Sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nước gắn với du lịch sinh thái, cội nguồn văn hóa Hà Tĩnh

Hà Tĩnh nên có quan điểm mới về sử dụng tài nguyên nước theo hướng khai thác đa mục tiêu và chuỗi giá trị gia tăng; khuyến khích chuyển hướng đầu tư phát triển du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng trên các hồ, đập thủy lợi...

Có thể nói, ít có địa phương nào phong phú về tài nguyên nước cũng như các loại hình, tiềm năng du lịch như Hà Tĩnh. Hà Tĩnh là một trong 5 tỉnh có hệ thống hồ chứa với trữ lượng lớn nhất Việt Nam và cũng có rất nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, bờ biển dài, bãi tắm đẹp, nước suối nóng... Tỉnh nên có quan điểm mới về sử dụng tài nguyên nước theo hướng khai thác đa mục tiêu và chuỗi giá trị gia tăng; khuyến khích chuyển hướng đầu tư phát triển du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng trên các hồ, đập thủy lợi, tạo đột phá về du lịch nội địa và quốc tế.

Hệ thống hồ đập ở Hà Tĩnh có nhiều lợi thế để chuyển hướng khai thác đa mục tiêu. Tính đến nay, Hà Tĩnh có 350 hồ chứa trên tổng số hơn 6.500 hồ của cả nước. Tổng dung tích trữ nước vào khoảng 1,74 tỷ m3. Ngoài ra còn có 2 hồ thủy điện là Thủy điện Hố Hô (dung tích 38 triệu m3) và thủy điện Hương Sơn (dung tích 3,7 triệu m3).

Số lượng hồ chứa có dung tích trên 3 triệu m3 khá nhiều (trên 45 hồ) và được phân bố tương đối đều trên khắp địa bàn tỉnh. Vị trí các điểm hồ rất gần với các điểm du lịch, các di tích lịch sử văn hóa, các khu du lịch khác và trung tâm văn hóa của tỉnh. Nhiều hồ thủy lợi tại Hà Tĩnh có vị trí thuận lợi cho đi lại; cảnh đẹp “sơn thủy hữu tình”, môi trường trong lành, có tiềm năng khai thác đa mục tiêu theo hướng du lịch sinh thái, tâm linh như các hồ: Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên), Nhà Đường, Trại Tiểu (Can Lộc), Sông Rác (Kỳ Anh), Ngàn Trươi (Vũ Quang)…

Hồ Ngàn Trươi, Vũ Quang (ảnh 1). Hồ Sông Rác, hồ Bộc Nguyên (ảnh 2,3) huyện Cẩm Xuyên. Thủy điện Hố Hô, huyện Hương Khê (ảnh 4). Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Có thể lấy ví dụ về tiềm năng, lợi thế, giá trị du lịch của hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh từ một số điểm nổi bật như sau:

Hồ Kẻ Gỗ là một công trình nhân tạo, mang tính chất phục vụ thủy lợi là chính, được xây dựng trên lưu vực sông Rào Cái. Hồ nằm giữa các sườn đồi, núi thuộc huyện Cẩm Xuyên, cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng 15 km về phía Tây Nam, cách TP Vinh 70 km về phía Nam. Hồ dài gần 30 km, với sức chứa hơn 345 triệu m3 nước. Đây là điểm du lịch, nghỉ dưỡng 4 mùa lý tưởng, có thể kết nối với quần thể các điểm du lịch, tâm linh khác của tỉnh. Bên cạnh không khí thanh tịnh nơi rừng núi, cảm giác tĩnh tại trong tâm hồn, du khách có thể đi tham quan, thắp hương tại đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn, hay tận hưởng những giây phút tuyệt vời ở bãi biển Thiên Cầm trong lành, mát mẻ với những bãi đá lớn nhỏ hoang sơ.

Hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên). Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Hồ Nhà Đường thuộc xã Thiên Lộc (Can Lộc) được xây dựng năm 2001 với dung tích 3,6 triệu m3. Hồ nằm ngay chân núi Hồng Lĩnh, là lối lên chùa Hương Tích - ngôi chùa được được mệnh danh “Hoan châu đệ nhất danh lam”. Để lên được đến chùa bằng thuyền qua hồ Nhà Đường, cần phải mất khoảng 10 phút di chuyển bằng thuyền máy để đến được chân núi. Ngôi chùa là một quần thể kiến trúc nằm trên đỉnh núi Hương Tích - một trong những ngọn núi đẹp nhất dãy Hồng Lĩnh. Kết hợp với chuỗi địa điểm mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh khác như Ngã ba Đồng Lộc, chùa Chân Tiên, đây thật sự là một điểm du lịch nghỉ dưỡng và tâm linh hấp dẫn du khách thập phương.

Hồ Trại Tiểu với diện tích lưu vực 21 km2, nằm giữa bốn bề là đồi núi với dung tích tới 15,6 triệu m3 nước, cách di tích Ngã ba Đồng Lộc khoảng 5 km. Đến với Trại Tiểu, du khách sẽ bắt gặp một không gian lãng mạn của bóng núi mây vờn in hình giữa biển nước bao la, được hưởng trọn bầu không khí trong lành và tinh khiết. Những dãy núi dài thấp thoáng trong mây tựa như những nàng thiếu nữ đang nằm xõa tóc, bên dưới chân núi là mặt hồ êm ru sóng gợn.

Hồ Trại Tiểu (Can Lộc). Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Các hồ, đập này nếu được xem xét kết hợp xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, khu hội thảo, tập huấn chuyên môn, có thể chuyển hướng kết hợp khai thác thành khu phức hợp SXKD, du lịch, dịch vụ sẽ rất hợp lý, mang lại hiệu quả về mọi mặt rất lớn. Khi đó, Hà Tĩnh không chỉ thu hút khách du lịch, nghỉ dưỡng ở các khu ven biển về mùa hè mà còn thu hút được khách du lịch, nghỉ dưỡng quanh năm.

Với tiềm năng du lịch và những giá trị văn hóa độc đáo, Hà Tĩnh có thể sử dụng hợp lý đa mục tiêu nguồn nước để xây dựng các đô thị “cội nguồn văn hóa” theo hướng lấy nguồn nước, văn hóa, xã hội truyền thống làm trung tâm. Trong đó, Nghi Xuân là vùng đất hội tụ rất rõ các yếu tố thuận lợi để sớm hình thành đô thị “cội nguồn văn hóa”.

Theo kết quả tính toán cân bằng nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Nghi Xuân mặc dù là vùng nhiều tiềm năng về nguồn nước nhưng thực tế đang gặp khó khăn nhất về tài nguyên này. Bên cạnh đó, về mặt thổ nhưỡng, đây cũng là vùng không nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, đây lại là nơi hội tụ nhiều yếu tố, điều kiện về tự nhiên, văn hóa, địa chính trị để có thể nhanh chóng phát triển thành một vùng có sức lan tỏa mạnh không chỉ cho riêng Hà Tĩnh mà còn là của cả nước.

Cư dân xã Xuân Hội, Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ảnh: Đậu Hà

Chính vì vậy, tôi cho rằng nên quy hoạch chuyển đổi mạnh mẽ về mô hình phát triển kinh tế của huyện sang hướng phát triển kinh tế tăng trưởng xanh. Nên lựa chọn, bổ sung vùng đô thị Nghi Xuân thành một đô thị “cội nguồn văn hóa” theo hướng lấy nguồn nước làm trung tâm, tái tạo các hoạt động lao động, sản xuất và văn hóa lịch sử truyền thống ngày xưa làm điểm đến cho hình thức du lịch văn hóa trải nghiệm.

Vùng đô thị Nghi Xuân có các thế mạnh “đặc biệt”. Trên có núi Hồng, dưới có sông Lam - là các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, khi mở rộng phát triển sẽ tiếp cận với vùng ven biển tạo nên địa thế của đô thị “sơn thủy hữu tình”. Vùng đô thị này cũng sẽ là điểm nhấn, đối xứng với TP Vinh - trung tâm văn hóa, chính trị và du lịch của tỉnh Nghệ An qua trục sông Lam.

Núi Hồng, sông La. Ảnh: Đậu Hà

Nghi Xuân cũng là vùng địa linh nhân kiệt, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới; nhà văn hóa, quân sự, chính trị Nguyễn Công Trứ; là điểm kết nối lý tưởng với các địa danh du lịch, các địa danh lịch sử của cả tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây cũng sẽ là điểm thu hút khách quốc tế và trong nước thông qua hệ thống nhà ga Vinh, sân bay Vinh, cảng Cửa Lò, cảng Xuân Hải.

Nghi Xuân là vùng đất hội tụ các điều kiện để phát triển cả về công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Bên cạnh đó được biết, hiện nay Hà Tĩnh cũng đã có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng khu đô thị trên đảo Xuân Giang và vùng ven sông Lam tiếp giáp với đảo. Chính phủ cũng đã đầu tư xây dựng cầu nối tuyến đường ven biển từ Cửa Lò sang Nghi Xuân. Đây là những sự đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ cho việc hình thành TP Nghi Xuân trong tương lai.

Ốc đảo Hồng Lam (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân). Ảnh: Đậu Hà

Mô hình đô thị mới “cội nguồn văn hóa” sẽ lấy việc khôi phục và nâng cấp sông Đồng Kèn (còn gọi là rào Mỹ Dương) làm trung tâm. Sông Đồng Kèn bắt nguồn từ núi Ông Bảng, dài khoảng 29,5 km chảy vòng quanh chân núi Hồng Lĩnh đi qua địa phận các xã Xuân Viên, Xuân Mỹ, Cổ Đạm, Xuân Liên, Cương Gián và đổ ra biển tại cửa Song Nam, sông có diện tích lưu vực khoảng 73 km2. Trong đó, đoạn sông thượng lưu đến hồ Mỹ Dương dài khoảng 17,4 km và đoạn sông sau đập Mỹ Dương là 12,1 km.

Hiện tại, sông Đồng Kèn phần lớn đã bị bồi lấp và thu hẹp, về mùa mưa không còn khả năng trữ nước phục vụ sản xuất và cắt lũ. Cần phục hồi và mở rộng sông theo phương án mở rộng đoạn rào Mỹ Dương (thượng nguồn sông) theo hình thức vừa là sông (để thoát nước) vừa là hồ (để trữ nước) với dung tích trữ nước vào khoảng 30 triệu m3. Toàn bộ đất lòng hồ được tôn tạo sang 2 bên bờ sông để hình thành các khu làng văn hóa, du lịch.

Hồng Sơn liệt chướng. Đây là dãy núi phía Nam huyện, là phên dậu che chở cho Nghi Xuân. Ảnh: Đậu Hà

Cụ thể, phía tả của sông chạy men theo chân núi sẽ bố trí một số khu nhà vườn mô phỏng đời sống của người dân vùng núi sinh sống bằng nghề đốn củi, săn bắn. Phía bờ hữu của sông bố trí các làng nghề truyền thống; xen kẽ bố trí, tái tạo lại các khu văn hóa truyền thống. Khách tham quan có thể hiểu hơn về lịch sử, văn hóa đặc sắc, vừa có thể trải nghiệm, tham gia các công việc truyền thống nhà nông (trồng lúa, trồng khoai, lạc, bắt cá...); buổi tối thưởng thức các hình thức văn hóa dân gian xứ Nghệ như hát ví, giặm, hát phường vải...; thưởng thức các món ăn quê dân dã. Từ đó, đưa vùng này thành các làng du lịch văn hóa, khu nghỉ dưỡng theo mô hình homestay.

Đặc biệt, có thể tái tạo các không gian văn hóa thời của Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du; Đại doanh điền, Tướng công, nhà thơ Nguyễn Công Trứ; nhà địa lý Tả Ao nổi tiếng đời Hậu Lê... Đi cùng với thời gian, xuôi theo dòng sông ra phía biển sẽ lần lượt được tái tạo các không gian văn hóa theo dòng lịch sử của đất nước, con người xứ Nghệ cũng như lịch sử văn hóa của Việt Nam qua các thời kỳ với điểm dừng chân cuối cùng là khu phố biển văn minh, hiện đại Xuân Thành.

Nhà thờ Nguyễn Công Trứ và Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (ảnh 1,2). Ca trù và hát trò Kiều (ảnh 3,4). Ảnh: Huy Tùng - Đậu Hà

Đây là một hình thức du lịch giới thiệu và tìm về cội nguồn văn hóa dân gian nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt, khi được kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng khác tại những địa danh nổi tiếng của xứ Nghệ, tin rằng sẽ thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, với môi trường, địa hình và vùng tiểu khí hậu đặc trưng, nơi đây có thể nghiên cứu thổ nhưỡng, hệ thống cấp nước để hình thành các vùng chuyên canh và chế biến cây dược liệu, các ngành nghề và sản vật truyền thống nổi tiếng nhằm bổ trợ cho các hình thức du lịch và kinh tế khác. Kinh nghiệm của thế giới cũng như các địa phương, thành công của nước ta là tận dụng lợi thế của địa phương, tạo ra sự khác biệt với các tỉnh lân cận thì mới kết nối thành chuỗi cung ứng và hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế.

Lễ hội đánh cá Đồng Hoa - một trong những nét văn hóa độc đáo của Nghi Xuân. Ảnh: Đậu Hà

Nghi Xuân hứa hẹn trở thành đô thị đầy tiềm năng, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; giữa du lịch giới thiệu và tìm về cội nguồn văn hóa dân gian với sự sôi động của các đô thị, khu nghỉ dưỡng theo phong cách hiện đại. Đặc biệt, khi được đặt trong sự kết nối không gian với các địa danh, danh nhân nổi tiếng vùng xứ Nghệ sẽ mang lại ấn tượng đặc biệt, đặc sắc không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.

NỘI DUNG: GS.TS TRẦN ĐÌNH HÒA

ẢNH: NGUYỄN THANH HẢI - ĐẬU HÀ - HUY TÙNG

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Trần Đình Hòa

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/su-dung-da-muc-tieu-tai-nguyen-nuoc-gan-voi-du-lich-sinh-thai-coi-nguon-van-hoa-ha-tinh-post264253.html