Tác động của công nghệ thông tin đến giới siêu giàu

Công nghệ, toàn cầu hóa đã làm giảm bất bình đẳng toàn cầu. Lượng người siêu giàu do thừa kế đã suy giảm trong những năm qua.

Ảnh: anttoniart.

Thế giới vào năm 2010 đang trên bờ vực của hai cuộc cách mạng và cả hai đều được thúc đẩy ở một mức độ đáng kể bởi những tác động của công nghệ thông tin.

Cuộc cách mạng thứ nhất là cuộc cách mạng về các kỳ vọng gia tăng ở các nước đang phát triển. Cuộc cách mạng thứ hai là cuộc cách mạng về những kỳ vọng suy giảm ở các nước phát triển. Cuộc cách mạng đầu tiên là kết quả của việc suy giảm bất bình đẳng trên toàn thế giới nói chung. Cuộc cách mạng thứ hai là kết quả của sự gia tăng bất bình đẳng tại một số quốc gia quan trọng, đặc biệt là Mỹ.

Sẽ là sai lầm khi gán tất cả những thay đổi này cho công nghệ, hay toàn cầu hóa, vì hai quá trình này không thể tách rời khỏi nhau một cách có ý nghĩa. Một phân tích chính xác hơn là sự tăng trưởng nhanh chóng của một siêu mạng toàn cầu là động lực chính của cuộc cách mạng, vì chính hiện tượng này - sự tổng hợp bởi thay đổi công nghệ và hội nhập toàn cầu - đồng thời làm cho thế giới nói chung trở nên “phẳng” hơn, nhưng lại khiến cho xã hội Mỹ trở nên “rời xa nhau" (mượn cụm từ của của Charles Murray - nhà chính trị học người Mỹ, tác giả sách Rời xa nhau: Tình trạng nước Mỹ da trắng, 1960-2010).

Theo một nghiên cứu được trích dẫn rộng rãi bởi tổ chức từ thiện chống đói nghèo Oxfam, 1% người giàu nhất hiện nay có nhiều của cải hơn so với toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại. Vào năm 2015, theo Oxfam, 62 cá nhân có khối tài sản tương đương với tài sản của 3,6 tỷ người - “nửa dưới” của nhân loại.

Và kể từ đầu thế kỷ XXI tới nay, nửa dưới đó chỉ nhận được thêm 1% tổng mức gia tăng của cải toàn cầu, trong khi 50% mức gia tăng này thuộc về nhóm 1% giàu nhất. Crédit Suisse ước tính ra những con số tương tự: ngân hàng này ước tính rằng tỷ lệ tài sản toàn cầu nằm trong tay 1% dân số hàng đầu đạt mức 50% trong năm 2015. Khoảng 35 triệu triệu phú hiện sở hữu 45% tổng tài sản của thế giới; 123.800 người có hơn 50 triệu đôla, 44.900 người có hơn 100 triệu đôla và 4.500 người có nhiều hơn 500 triệu đôla.

Gần một nửa số triệu phú sống ở Mỹ, nơi thu nhập tích lũy thực tế trong nhóm 0,01% giàu nhất tính từ năm 1980 đạt mức 542% (dựa trên tính toán của các nhà kinh tế Emmanuel Saez và Thomas Piketty). Với mỗi người Mỹ nằm trong nhóm phân vị 90% trở xuống, thu nhập thực tế giảm nhẹ đi trong cùng thời gian. Thu nhập trung vị các hộ gia đình ở Mỹ năm 1999 là 57.909 đôla (tính theo giá năm 2015). Mức thu nhập này vào năm 2015 là 56.516 đôla. Đây là hệ thống thứ bậc nền tảng của thế giới hiện nay: một hệ thống thứ bậc của thu nhập và tài sản có hình dạng giống như một tòa nhà với bệ đỡ rất rộng và một gác chuông cao chót vót và mỏng dẹp.

Tuy vậy, có ba cảnh báo quan trọng. Trước tiên, theo dữ liệu từ Khảo sát Tài chính Tiêu dùng Mỹ thì mức gia tăng theo phần trăm tính theo cả của cải và thu nhập của 1% dân số giàu nhất và 0,1% dân số giàu nhất đều không cao như con số mà Piketty và Saez đưa ra. Thứ hai, số lượng các cá nhân trong danh sách Forbes 400 (Danh sách những người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes đưa ra hàng năm) lọt vào danh sách này nhờ tài sản được thừa kế giảm dần trong thời đại của chúng ta: từ 159 vào năm 1985 xuống chỉ còn 18 vào năm 2009.

Sự thay thế ở các vị trí dẫn đầu cũng rất cao. Thứ ba, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu toàn cầu - tầng lớp những người theo chủ nghĩa Marx hay gọi là giai cấp tư sản - là một sự thay đổi sâu sắc về mặt xã hội không kém việc tích lũy của cải của nhóm 1% giàu nhất.

Từ năm 2000 đến 2015, tầng lớp trung lưu Trung Quốc tăng thêm 38 triệu người; khi sử dụng định nghĩa tương tự, tầng lớp trung lưu Mỹ tăng thêm 13 triệu người. Trên toàn thế giới, tầng lớp trung lưu đã tăng lên về quy mô là 178 triệu người, với mức tăng 31% kể từ năm 2000.

Theo một ước tính, hệ số Gini phản ánh mức độ bất bình đẳng toàn cầu đã giảm từ 69 vào năm 2003 xuống còn 65 vào năm 2013 và sẽ giảm xuống còn 61 vào năm 2035. Nói ngắn gọn, có những bằng chứng thuyết phục cho thấy quá trình phân phối thu nhập toàn cầu đã trở nên ít bất bình đẳng hơn kể từ năm 1970 và xu hướng này nhiều khả năng sẽtiếp tục diễn ra. Động lực lớn nhất là quá trình tư sản hóa giai cấp bình dân của Trung Quốc, nhưng nó cũng chỉ chiếm khoảng 1/5 câu chuyện toàn cầu.

Lời giải thích thông thường là toàn cầu hóa đã làm giảm bất bình đẳng toàn cầu, nghĩa là sự tăng trưởng rất nhanh của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác sẽ không thể xảy ra nếu không có sự gia tăng trong dòng chảy thương mại và dòng chảy vốn sau thập niên 1970. Sự gia tăng di cư quốc tế trong cùng một khung thời gian có lẽ cũng giúp giảm bất bình đẳng, bằng việc di cư từ các nền kinh tế kém năng suất sang các nền kinh tế năng suất cao hơn.

Tuy nhiên, khó có thể tin được là sẽ xảy ra các dòng chảy lớn về thương mại, đầu tư xuyên biên giới và di cư mà không có sự đổi mới công nghệ đã được thảo luận ở trên, cũng như sẽ có ít và thưa thớt hơn các thành tựu công nghệ có tính nhảy vọt nếu không có các thành phần sản phẩm rẻ tiền do châu Á sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính sự gia tăng vượt bậc trong các luồng thông tin quốc tế đã giúp cho việc tái phân bổ vốn và lao động toàn cầu trở nên hiệu quả hơn. Điểm cốt yếu là, đối với phần lớn mọi người trên thế giới, đã có một sự cải thiện đáng kể một cách tương đối cũng như tuyệt đối trong 30 hoặc 40 năm qua. Nếu cần có một lời giải thích về cuộc cách mạng ở các nước đang phát triển thì có lẽ nó phải đề cập đến hiệu quả của những kỳ vọng gia tăng.

Niall Ferguson/NXB Thế Giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tac-dong-cua-cong-nghe-thong-tin-den-gioi-sieu-giau-post1389593.html