Sương - có 'mờ nhân ảnh'?

Là một hiện tượng tự nhiên có đặc trưng tạo ra một không gian mờ ảo, mơ hồ nên sương là một biểu tượng mang tính đối nghịch vừa độc hại vừa thi vị. Ngày xưa ưa thích sương, ngoài các nhà binh pháp còn là các nhà thơ. Ngày nay thì hình như chỉ còn các thi nhân yêu thích (!?).

Xin điểm qua những trận đánh lớn của nhân loại liên quan đến sương.

Binh pháp cổ phương Đông có “kế” được gọi là “man thiên quá hải” (giấu trời qua biển), tức lợi dụng sương mù để vượt biển qua mắt đối phương. Trong “Tam quốc diễn nghĩa” có chương “Thuyền cỏ mượn tên” rất nổi tiếng. Chuẩn bị trận đánh lớn (Xích Bích), vừa làm giảm nhuệ khí đối phương vừa thu được vũ khí lợi hại, Gia Cát Lượng cho các thuyền chất đầy cỏ khô đến vây trại thuyền quân Tào rồi gõ thanh la não bạt inh ỏi…

Vì sương quá mù, không quan sát rõ, Tào Tháo không dám manh động, chỉ còn cách cho lính bắn tên xối xả vào vị trí có âm thanh… Khi sương tan, Tháo mới té ngửa vì mắc kế độc. Trận sau đó quân Tào đại bại, không chỉ vì mất hàng vạn mũi tên vào tay kẻ thù, mà còn về tâm lý bị ức chế vì mắc mưu đại cao thủ…

Hình ảnh "Thuyền cỏ mượn tên".

Lịch sử quân sự thế giới ghi nhớ trận “Long Island” về bài học tướng giỏi cũng không bằng sự ủng hộ của thời tiết. Tướng Washington rất có thể đã bị thảm bại tại Long Island (22/8/1776) bởi quân đội Anh thiện chiến và được trang bị tốt. May mắn thay, sương mù dày đặc khiến quân Anh không thể triển khai đội hình nên đành hậm hực rút lui.

Không biết có phải từ sự việc này mà một tướng tài quân Phổ - ông Carl Von Clausewitz, đầu thế kỷ XIX khái quát nên thuật ngữ “Sương mù chiến tranh” chỉ việc các bên tham chiến đưa ra những tuyên bố mơ hồ về ý định hoặc mục tiêu để lừa đối phương. Nhưng chuyện có thật trong thế chiến I, Không quân Anh dù giỏi nhưng vẫn đặc biệt lo ngại sương mù - một đặc trưng tự nhiên của thời tiết nước Anh, cản trở hoạt động tác chiến. Các phi công được lệnh nếu không thể tiếp đất thì lái máy bay hướng ra biển, nhảy dù hoặc chấp nhận bỏ phi cơ.

Trong thần thoại Hy Lạp, Ersa (còn gọi là Herse) là nữ thần sương mai - một tiểu nữ thần, con của thần Zeus và nữ thần Selene. Ersa thường theo cỗ xe mặt trăng của mẹ đi khắp bầu trời. Những giọt sương Ersa kết lại từ độ ẩm của không khí giúp nuôi dưỡng cây cối. Tín ngưỡng Do Thái rất đề cao sương trong lĩnh vực nông nghiệp và thần học. Trong ngày lễ trọng, người chủ lễ mặc áo lễ màu trắng (màu sương) cầu nguyện để có sương, có sương tức sẽ có mưa. Người Trung Hoa cổ xưa quý sương đến mức vua cho hứng sương trộn với bột ngọc thạch để tạo thuốc trường sinh. Họ coi sương là “châu ngọc của thánh”, là “mồ hôi của trời”, biểu tượng của sự tái sinh.

Nữ thần Sương mai Ersa!.

Sương thường có hai loại, sương mù tức sương bay trong không khí và sương kết thành hạt. Sương kết hạt còn gọi là móc (từ Hán Việt là “lộ thủy”) xuất hiện trên các vật thể vào sáng sớm hoặc buổi chiều. Khi nhiệt độ hạ thấp thì hạt sương cấu tạo trong dạng nước đá, tức sương muối. Người Việt ta đã biết sương muối gây độc, làm khô héo cây cỏ, nhất là cây mới trồng nên vào dịp nhiều sương bà con phải đan phên tre nứa, rạ rơm để che chắn, rất tốn công. Ngày nay khoa học khuyến nghị tập thể dục tốt nhất vào thời điểm hết sương, tức 9,10 giờ sáng, bởi sương bị nhiễm các khí độc bốc lên từ mặt đất, ngưng tụ rồi sà xuống mặt đất…

Nhưng trong điều kiện không khí trong lành, ít khói bụi thì sương trở thành một thi liệu không thể thiếu trong thơ bởi sự long lanh thi vị của hạt nước trong veo và tạo ra không gian “mờ nhân ảnh” của sương mù. Nhà thơ cổ Lý Bạch có bài thơ “Tĩnh dạ tứ” (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) so sánh ánh trăng với sương: “Sàng tiền minh nguyệt quang/ Nghi thị địa thượng sương/ Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương” (Đầu giường ánh trăng rọi/ Ngỡ mặt đất phủ sương/ Ngẩng đầu ngắm trăng sáng/ Cúi đầu nhớ quê hương).

Thuở nhỏ, Lý Bạch hay lên đỉnh núi Nga Mi ở quê ngắm trăng. Lớn lên phiêu bạt, mỗi lần thấy trăng sáng là nhà thơ lại nhớ về quê nhà. Ánh trăng đã mơ màng lại còn nhìn ánh trăng như màn sương, tức không gian càng thêm mờ ảo, hư thực. Trăng sáng như sương nơi xa xứ hôm nay hay trăng sáng như sương ngày ở quê hôm qua? Hay là cả hai ánh xạ vào nhau tạo nên một rung động khôn nguôi trong tâm tưởng về cố hương? Cái mơ hồ này lại tạo ra cái xa vắng, bâng khuâng, day dứt. Thơ hay đi giữa cái thực và không thực có lẽ là thế!

Cụ Nguyễn Khuyến trong bài “Khóc Dương Khuê” có câu nổi tiếng: “Tuổi già hạt lệ như sương/ Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”. Nước mắt người già vì ít nên đọng thành hạt như giọt sương trong khóe mắt. Nhưng vì thương bạn mà tuy đã già vẫn khóc nhiều thành “hai hàng chứa chan”. Cái đắc địa nhất của câu thơ là phép so sánh nước mắt với sương. Tuổi già mong manh, sương cũng mong manh, có thể “bay hơi” bất cứ lúc nào!

Thơ Mới 1932-1945 có thi sĩ Hàn Mặc Tử làm thơ về sương gây nhiều vương vấn cho độc giả, nhất là các thiếu nữ: “Mơ khách đường xa, khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra.../ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?” (Đây thôn Vĩ Dạ). Áo trắng hòa lẫn vào sương trắng thì đúng là “mờ nhân ảnh”. Nhưng đấy là không gian vật lý, còn không gian tâm trạng của thi nhân thì ngược lại, rất “đậm đà”. Sương trong thơ Xuân Diệu lại bay lên cao, hồn người theo đó mà “nâng theo”: “Sương nương theo trăng ngưng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”. Cấu trúc toàn thanh bằng cùng với cách gieo vần “ương” (sương, nương, tương), vần “ưng” (ngưng, lưng), vần “ơi” (trời, chơi, vơi), câu thơ tạo ra cảm giác con người cũng cứ như được chơi vơi bồng bềnh trên mây vậy!

Nhiều nhà thơ tả sương hạt rất hay nhưng được nhiều độc giả thuộc thì Trần Hữu Thung có câu ấn tượng: “Mặt trời càng lên tỏ/ Bông lúa chín thêm vàng/ Sương treo đầu ngọn cỏ/ Sương lại càng long lanh” (Thăm lúa). Ấn tượng bởi câu này đặt trong bối cảnh không gian người vợ cùng người chồng đi “thăm lúa”. “Thăm” nhưng lại là chia tay nhau để người chồng ra trận. Ý thơ đẹp, trong sáng, khỏe khoắn đã nâng hình tượng vốn dĩ đẹp càng đẹp thêm. Thời hiện đại thì Hữu Thỉnh tả sương bay rất tinh tế: “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về” (Sang thu). Không thể thay được hai chữ “chùng chình” vì chỉ nó mới diễn tả được cái ngập ngừng, dùng dằng, nửa muốn đi nửa muốn ở của đám sương bởi cái gió rất nhẹ gần mặt đất… Thước đo tài năng thi sĩ trước hết là ở cách dùng tính từ là vì thế.

Trong nhạc, khó quên với bài hát “Giọt sương bay lên” của Nguyễn Vĩnh Tiến: “Mùa màng trôi ôi tiếng chim kêu/ Trong veo những giọt sương/ Mùa màng trôi ôi chiếc lá xanh/ Soi gương những giọt sương/ Mùa màng trôi ôi nước mắt ai/ Bay lên với giọt sương…”. Hình tượng “những giọt sương” cứ được láy lại như tạo ra độ lấp láy, long lanh của giọt sương. Bài này hát khó, hơi thở phải thật nhẹ, nhả hơi phải như thả sương ra cho bay lên. Nhưng không khéo lại thành điệu đà.

Trong tiểu thuyết có “Trong sương hồng hiện ra” của Hồ Anh Thái, đúng với cái mơ màng, bảng lảng của sương, câu chuyện kể chàng trai mười bảy tuổi rơi vào một cơn hôn mê được đi xuyên thời gian, ngược về hai mươi năm trước gặp cha mẹ mình đang yêu nhau và nhiều câu chuyện khác thời Hà Nội trong những trận ném bom của không quân Mỹ. Một giả tưởng thật hay: Quá khứ luôn được phủ bởi một màn sương hồng, sương tan, mỗi người sẽ chiếm lĩnh quá khứ bằng trải nghiệm của mình. Không sống bằng quá khứ nhưng không được quên quá khứ, cũng không nên tô hồng hay bôi đen mà cứ để quá khứ trung thực như vốn có để tìm hiểu trọn vẹn, chính xác hơn.

Ở loại hình phim, năm 2010 nước Mỹ có bộ phim nổi tiếng “Sương mù chiến tranh” đoạt giải Oscar hạng mục phim tài liệu nói về các cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ tham chiến trong thế kỷ XX. Nghiêng về cái nhìn phản đối, lên án chiến tranh, bộ phim được ca ngợi như một sự chữa lành vết thương mà những sai lầm của người Mỹ mắc phải.

Ở Việt Nam ta có “Dốc sương mù” (2012), với phong cách lãng mạn kết hợp với chất hài hước dí dỏm nhẹ nhàng, hình ảnh mới lạ, cảnh quay đẹp giữa núi rừng Tây Nguyên, bộ phim không chỉ nói lên khát vọng của những người trẻ mà còn phơi bày ra những rào cản khắc nghiệt từ bao tập tục thủ cựu cần tháo bỏ. Hay mới đây là bộ phim tài liệu đoạt giải Phim châu Á xuất sắc tại liên hoan phim châu Á ở Đà Nẵng “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm đề cập hủ tục cướp vợ của người Mông.

Thế là từ bên ngoài cuộc đời thực tế sương lại bồng bềnh trôi vào văn chương góp phần tạo nên một mã nghệ thuật cần khám phá!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/suong-co-mo-nhan-anh--i719861/