Sự sáng tạo hiện diện ngay cả ở đồ chơi

(VEF.VN) - Đừng đòi hỏi Việt Nam phải có ngay những phát minh vĩ đại mới được coi là có nền tảng kinh tế sáng tạo! Có những giá trị chất xám khiến ta tin rằng nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam đang hiện diện theo một cách giản dị.

Để có một đường bay tự quay trở lại của đĩa bay TOSY là khoảng thời gian 5 năm nghiên cứu những phương trình vật lý và toán học phức tạp! Để maketing cho thương hiệu Việt Nam, TOSY chế tạo chú robot dáng người, cao 1,88 m biết đánh bóng bàn. Trong một tương lai gần, đồ chơi cũng chỉ là một nhánh nhỏ trong hoạt động của TOSY, các dự án về robot công nghiệp và dịch vụ mới là chủ đạo. Có thể nói, từ việc sản xuất một mẫu sản phẩm đồ chơi cho đến cách thức đi ra thị trường toàn cầu và hơn hết là tư duy chiến lược về thương hiệu có lẽ chỉ gói gọn ở 4 chữ: sáng tạo đột phá. Giá trị khổng lồ trong một sản phẩm đồ chơi Việt Nam thua xa Trung Quốc và Mỹ về ngành công nghiệp đồ chơi. Nhưng tại hội chợ đồ chơi quốc tế Mỹ mới đây (ngày 13-16/2 tại New York ), đồ chơi của Việt Nam dường như còn nổi bật hơn cả búp bê Barbie của Mattel hay các bộ xếp hình của Lego. Có hơn 100.000 mẫu đồ chơi được giới thiệu ở đây và các nhà báo của Mỹ viết về sự kiện này điểm TOP 5-20 sản phẩm đều nhắc tới đĩa bay TOSY như một món đồ độc đáo, hấp dẫn nhất hội chợ. Những bức hình của tạp chí công nghệ CNET, những clip của The Street hay Time to Play và cuộc bình chọn của kênh WABC đã nói lên điều đó. Một lần nữa, ở trong nước, trang Linkhay lại tranh luận sôi nổi, bán tin bán nghi: liệu đĩa bay TOSY có phải là của Việt Nam hay là copy ở đâu đó? Lại có thành viên thắc mắc: Sao công ty robot lại đi làm đồ chơi nhỉ? Những thành viên diễn đàn Game.vn so sánh đĩa bay TOSY với đĩa bay của Trung Quốc sau một hồi bình luận qua lại, đều chung một ý kiến: chỉ đĩa bay của ta mới quay lại được thôi, đĩa bay Trung Quốc chỉ là hàng nhái. Thậm chí, có thành viên còn "buôn" rằng: "Chỗ "ta", không chỉ mỗi trẻ con, còn có cả mấy bác già cũng đem ra chơi và lập CLB thi đấu!" Cộng đồng mạng xem clip về đĩa bay TOSY trên Youtube, do Time to play post lên, có nick comment rằng: "Đó là đồ chơi của Việt Nam. Thật tự hào vì tôi là người Việt Nam." Mấy năm nay, chiếc đĩa bay của công ty robot TOSY đã quá quen thuộc với trẻ em Việt Nam. Hầu như, đứa trẻ nào cũng thích thú với đường bay sáng lung linh kỳ bí khi chơi vào buổi tối. Thú vị nhất là đồ chơi bay này có khả năng đặc biệt tự quay trở lại chính xác ngươi chơi. Trước đó, ở hội chợ đồ chơi Đức, khi chứng kiến đặc tính thú vị ấy, nhiều vị khách Tây ngay lập tức cho rằng, chắc nhà sản xuất TOSY lắp cảm biến phức tạp hay điều khiển từ xa. Một chuyên gia công nghệ của Epson sau một hồi săm soi mẫu đồ chơi này, đã đề nghị công ty TOSY "mổ" chiếc đĩa bay ra để xem kết cấu bên trong. Khi tận mắt thấy rõ bên trong chiếc đĩa bay này không dùng thiết bị cảm biến nào, vị chuyên gia này đã vô cùng ngạc nhiên. Sự nổi trội ấy có phải là "hữu xạ tự nhiên hương"? Vì sao chỉ là một thứ đồ chơi Việt Nam trông khá là đơn giản mà cũng nhận được sự chú ý lạ lùng đến vậy? Đầu tiên, ý tưởng ấy bắt đầu từ loại vũ khí boomerang có đặc tính ném đi tự quay trở lại của thổ dân châu Úc cách đây 10.000 năm. Nhưng để biến thành một đồ chơi hiện đại, TOSY đã mất 5 năm nghiên cứu giải quyết những phương trình vật lý, toán học và cải tiến qua không biết bao nhiêu phiên bản để cho ra đời một mẫu đồ chơi có tính năng đặc biệt đó. Dựa theo nguyên lý khí động học, đĩa bay TOSY quay lại được chính là nhờ có 3 chiếc cánh mỏng, độ đàn hồi tốt, có thể tự điều chỉnh độ nghiêng và lực đẩy tùy theo vận tốc quay của đĩa. Đó là về lý thuyết! Sau đó, quá trình sản xuất hàng loạt sản phẩm này cũng phức tạp không kém khi phải kiểm soát rất chính xác các đặc tính kỹ thuật của sản phẩm như độ dày, độ bền, độ đàn hồi... Sáng tạo phải là nền tảng Ở công ty TOSY, sự sáng tạo và những ý tưởng đột phá luôn là cốt lõi cho mọi hoạt động. Người ta có thể nhìn thấy sự khác biệt về công ty này từ cách cho ra đời một mẫu sản phẩm đến những chiến dịch làm thương hiệu và maketing xuất khẩu và cả những nguyên tắc trong kinh doanh. Đặc biệt hơn, mọi sản phẩm đều xuất phát từ ý tưởng sáng chế của TGĐ Hồ Vĩnh Hoàng. Việc bảo hộ ý tưởng luôn là một điều tiên quyết trong mọi trường hợp. Năm 2007, chiếc đĩa bay TOSY đã được cấp bằng sáng chế tại Việt Nam. Hiện nay, đồ chơi này đang đăng ký cấp bằng sáng chế ở 40 quốc gia khác nhau. Có lẽ đây là đơn vị Việt Nam xin cấp bằng sáng chế quốc tế ở nhiều nước nhất. Cả Việt Nam đến nay chỉ có 20-30 doanh nghiệp quan tâm và làm động tác này, chỉ bằng 1/5000 của Nhật Bản và 1/1000 của Trung Quốc. Với tất cả những nỗ lực ấy, thật dễ hiểu khi có một nguyên tắc bất di bất dịch của TOSY được tuân thủ là: không copy, không gia công cho bất cứ quốc gia nào, không để cho bất cứ Tập đoàn phân phối nào gắn tên lên trên sản phẩm của mình như thương hiệu sản phẩm. Lại nhớ một câu chuyện hồi năm ngoái. Nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất Nhật Bản, Takara Tomy đã mất tới 6 tháng để thuyết phục TOSY hãy để họ phân phối ở Nhật bằng thương hiệu của họ. Nhưng rồi, sức hấp dẫn của chiếc đĩa bay và sự cương quyết của công ty này đã khiến họ chấp nhận làm phân phối bằng thương hiệu TOSY Việt Nam. Robot đại sứ và con đường mạo hiểm của TOSY Nhưng sự khác biệt gây sửng sốt và tò mò cho giới công nghệ và truyền thông trong ngoài nước chính là nằm ở chiến lược thương hiệu của TOSY. Đại sứ thương hiệu cho công ty không phải là một cô người mẫu xinh đẹp, mà là một chú robot! Đó là TOPIO, chú robot dáng người đầu tiên trên thế giới biết đánh bóng bàn. Ba năm qua, TOPIO đã đóng vai trò đại sứ khá xuất sắc khi mỗi lần xuất hiện tại các triển lãm quốc tế, chú robot này khiến lượng khách tới thăm gian hàng TOSY luôn đông kỷ lục. Xin nói thêm rằng, phức tạp nhất trong thế giới robot là robot dáng người. Thường chỉ có các Tập đoàn khổng lồ ở các cường quốc như Mỹ, Nhật mới dám bỏ tiền làm robot dáng người để trình diễn như Honda chế tạo Asimo biết đi lại hay Sony với Qrio biết nhún nhẩy theo nhạc. Trên thế giới, cũng mới chỉ có khoảng hơn 10 robot đẳng cấp này. Vậy mà TOSY, một công ty còn rất trẻ của Việt Nam "dám" đầu tư tương tự như vậy. Trong chuỗi giá trị sáng tạo mang tên TOSY, những sáng chế đồ chơi như đĩa bay chỉ là một điểm nhỏ đầu tiên dễ nhìn thấy. Con đường thực sự mà TOSY đang theo đuổi khó khăn rất nhiều nếu không nói là đầy mạo hiểm: xuất khẩu robot công nghiệp với giá rẻ chỉ bằng ¼ giá thế giới. Không gọi đó là tham vọng, TOSY coi đó là sứ mệnh! Câu chuyện của TOSY khiến người ta nhớ tới một bài viết gần đây của Thomas Straubhaar - Giám đốc Viện Kinh tế thế giới Hamburg được tạp chí Tia sáng lược dịch. Ông viết rằng: "Sự tiến bộ của nền kinh tế là do các nhà sáng chế phát minh tạo dựng chứ không phải nhờ những kẻ dập khuôn, bắt chước. Kẻ bắt chước tiết kiệm được chi phí, tránh được các sai phạm và rủi ro..., đáng ra có nhiều cơ may tồn tại hơn so với những người đi tiên phong, những người dám mày mò tìm kiếm trên những lĩnh vực còn mới mẻ và lạ lẫm, luôn phải đối mặt với nhiều điều bất an và nguy hại." "Tuy nhiên kẻ nào không dám đương đầu với thử thách, kẻ đó sẽ không thể đạt được thành công mỹ mãn, mãi mãi là kẻ chạy theo và không bao giờ có thể vươn lên vị trí hàng đầu."

Nguồn VietnamNet: http://vef.vn/2011-03-25-su-sang-tao-hien-dien-ngay-ca-o-do-choi