Có thể thu hẹp chênh lệch giữa người hưởng lương hưu cao và lương hưu quá thấp?

Hưu trí là một trong những chế độ quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân khi hết tuổi lao động. Trên thực tế, ai cũng có mong mỏi khi về già sẽ nhận được lương hưu đủ chi trả cuộc sống, song vẫn còn có sự chênh lệch rất lớn khi so sánh giữa những người hưởng lương hưu về mức thụ hưởng.

Bà Phạm Thị Hồng My, ấp Giồng Ngánh, xã Hiệp Mỹ Tây (Cầu Ngang – Trà Vinh) là một trong những người đã hưởng lương hưu nhờ đóng BHXH tự nguyện. Số tiền lương hưu đủ để bà trang trải cuộc sống hằng ngày.

Niềm vui khi nhận lương hưu

Trước đây, bà My là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hiệp Mỹ Tây, có thời gian tham gia BHXH bắt buộc là 16 năm 11 tháng. Đến tháng 12/2020, bà My đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí nhưng thời gian tham gia chưa đủ theo quy định, được cán bộ BHXH huyện tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện nên bà đã chọn đóng BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Hưu trí là một trong những chế độ quan trọng của chính sách BHXH, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân khi hết tuổi lao động.

Hưu trí là một trong những chế độ quan trọng của chính sách BHXH, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân khi hết tuổi lao động.

"Với thời gian còn thiếu là 3 năm 1 tháng, sau khi được tư vấn kỹ càng, tôi chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu với mức thu nhập lựa chọn làm căn cứ đóng là 5.450.000 đồng, hằng tháng đóng bằng 22% mức lựa chọn và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 10% (tính trên mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn). Trừ số tiền được ngân sách Nhà nước hỗ trợ khi tham gia BHXH tự nguyện hơn 625.000 đồng, tôi đã đóng một lần với số tiền hơn 48 triệu đồng và được hưởng lương hưu ngay sau khi đóng đủ thời gian 20 năm theo quy định", bà My cho biết.

Khi được hỏi về lương hưu được nhận, bà My phấn khởi khoe: Nhờ đóng BHXH tự nguyện mà hiện nay hằng tháng, bà nhận lương hưu đều đặn với mức hưởng là 3.317.300 đồng; số tiền này đủ để bà trang trải cuộc sống hằng ngày.

"Bên cạnh việc được nhận lương hưu hằng tháng, tôi còn được cấp thẻ BHYT với mức hưởng suốt đời lên đến 95%; nếu so với trước đây khi tôi còn công tác ở UBND xã thì chỉ được hưởng 80% theo mã đối tượng ghi trên thẻ. Được cấp thẻ BHYT, tôi không cần lo chi phí khi mỗi tháng phải đến bệnh viện khám và nhận thuốc uống do bị huyết áp cao, bị đau nhức xương khớp của tuổi già…", bà My nói.

Hiểu được lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện nên hiện nay, bà My cũng đã đăng ký làm nhân viên thu BHXH, BHYT trên địa bàn huyện Cầu Ngang và cũng là một trong những tuyên truyền viên rất tích cực góp phần cùng BHXH huyện Cầu Ngang đưa chính sách BHXH tự nguyện đi vào cuộc sống; để người dân trong huyện được hưởng chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Cũng là một trong hàng chục triệu người trên cả nước đang nhận lương hưu, ông Diệp Công Thành, ở khu vực 3, phường I, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) cho biết năm 2010, ông nghỉ hưu, với khoản lương hưu hàng tháng trên 3 triệu đồng. Qua nhiều đợt điều chỉnh, đến nay, lương hưu của ông đã tăng lên hơn 6 triệu đồng. Sống một mình, với khoản lương hưu như thế giúp ông chủ động về kinh tế.

So với thời điểm ban đầu, lương hưu của ông Thành đã tăng lên gấp đôi. Ông còn được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu, với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh, cao hơn so với BHYT hộ gia đình.

Hình thành BHXH đa tầng

Có thể thấy chính sách hưu trí đem lại những ý nghĩa vô cùng lớn với người lao động khi về già, song vì một lý do nào đó, nhiều người không tham gia BHXH tự nguyện hoặc chọn cách rút BHXH một lần. Bởi vậy, việc sửa đổi chính sách BHXH rất quan trọng để phát triển hệ thống an sinh của đất nước.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), bên cạnh việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng và mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, việc sửa đổi bổ sung các quy định nhằm mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút và “giữ chân” người lao động trong hệ thống BHXH để được hưởng lương hưu là hết sức quan trọng.

Thời gian vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có tổ chức hội thảo góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Nhiều cán bộ công đoàn và người lao động có đề xuất hoán đổi thời gian đóng BHXH với điều kiện tuổi nghỉ hưu trong trường hợp thời gian tham gia BHXH đã vượt trần trong lúc tuổi nghỉ hưu chưa đủ so với quy định của pháp luật.

Cụ thể, với quy định hiện nay, thời gian tham gia BHXH để hưởng mức lương hưu tối đa (75%) với nam là 35 năm, với nữ là 30 năm. Còn nếu thời gian tham gia BHXH nhiều hơn thì khi nghỉ hưu, với mỗi năm nhiều hơn đó, người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 0,5 tháng lương. Nếu người lao động về hưu trước tuổi thì mỗi năm thiếu tuổi phải bị trừ 2%. Trong khi đó, hầu hết người lao động làm việc trong các khu công nghiệp thường nghỉ hưu trước tuổi nên bị trừ phần trăm khá nhiều.

Do vậy, người lao động đề nghị hoán đổi trong trường hợp này là mong muốn hết sức chính đáng và thực tiễn, rất cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi Luật BHXH lần này.

Khắc phục tình trạng người lương hưu quá cao, người lại quá thấp

Một ví dụ nữa được ông Quảng nêu ra trong dự thảo Luật BHXH là nguyên tắc đóng-hưởng ở chính sách hưu trí thể hiện rõ nét, nhưng sự chia sẻ đang còn ít. Điều này dẫn đến tình trạng hiện nay có sự chênh lệch khá lớn về tiền lương khi về hưu của người tham gia BHXH.

Với nhóm công nhân lao động trực tiếp, do nền tiền lương đóng BHXH của họ thấp, thường phải về hưu trước tuổi phải trừ phần trăm nên lương hưu rất thấp. Trong khi đó, có một số trường hợp về hưu nhưng mức hưởng lương hưu có thể khá cao.

Vẫn còn chênh lệch rất lớn trong những người hưởng lương hưu.

Vẫn còn chênh lệch rất lớn trong những người hưởng lương hưu.

“Rõ ràng, điều này tạo ra một sự chênh lệch rất lớn trong những người hưởng lương hưu”, ông Quảng nói. Hiện nay, trong nội dung sửa đổi của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vẫn chưa có sự điều chỉnh để tăng sự chia sẻ trong các đối tượng này. Chính sách cần tạo ra sự công bằng. Nếu để tình trạng này, có thể tạo ra sự phân hóa giữa những người hưởng lương hưu.

“Tất nhiên, chúng ta tôn trọng nguyên tắc đóng-hưởng, nhưng cần có cơ chế giảm thiểu sự phân hóa này”, ông Quảng nói.

Ngoài ra, ông Quảng băn khoăn về cách tính lương hưu. Hiện nay, lao động nam tham gia BHXH 20 năm, lao động nữ tham gia BHXH 15 năm thì tính mức hưởng lương hưu bằng 45%. Sau đó, mỗi năm người lao động tham gia BHXH được tính bằng 2%, mức hưởng lương hưu tối đa không quá 75%.

Như vậy, có thể thấy, tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu với những người đóng BHXH 15 năm rất thấp. Trong lúc đó, mức lương làm cơ sở đóng BHXH của nhóm lao động trực tiếp cũng rất thấp. Chưa kể, nếu chưa đủ tuổi, người lao động cũng sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu. Tất cả đều ảnh hưởng tới lương hưu thực nhận của họ sau này.

Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần hiểu rõ, dù lương hưu có thấp, nhưng chế độ hưu trí cũng giúp bảo đảm đời sống hơn cho người tham gia hơn những người không được hưởng chính sách gì. Lương hưu vẫn được Chính phủ điều chỉnh, định kỳ hằng năm căn cứ vào điều kiện kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề rút BHXH một lần, ông Nguyễn Văn Hồi- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, số người rút BHXH một lần tăng trong những tháng đầu năm 2024 cho thấy đây là lựa chọn của người lao động sau khi mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động và thôi việc.

Điều này do phần lớn người lao động thấy khó khăn trước mắt, chưa nhận thức được các lợi ích dài hạn của BHXH cũng như mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. "Sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng truyền thông nâng cao lợi ích về chính sách BHXH, đồng thời sửa Luật theo hướng hỗ trợ cho lao động, tăng quyền lợi để giữ chân người lao động tham gia BHXH", ông Hồi thông tin.

Linh Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/co-the-thu-hep-chenh-lech-giua-nguoi-huong-luong-huu-cao-va-luong-huu-qua-thap-1099804.html