? Theo tiến sĩ Mike Henly, thất bại của Pháp tại Điện Biện Phủ đã chỉ ra rằng các quyết định chiến lược không chỉ được định hình bởi lý trí, mà còn bởi nhận thức và cảm xúc. Thực tế, thay vì dựa vào lý trí, những quyết định của tướng Navarre tại Điện Biên Phủ đã dựa vào niềm tin mãnh liệt rằng vẫn sẽ nguồn hỗ trợ từ chính phủ Pháp và Mỹ bất chấp mọi rủi ro có thể xảy đến. Hậu quả là viễn cảnh tồi tệ nhất với Navarre đã xảy ra, khi chiến thắng Điện Biên Phủ đã đẩy lùi kế hoạch của Pháp, cũng như mục tiêu của Mỹ tại Đông Dương thời bấy giờ.

Phú Quý (theo Wavellroom)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chien-thang-dien-bien-phu-va-bai-hoc-quan-su-cho-the-ky-21-318571.html