Sự thiêng liêng của ngày Tết trong tâm thức người Việt

Những ngày đầu năm mới có vị trí quan trọng trong quan niệm của người Việt. Tùy theo hoàn cảnh, nhà giàu có hay gia đình trung lưu đều cố gắng sửa soạn một cái Tết tươm tất.

Một gia đình giàu có ở Hà Nội ăn mặc chỉnh tề, sum họp chụp ảnh nhân ngày đầu năm mới. Ảnh: Flickr.

Hiển nhiên, tất cả những người châu Âu đều biết rằng Tết là lễ hội lớn nhất An Nam, nhưng liệu họ có giải thích được tất cả những ý nghĩa tập tục của nó?

Tết An Nam, do tính biểu tượng, tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn của nó tới dân tộc, không thể đem so với bất cứ ngày lễ nào của người châu Âu; “dù sao thì nó không đơn giản là một ngày đầu tiên của năm”, đồng thời nó là “sự thống nhất của con người với tự nhiên trong sự trỗi dậy vui tươi của sự tái sinh” vì lịch âm tương ứng với những hiện tượng tự nhiên, “sự thần thánh hóa, sự ngợi ca, niềm hứng khởi của tín ngưỡng gia đình và thờ cúng tổ tiên”.

Cuối cùng và đặc biệt, Tết tạo ra cho toàn dân tộc một tâm thức chung, tạo nên sự thống nhất của những khối óc và những trái tim trong một cảm xúc tập thể “khi dân tộc quên đi vào mỗi dịp năm mới, mọi bất hạnh và mọi khó khăn mà họ có thể đã phải chịu đựng trong năm qua, và sẵn sàng bắt đầu lại cuộc sống trong niềm hi vọng và sự hoan hỉ”.

Không, không thể đem so Tết với bất cứ lễ hội nào của người châu Âu, và ngay cả những người phương Tây ít am hiểu nhất cũng giải thích được niềm hi vọng sục sôi bao trùm vào thời điểm này, sự hoan hỉ mà người ta cố gắng kìm nén lại nhưng cuối cùng lại thủ tiêu mọi thứ ngăn giữ; ngay cả trong những văn phòng, nơi các viên thư kí đã giữ được lâu nhất sự bình thản cần thấy ở kẻ nhân viên mẫn cán, thì những ngày giáp Tết cũng thổi đến như một cơn gió điên rồ.

Điều này trở thành một sự gò bó khủng khiếp mà những con người bất hạnh ấy phải chịu để sắp xếp những yêu cầu của ngữ pháp tiếng Pháp hoặc sổ sách kế toán trong khi đầu óc đang đầy những ý nghĩ khác: lo lắng về những món nợ phải trả, quà tặng, cha mẹ và bạn bè phải tiếp đón và hàng nghìn mối quan tâm cá nhân.

Trong tầng lớp nghèo, những mối lo ấy cũng y hệt như vậy, nhưng người ta ít kiềm chế trong việc biểu lộ cảm xúc của mình. Còn ở những đứa trẻ chẳng có sự giữ gìn ý tứ theo truyền thống cũng chẳng có lí do phải kìm nén niềm phấn khích, thì thật là mủi lòng khi quan sát chúng.

[...]

Sự náo động mà ta thấy tại trường cũng gặp ở những người lớn, dưới một hình thức khác. Đó là gần ba tuần trước Tết, các bà nội trợ bắt đầu việc sửa soạn và trên những con đường làng, tôi bắt gặp đầy những xe bò chở lá dong dùng để gói bánh chưng (loại bánh truyền thống làm từ gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn) cũng như các bác nông dân vác những cành đào vẫn còn đương nụ, sẽ bung nở vào ngày Tết, làm vui nhà vui cửa và cũng mang đến may mắn bởi chúng là biểu tượng của sức sống và sự bất tử.

Đó là gần ba tuần mà những người bán hàng rong đi từ nhànày đến nhà khác chào mua bưởi, được bảo quản đặc biệt cho dịp Tết; là lúc khắp nơi người ta sơn lại tường, quét tước, rửa ráy, xếp dọn để trang trọng chào đón “Thời khắc rạng đông của sự khởi đầu” (Tết Nguyên Đán), bởi vì “Tết mở ra một cuộc sống mới cho mọi người”.

Tôi chưa bao giờ được tham dự nghi lễ ấm cúng nổi tiếng, diễn ra trong mọi gia đình để tiễn thần bếp, Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp, khi vị thần này dưới dạng hương khói (người ta đốt hình nộm ông) bay lên trời để gặp Ngọc Hoàng trình báo về sự ăn ở trong năm của gia đình nơi ông cư ngụ. Để ông chỉ nói những điều hay ho, người ta dâng lên ông bánh kẹo và ở Trung Quốc, tôi đã nhìn thấy vài ba bức tượng mà người ta phết mật lên môi với cùng mục đích.

Nhưng tôi đã tham dự những bữa ăn đón năm mới và tôi thấy, trên bàn thờ tổ tiên, các món ăn được dâng cúng hương hồn những người đã khuất: trong ba ngày Tết, họ sẽ dự phần vào cuộc sống của gia đình và con cháu.

Hilda Arnhold/ NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://znews.vn/su-thieng-lieng-cua-ngay-tet-trong-tam-thuc-nguoi-viet-post1459024.html