Tài chính tuần qua: Tâm điểm mức án đề nghị với Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm

Đại diện VKS kết luận bị cáo Nguyễn Xuân Sơn lợi dụng chức vụ của mình và lợi thế của PVN là cổ đông chiến lược, yêu sách áp đặt chi lãi ngoài. Bị cáo đã nhận chiếm đoạt số tiền lớn.

Ảnh minh họa.

Phiên toà sáng 14/9: VKS đề nghị mức án tử hình với Nguyễn Xuân Sơn, chung thân với Hà Văn Thắm

Hành vi này gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước, gây hình ảnh xấu cho PVN – 1 tập đoàn hàng đầu Việt Nam, gây phẫn nộ trong quần chúng nhân dân.

Trong quá trình điều tra, bị cáo chưa thành khẩn khai báo, quanh co chối tội, nhằm trốn tránh trách nhiệm, thái độ coi thường pháp luật, thách thức các giới hạn pháp luật. Do đó, cần xử lý nghiêm khắc, nhằm đảm bảo răn đe phòng chống tội phạm.

Sơn cũng có tình tiết giảm nhẹ là có nhiều thành tích đóng góp cho ngành Dầu khí, chưa có tiền án, tiền sự nhưng chừng đó là chưa đủ, đề nghị mức án nghiêm khắc với bị cáo Sơn.

Bị cáo Hà Văn Thắm: xuất phát từ động cơ cá nhân, đồng thời, cũng chịu áp lực từ PVN, bị cáo đã thực hiện chủ mưu khởi xướng việc chi lãi ngoài, hành vi của bị cáo rất tinh vi thông qua hoạt động kế toán. Thắm là người giúp sức cho Sơn thực hiện hành vi tham nhũng…..VKS đề nghị một mức án nghiêm khắc đối với Thắm. (Xem tiếp)

Phiên toà chiều 14/9: “Viện Kiểm sát chưa hoàn thành nhiệm vụ chứng minh tội phạm với Nguyễn Xuân Sơn”

Theo luật sư, đây là lần đầu tiên việc chi lãi ngoài bị xử lý về hình sự, và luật sư có đủ căn cứ để nói rằng tội này đã bị “hình sự hoá”.

“Tại phiên toà, các bị cáo đều thừa nhận làm trái, giải thích vì sao và tình thế nào họ bắt buộc phải làm trái. Họ biết họ làm trái nhưng họ vẫn phải làm, họ những không gây thiệt hại mà còn mang về lợi nhuận cho ngân hàng. Trong quá trình đánh giá, VKS không xác định nguyên tắc thiệt hại”, luật sư nói.

Theo luật sư, VKS xác định việc hạch toán sai tài khoản tức là mất đi mà không xem xét thiệt hại, đầu vào, thao tác, đầu ra trong kinh doanh, tại sao không xem xét để đánh giá có thiệt hại hay không. (Xem tiếp)

“Âm thầm” phân hạng ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN (12/3/2008) ban hành Quy định xếp loại ngân hàng thương mại cổ phần.

Theo đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp hạng hằng năm. Trước ngày 30 tháng 6 hàng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn kết quả xếp hạng của năm liền kề trước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Các tiêu chí xếp hạng ngân hàng gồm: nhóm chỉ tiêu định lượng và nhóm tiêu định tính. (Xem tiếp)

“Ông lớn” ngân hàng xin “nới quota” tín dụng?

Trả lời báo chí, một đại diện NHNN cho biết về hạn mức tăng tín dụng thì đã có hạn mức rồi. Việc chỉ tiêu tăng được Chính phủ cho phép nới lên 21% NHNN cũng đã sẵn sàng cung vốn cho nền kinh tế. "Tuy nhiên, nới hạn mức không có nghĩa là nới điều kiện vay, các điều kiện sẽ vẫn chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định, quy trình", vị này khẳng định.

Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đã đạt 11,5%. Theo báo cáo về tình hình kinh tế tháng 8/2017 và 8 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGS) thì tín dụng tính đến hết tháng 8/2017 ước tăng 11,5% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,2%). Điều này đồng nghĩa với việc dư nợ cho vay đã tăng khá tốt riêng trong tháng vừa qua với 2,2%.

Cũng theo báo cáo này, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục xu hướng giảm, ước tăng 8,8% (cùng kỳ 2016 tăng 11%), chiếm 54% tổng tín dụng. Tín dụng ngắn hạn ước tăng 14,1% (cùng kỳ tăng 9%), chiếm gần 46% tổng tín dụng. Tín dụng bằng VND chiếm 91,5%, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,5% tổng tín dụng. (Xem tiếp)

Phiên toà sáng 15/9: Đề nghị trả hồ sơ bổ sung tội danh Tham ô của Nguyễn Xuân Sơn

Theo luật sư, không có cơ sở kết luận Nguyễn Xuân Sơn có tư cách quản lý tiền gửi. Thời gian diễn ra việc chi khoản tiền 49 tỷ mà sau này ông Sơn bị cáo buộc tham ô, bị cáo này đã rời khỏi OceanBank nên không thể rút tiền của nhà băng này. Luật sư đặt nhiều câu hỏi: Căn cứ vào đâu mà kết luận Sơn có chức vụ để rút tiền của Oceanbank? Ai quản lý số tiền 246 tỷ?

Về số tiền 1.500 tỷ mà Oceanbank chi lãi ngoài, do đây không phải vốn điều lệ hay cổ tức nên trong số này không thể có tiền của PVN.

Liên quan tới hai khoản tiền 69 tỷ của công ty BSC và 197 tỷ nằm trong khoản tiền 246 tỷ bị cáo Sơn nhận từ Thắm chi lãi ngoài. luật sư cho rằng, ông Sơn không nhận nhiều tiền đến thế, con số không chính xác vì chưa được cơ quan điều tra làm rõ. (Xem tiếp)

Phiên toà chiều 15/9: “Viện kiểm sát đưa ra hình phạt chưa bám diễn biến phiên toà”

Nguyễn Văn Hoàn bị truy tố hai tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Đối với khoản vay 500 tỷ đồng đổi với Trung Dung, theo kết luận của cáo trạng, tài sản đảm bảo theo hợp đồng bao gồm 250 tỷ vốn điều lệ là số vốn khống không có khả năng thu hồi.

Tuy nhiên, theo luật sư, theo luật, công ty phải có 250 tỷ đồng và được xác nhận bởi ngân hàng mới được cấp phép thành lập do đó đây không phải là vốn khống. (Xem tiếp)

Ngân hàng ráo riết thu giữ tài sản để siết nợ

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa cho biết vào ngày 21/9 sẽ tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo là Trạm biến áp tại Hải Phòng thuộc tài sản của Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô. Lý do là công ty này đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo các hợp đồng tín dụng đã ký kết với Agribank.

Trước đó, mở đầu cho "làn sóng" thu giữ tài sản để xử lý nợ theo Nghị quyết 42 phải kể đến động thái của VAMC thu giữ dự án cao ốc Sài Gòn M&C trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM vào cuối tháng 8.

Ngân hàng Nhà nước cho biết trước khi thu giữ dự án cao ốc này, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với một số ngân hàng đối với khoản nợ của Công ty Sài Gòn One Tower, Công ty Liên Phát, Công ty Minh Quân, Công ty Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) trên 7.000 tỷ đồng mà các công ty này đã vay từ nhiều nhà băng để đầu tư vào dự án. (Xem tiếp)

42.700 tỷ đồng vốn Nhà nước “có dấu hiệu” đầu tư không hiệu quả

Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa công bố báo cáo Đề án nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Tính đến cuối tháng 8, mới có 60 bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước gửi báo cáo rà soát các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả. Theo đó, có khoảng 250 doanh nghiệp nhà nước do các cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu đã được rà soát tình hình đầu tư dự án trong giai đoạn 2000-2016, chiếm hơn 31% tổng số doanh nghiệp thuộc diện phải rà soát.

Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện tồn tại 72 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với ban đầu. Trong đó, số lượng dự án của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ chiếm hơn phân nửa với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng trên 22.900 tỷ đồng. (Xem tiếp)

Phiên toà sáng 16/9: “Bản giám định của NHNN không kết luận 1.576 tỷ đồng là thiệt hại”

Theo luật sư, kết luận giám định không hề tìm không thấy 1 dòng nào kết luận 1.576 tỷ là thiệt hại cho ngân hàng Oceanbank.

“Kết luận giám định 4605 của NHNN đã vi phạm nghiêm trọng luật giám định tư pháp:

Thứ nhất, vi phạm Khoản 2 điều 11 luật Giám định đó là giám định viên từ chối trưng cầu giám định vượt quá khả năng chuyên môn. (Xem tiếp)

Ngân hàng tăng vốn điều lệ: Khó tứ bề

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận việc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) tăng vốn điều lệ từ 17.127 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông của MB thông qua.

Trước đó, tháng 6/2017, NHNN chấp thuận cho Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 4.195 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2016 theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 19/4/2017.

Đồng thời, chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ thêm 805 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phần riêng lẻ. NHNN sẽ xem xét, có ý kiến sau khi OCB trình NHNN phương án cụ thể về đợt phát hành cổ phần riêng lẻ này. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-tuan-qua-tam-diem-muc-an-de-nghi-voi-nguyen-xuan-son-va-ha-van-tham-3191621.html