Sự kiên cường bền bỉ của sóng phát thanh trong kỷ nguyên số

Dù là một trong những định dạng truyền thông lâu đời nhất nhưng radio đã chứng tỏ sức sống bền bỉ của mình. Sự ổn định của radio trái ngược với sự suy giảm nhanh chóng của ngành truyền hình trả phí.

Đài FM vẫn được hàng triệu người trên toàn thế giới sử dụng rộng rãi. (Nguồn: isp.page)

Chúng ta từng nghe câu nói quen thuộc rằng “định dạng truyền thông truyền thống đã lùi vào quá khứ,” nhưng điều đó không chính xác với radio (phát thanh).

Mặc dù là một trong những định dạng truyền thông lâu đời nhất, có từ những năm 1890, radio vẫn duy trì lượng thính giả tương đối ổn định trong thập kỷ qua. Truyền hình trả phí, tuy mới hơn, nhưng đang phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh.

Theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu Pew Research có trụ sở tại Mỹ, trong năm 2009, 92% người Mỹ từ 12 tuổi trở lên nghe đài phát thanh trong một tuần nhất định. Đến năm 2022, con số đó giảm 10 điểm phần trăm.

Trong khi đó, số liệu từ Công ty dữ liệu Statista cho thấy tỷ lệ người dùng truyền hình trả phí đã giảm 20 điểm phần trăm trong khoảng thời gian từ năm 2014-2023.

Các nhà phân tích tại MoffettNathanson cho biết ngành truyền hình trả phí đã suy giảm với tốc độ kỷ lục trong quý 3/2023.

Hành khách ghé thăm cơ sở iHeartRadio tại Sân bay Quốc tế Denver của Mỹ trong thời gian chờ các chuyến bay. (Nguồn: Getty)

Chuyên gia phân tích truyền thông của Guggenheim, ông Curry Baker, cho biết radio luôn duy trì được sự ổn định ngay cả khi các phương tiện khác như đài vệ tinh, podcast và Apple CarPlay xuất hiện.

Một trong những ưu thế vượt trội của radio so với các phương thức truyền thông khác là khả năng dễ tiếp cận và ít các rào cản về chi phí.

Hầu hết ôtô đều được trang bị thiết bị có thể nghe radio AM và FM mà không phải trả thêm phí.

Theo số liệu của Statista từ năm 2022, phần lớn người Mỹ thích nghe đài AM/FM hơn bất kỳ hình thức giải trí nào khác trong lúc lái xe trên đường.

Công ty truyền thông đại chúng iHeartMedia, hiện kiểm soát 860 trạm thu phát sóng radio trên khắp nước Mỹ, mới đây cho biết đã thu hút trung bình 250 triệu thính giả nghe đài hàng tháng, đây là mức phủ sóng rộng nhất so với bất kỳ đài phát thanh nào khác ở Xứ Cờ hoa.

Cũng giống như các phương tiện truyền thông truyền thống khác, radio phải đối mặt với sự xâm lấn ngày càng tăng từ các định dạng âm thanh kỹ thuật số, chẳng hạn như podcast và và các nền tảng streaming (phát trực tuyến).

Để thích ứng, những “gã khổng lồ” về mảng phát thanh như iHeartMedia và SiriusXM cũng đã đưa podcast và các sản phẩm số vào mô hình kinh doanh của mình.

Các công ty phát thanh hàng đầu đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng podcast và hưởng lợi từ sự bùng nổ của dạng thức truyền thông mới này.

Tuy nhiên, giống như truyền hình, radio cũng phải đối mặt với những trở ngại trong mảng quảng cáo khi ngành phát thanh đang nỗ lực phục hồi sau cuộc suy thoái ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Giám đốc điều hành iHeartMedia Bob Pittman cho biết doanh thu đa nền tảng của công ty trong quý 3/2023 đã giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm các quảng cáo phát sóng.

Trong khi đó, Công ty Guggenheim dự báo doanh thu quảng cáo phát sóng trong cả năm 2023 của iHeartMedia giảm khoảng 23% so với năm 2019.

Tương tự như vậy, các công ty truyền thông khác đã báo cáo doanh thu quảng cáo trong các đơn vị truyền hình của họ giảm trong những tháng gần đây.

Chủ sở hữu CNN Warner Bros. Discovery báo cáo doanh thu quảng cáo cho mảng truyền hình của công ty đã giảm 12% trong quý 3/2023.

Theo Công ty đầu tư truyền thông GroupM, doanh thu quảng cáo truyền hình toàn cầu năm 2023 dự kiến giảm 18% so với năm trước.

Chuyên gia Baker cũng dự báo triển vọng doanh thu phát sóng của iHeartMedia nói riêng và ngành phát thanh nói chung sẽ “chững lại.” Tuy nhiên, trong bối cảnh suy yếu chung trong ngành truyền thông thì radio vẫn hoạt động tốt so với sự sụt giảm nhanh chóng của dịch vụ truyền hình trả phí.

(Ảnh: iHeartMedia)

Một người phát ngôn của iHeartMedia lưu ý rằng thói quen nghe nhạc của thính giả đã thay đổi kể từ năm 2019 khi ngày càng nhiều khách hàng chuyển sang nghe trên nền tảng kỹ thuật số. Xu hướng này đã góp phần làm giảm doanh thu từ quảng cáo phát sóng.

Tuy nhiên, đại diện iHeartMedia cũng cho biết tổng doanh thu của công ty, bao gồm doanh thu quảng cáo từ cả các nền tảng kỹ thuật số và mảng phát sóng, đã tăng từ 948,3 triệu USD trong quý 3/2019 lên 953 triệu USD trong quý 3/2023.

Theo ông Baker, các công ty phát thanh có thể kỳ vọng vào sự duy trì ổn định mảng phát thanh truyền thống, đồng thời tiếp tục phát triển mảng kỹ thuật số đến khi nào mà sự tăng trưởng của mảng kỹ thuật số có thể bù đắp những áp lực cố hữu đối với hoạt động phát thanh.

Chuyên gia này nhận định nếu xu hướng này xảy ra, mảng kinh doanh phát thanh kỹ thuật số sẽ vượt mảng phát thanh truyền thống trong vòng 5-6 năm tới./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/su-kien-cuong-ben-bi-cua-song-phat-thanh-trong-ky-nguyen-so-post927725.vnp