Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: 'Nóng' câu chuyện hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

Bảo hiểm xã hội hướng tới đảm bảo hưu trí cho người lao động khi về già là một chính sách xã hội, không phải một kênh đầu tư. Tuy nhiên, để 'níu chân' người lao động ở lại lưới an sinh thay vì rút bảo hiểm xã hội một lần không phải là chuyện dễ dàng.

Trẻ hóa số người rút bảo hiểm xã hội một lần

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tổng số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là hơn 4,9 triệu người. Bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%/năm. Những người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhất ở nhóm từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%), thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống (chiếm khoảng 0,3%).

Như vậy có thể thấy, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 77,3% trong tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần). Điều này cho thấy, việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần sớm vẫn có thể tiếp tục gia tăng, bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ này hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Phần nữa cũng do áp lực về tài chính và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần bình quân còn trẻ.

Việc rút bảo hiểm xã hội một lần đang trẻ hóa do q uan niệm tích lũy tài sản đã thay đổi

Số liệu thống kê cũng cho thấy, đa số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, là người lao động ngừng đóng bảo hiểm xã hội sau 1 năm (chiếm trên 98% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2021). Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, khi đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu chiếm rất ít, chỉ chiếm gần 0,8% giai đoạn 2016-2021.

Từ những số liệu trên có thể nhận định rằng, số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần đang trẻ hóa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng trong đó có cả nguyên nhân do quan niệm tích lũy tài sản đã thay đổi. Nhiều người lao động khi nghỉ việc, chuyển việc, về quê tìm sinh kế khác dù chưa có nhu cầu cấp bách về tiền bạc nhưng vẫn rút bảo hiểm xã hội một lần vì cho rằng sẽ không quay lại làm việc trong khu vực chính thức. Từ thực trạng trên, cơ quan quản lý cho rằng, cần có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để hưởng chế độ hưu trí. Đồng thời, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Người lao động xếp hàng chờ nhận bảo hiểm xã hội một lần

Hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã xây dựng 2 phương án về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 1, quy định việc hưởng bảo hiểm xã một lần đối với 2 nhóm người lao động khác nhau. Nhóm thứ nhất là người lao động đã tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận một lần. Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận một lần sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung. Nhóm thứ hai là người lao động bắt đầu tham gia từ khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1-7-2025) không được nhận một lần. Với phương án 1, trong những năm đầu, số người hưởng một lần không giảm nhiều nhưng càng những năm sau giảm càng nhiều, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh, có thể giảm quá nửa số người hưởng một lần so với giai đoạn vừa qua. Việc này giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi tuổi già.

Sau 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tổng số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là hơn 4,9 triệu người. Bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%/năm. Những người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhất ở nhóm từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%), thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống (chiếm khoảng 0,3%). Như vậy có thể thấy, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 77,3% trong tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần). Điều này cho thấy, việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần sớm vẫn có thể tiếp tục gia tăng, bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ này hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Phần nữa cũng do áp lực về tài chính và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần bình quân còn trẻ.

Phương án 2 là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu, thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Với phương án này, mặc dù, số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia). Tuy nhiên, phương án này chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm xã hội một lần theo Luật Bảo hiểm xã hội và thông lệ quốc tế. Người lao động không được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác giảm quyền lợi. Đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước khi luật có hiệu lực thi hành.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Nghỉ việc “chạy luật” vì lo bị “siết” quy định

Mặc dù, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới đang trong quá trình xây dựng, cùng với quy định thắt chặt chính sách bảo hiểm xã hội, cơ quan soạn thảo còn sửa đổi nhiều quy định khác nhằm đồng bộ chính sách, tối ưu hóa quyền lợi để giữ chân người lao động ở lại lưới an sinh. Thế nhưng, lo ngại việc “siết” quy định rút bảo hiểm xã hội một lần theo hướng giảm số tiền hoặc không cho rút, nhiều lao động tính toán sẽ nghỉ việc rút bảo hiểm xã hội một lần để “chạy luật”.

Khi dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến, việc “siết” quy định rút bảo hiểm xã hội một lần là nội dung được nhiều người lao động quan tâm. Trên các diễn đàn, số lượng công nhân thắc mắc về bảo hiểm xã hội một lần tăng đáng kể. Có tình trạng công nhân nghỉ việc rút bảo hiểm xã hội một lần do chưa hiểu hết hoặc lo lắng về các quy định khi chính sách mới có hiệu lực cũng đang diễn ra tại một số nơi.

Tại Hà Nội, chị Hoàng Thị Lan (40 tuổi) là công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long chia sẻ, gần đây bạn bè, đồng nghiệp của chị hay nói về thông tin sửa Luật Bảo hiểm xã hội, rằng khi Luật được ban hành sẽ khó rút bảo hiểm xã hội một lần. Thời gian này, nhiều công ty cũng khó khăn về đơn hàng, thu nhập giảm sút. Chị Lan dự định, nếu không có tín hiệu tích cực hơn, cuối năm hết hạn hợp đồng chị sẽ nghỉ việc rút bảo hiểm xã hội một lần để về quê làm ăn. Theo tính toán của chị, với thời gian đóng bảo hiểm xã hội hơn 10 năm, nếu rút bảo hiểm xã hội một lần chị có thể nhận được khoảng 100 triệu đồng tiền bảo hiểm. Chị Lan cũng cho hay, vì nghe nói sắp tới người lao động sẽ không được rút bảo hiểm xã hội một lần nên bạn bè của chị có người cũng cân nhắc nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội một lần dù không có cấp bách gì về kinh tế.

Nghiên cứu tăng quyền lợi cho người tham gia

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay, còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần. Do đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức và chính quyền các địa phương để tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quy định về bảo hiểm xã hội một lần cũng như tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án sửa đổi, bổ sung theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội. Trong đó, đặc biệt chú ý và đặt trọng tâm vào việc thông tin tuyên truyền, giải thích đầy đủ, nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp, tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác, đánh giá toàn diện bối cảnh và điều kiện thực tiễn về đời sống, tâm lý của người lao động, dư luận xã hội để quyết định việc đề xuất phương án theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm, nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của bảo hiểm xã hội.

Về nội dung này, tại cuộc họp cho ý kiến dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mỗi phương án Chính phủ đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Cần nghiên cứu, tích hợp hai phương án này để đưa ra một phương án tối ưu.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm. Tinh thần đề ra trong quá trình xây dựng luật là làm sao xử lý hài hòa giữa yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước với việc hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động, không tạo ra cú sốc với người lao động, nhất là trong lúc khó khăn hiện nay. Trong 2 phương án đã đề xuất, thực sự chưa có phương án tối ưu. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục tham vấn, nghiên cứu, tính toán để tìm ra phương án đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi của người lao động và sự bền vững của chính sách.

Nhiều ý kiến khác nhau

Hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần trong dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

- Loại ý kiến thứ nhất, lựa chọn phương án 1 là giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực.

- Loại ý kiến thứ hai, lựa chọn phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

- Loại ý kiến thứ ba, chưa đồng ý với cả 2 phương án Chính phủ trình vì phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

- Loại ý kiến thứ tư, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có chính sách giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn để giảm thiểu nguy cơ phải hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi đối với người lao động khi bị nghỉ việc hoặc nếu lựa chọn phương án 2 thì cần phải bổ sung quy định chặt chẽ hơn về điều kiện.

- Loại ý kiến thứ năm, đề nghị trong bối cảnh bảo hiểm hưu trí bổ sung chưa phát triển, đề nghị nghiên cứu tách quỹ hưu trí bắt buộc thành 2 phần, phần bắt buộc đóng ở mức sàn để bảo đảm an sinh xã hội và phần còn lại của thu nhập. Người lao động không có quyền rút phần bắt buộc nhưng được rút phần còn lại. Cả 2 quỹ này đều do cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý.

Ông Andre Gama - Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam: Không nước nào cho rút bảo hiểm xã hội một lần dễ dàng

Trên thế giới không có quốc gia nào cho phép người lao động rút bảo hiểm dễ dàng như Việt Nam. Người lao động chỉ được phép rút bảo hiểm xã hội chỉ khi ốm đau thập tử nhất sinh, hoặc di chuyển sang quốc gia khác sinh sống. Quy định cho rút bảo hiểm xã hội một lần không phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi cho rút bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động xem đó như một tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng, điều đó không phù hợp với bản chất của bảo hiểm xã hội. Ý nghĩa của bảo hiểm xã hội là sự chia sẻ, hỗ trợ.

Thống kê cho thấy, hầu hết lao động sẽ tiêu hết số tiền bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian ngắn khi vừa rút xong. Như vậy, về già không còn khoản nào để đảm bảo thu nhập, dễ rơi vào đói nghèo. Khi nhận trợ cấp một lần, người lao động sẽ không còn nhận bất kỳ chế độ nào như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động trong suốt quãng đời còn lại, không được bảo vệ bởi hệ thống an sinh nữa. Việt Nam cần từng bước hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Để làm được điều này cần có sự phối hợp giữa chính sách bảo hiểm xã hội và việc làm.

TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Đảm bảo an sinh, không để ai bỏ lại phía sau

Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần tuân thủ Hiến pháp, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Mục tiêu quan trọng của sửa Luật Bảo hiểm xã hội lần này ngoài việc đa tầng, giảm thiểu, mở rộng đối tượng thì quan trọng là chúng ta phải làm sao hạn chế được số lượng lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Thông thường, người lao động thực sự khó khăn mới cần rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng việc này không có lợi cho người dân về lâu dài, đồng thời còn gây nguy hại cho hệ thống an sinh xã hội. Do đó, việc sửa đổi quy định này trong Luật Bảo hiểm xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải tính toán rất kỹ lưỡng vì đây là vấn đề nhạy cảm. Nếu không công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp sẽ ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần, chúng ta sẽ khó đạt được mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội.

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Rút bảo hiểm xã hội một lần tạo ra khoảng trống an sinh

Rút bảo hiểm xã hội một lần dù là quyền lợi chính đáng của người lao động, song xu hướng này tăng thời gian qua là thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội. Hai phương án được đưa vào trong dự Luật đều theo hướng nhằm hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, đều có ưu, khuyết điểm. Vì vậy, cần có nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để đảm bảo cuộc sống như tín dụng ưu đãi, đào tạo, việc làm… Ngoài ra, để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với bảo hiểm xã hội, giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, cần xem xét nâng mức trợ cấp một lần cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm, tương ứng với tỉ lệ lương hưu 75%.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sua-luat-bao-hiem-xa-hoi-nong-cau-chuyen-han-che-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-post551178.antd