Tài sản vô giá của người Hà Nhì

Nếu từng tới huyện Mường Nhé - mảnh đất cực Tây của Tổ quốc, bạn hãy dừng chân tham quan và nghe những câu chuyện về đời sống của cộng đồng người Hà Nhì. Khi ấy, bạn chắc chắn sẽ được nghe nhiều câu chuyện về rừng, bởi với người Hà Nhì rừng chính cuộc sống, là tài sản vô giá...

Xem rừng như báu vật

Những ngày cuối năm, dù tiết trời mùa đông nhưng những ánh nắng vẫn chiếu chói chang xuống các bản làng. Với những bản làng cộng đồng người Hà Nhì, tuyệt nhiên ánh nắng đó như yếu hơn bởi được che chở từ các khu rừng nguyên sinh tỏa bóng.

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm một số bản người Hà Nhì. Cảm nhận đầu tiên là, nhìn đâu cũng thấy màu xanh mát của rừng.

Từ đỉnh Tả Ló San, xã Sen Thượng phóng tầm mắt, các bản quanh đây như một bức tranh sinh động được bao phủ bởi những cánh rừng xanh bạt ngàn. Là người sinh sống lâu năm ở mảnh đất biên cương Sen Thượng, ông Lỳ Khò Chừ, Trưởng ban Công tác mặt trận bản Tả Ló San cho biết, từ xưa đến nay, đồng bào các thế hệ người Hà Nhì luôn coi rừng như nguồn sống, là mái nhà che chở cho dân. Nước sinh hoạt cũng do rừng mà ra, nếu không bảo vệ được rừng thì cũng không sống được... Chính nhờ nhận thức được tầm quan trọng của rừng mà với người Hà Nhì, mỗi cánh rừng được coi như một cấm địa, không được xâm phạm.

Bản Tả Ló San có gần 30 hộ nhưng đang chăm sóc, bảo vệ đến gần 3.000ha rừng, bởi vậy, trên dặm dài biên cương Tổ quốc, những cánh rừng của bản Tả Ló San luôn mang màu xanh ngút ngàn.

Người Hà Nhì ở Tả Ló San coi rừng như máu thịt thì người Hà Nhì ở Tả Sú Lình, xã Sín Thầu cũng coi rừng như cuộc sống của mình. Bởi vậy bao năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ rừng luôn được bà con nơi đây thực hiện nghiêm túc. Ông Chảo Trố Phạ, Bí thư Chi bộ bản Tá Sú Lình chia sẻ: Rừng của bản Tá Sú Lình nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé với hơn 320ha rừng tự nhiên, trong đó 240ha diện tích do cộng đồng bản bảo vệ. Trong tín ngưỡng dân gian của mình, người Hà Nhì cho rằng: Mỗi cánh rừng đều có một vị thần trị vì , là phúc thần của mỗi bản làng, do vậy vận mệnh của dân làng có mối liên hệ mật thiết tới sự tồn vong của khu rừng ấy. Cũng chính vì rừng có vị trí đặc biệt trong tiềm thức của họ nên tự lâu đời, người Hà Nhì có tục thờ thần rừng. Vào tháng 2 âm lịch hàng năm, người Hà Nhì sẽ tổ chức Lễ cúng bản (hay còn gọi là lễ Gạ Ma Thú). Thời gian này, người Hà Nhì sẽ dừng các công việc trên nương rẫy, không ăn thịt thú rừng, không bắt hoặc mang vào bản các con vật sống trong hang, lòng đất để tránh rủi ro cho nhân dân trong bản. Điều này càng cho thấy, rừng đối với người Hà Nhì có vị trí rất quan trọng.

Giữ rừng để hưởng lợi từ rừng

Người Hà Nhì ở Mường Nhé sinh sống tại 4 xã, gồm: Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng, Leng Su Sìn. Nhận thức được những lợi ích mà rừng mang lại, nhiều năm qua, cộng đồng người Hà Nhì luôn ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng. Kể từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được triển khai, những cánh rừng ở nơi cực Tây Tổ quốc lại càng thêm xanh.

Là một trong những hộ dân được hưởng lợi từ DVMTR, anh Lỳ Sơn Phạ, bản Tả Ló San xã Sen Thượng phấn khởi: Ai cũng bảo chúng tôi là triệu phú từ rừng. Cũng đúng thôi, trong khi tình trạng phá rừng làm nương ở nhiều nơi vẫn còn thì ý thức giữ rừng của chúng tôi đã có từ lâu. Chẳng những vậy mà chúng tôi còn có quy ước riêng về vấn đề này. Bởi vậy hàng năm, chúng tôi đã nhận được tiền chi trả DVMTR rất lớn. Đơn cử như năm 2021, cả bản được hưởng hơn 2,5 tỷ đồng tiền DVMTR. Năm 2022, mỗi khẩu được hưởng 18 triệu đồng/năm. Nhẩm ra thì nếu mỗi hộ có 3 hoặc 4 khẩu trở lên cũng được hưởng trên 50 triệu đồng.

Không chỉ ở Tả Ló San, những năm gần đây, khi lợi ích mà rừng mang lại lớn, người dân các xã ở Mường Nhé nói chung, cộng đồng người Hà Nhì tại 4 xã: Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng, Leng Su Sìn nói riêng luôn ý thức trong chăm sóc, bảo vệ rừng. Bởi vậy mà tình trạng chặt phá hoặc cháy rừng được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt. Chỉ riêng năm 2022, số tiền mà Nhà nước chi trả DVMTR cho xã Sen Thượng gần 15 tỷ đồng, Sín Thầu hơn 5,6 tỷ đồng; Chung Chải hơn 3 tỷ đồng và Leng Su Sìn 1,6 tỷ đồng.

Chia sẻ về công cuộc giữ rừng của người Hà Nhì, bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu cho biết: Rừng với đồng bào Hà Nhì không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn có giá trị về kinh tế. Bởi vậy, hàng năm, dưới sự dẫn dắt, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, với gần 12.000ha rừng được giao, cộng đồng người Hà Nhì ở 7 bản của xã Sín Thầu đều chung sức quản lý, bảo vệ tốt, đến nay, tỷ lệ che phủ rừng toàn xã đã đạt trên 73%.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/quan-ly-bao-ve-rung/212193/tai-san-vo-gia-cua-nguoi-ha-nhi