Start up xuất khẩu thực phẩm: 'Chọn lối' chính thống ngay từ ban đầu, tránh mất cơ hội lâu dài

Đưa hơn 300 sản phẩm đặc sản Việt đến với thị trường nước ngoài trong vòng 12 tháng, Ms Jolie Nguyễn - Chủ tịch LNS International Corporationcho biết, nên chọn cách đi chính thống ngay từ ban đầu, nếu không sẽ mất cơ hội lâu dài.

Tại buổi Talkshow với chủ đề ''CƠ HỘI VÀNG CHO START UP XUẤT KHẨU'' diễn ra sáng nay tại Quận 1, TP.HCM, các chuyên gia, nhà xuất nhập khẩu cùng các đơn vị sản xuất đã có nhiều chia sẻ về thuận lợi cũng như khó khăn khi đưa sản phẩm thực phẩm "vượt biển" đến Mỹ và các thị trường khó tính trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn như hiện nay.

Talkshow thành công và thu hút được nhiều khách mời là diễn giả, các Start up, đơn vị thông tấn báo chí

Đồng thời, các chuyên gia cũng phân tích, hướng dẫn, đồng hành với doanh nghiệp Start up, các đơn vị sản xuất nhỏ và vừa khi có mong muốn, ý định tìm lối đi cho sản phẩm vươn ra thế giới.

Chương trình Talkshow với sự tham dự của đại diện LNS - Ms Jolie Nguyễn, Chủ tịch LNS International Corporation - đơn vị đã đưa hơn 300 sản phẩm Việt Nam sang Mỹ trong vòng 12 tháng; Đại diện Cà Mèn - Mr Nguyễn Đức Nhật Thuận, Founder Cà Mèn Start up đã đóng gói các sản phẩm đặc sản Quảng Trị và cùng LNS đi muôn phương; Đại diện Duy Anh Foods - Mr Lê Duy Toàn, CEO Duy Anh Foods Start up đưa bánh tráng, bún gạo, bún dưa hấu,... Việt vươn ra thế giới; Chuyên gia kinh tế - Ông Huỳnh Phước Nghĩa Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý (CTELG) thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG), Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH).

Nói về những kết quả đạt được khi đưa hơn 300 sản phẩm đặc trưng của Việt Nam sang Mỹ trong vòng 12 tháng, cách thức làm thế nào để các đơn vị sản xuất nhỏ và vừa có thể chinh phục thị trường quốc tế, Ms Jolie Nguyễn (bà Nguyễn Thị Kim Huyền) cho biết, rất hạnh phúc vì 1 năm qua đã đưa được hơn 300 đặc sản Việt đến với nước Mỹ.

Ms Jolie Nguyễn vùng các diễn giả đã chia sẻ, định hướng rất cụ thể tại chương trình

"Thuận lợi thì rõ ràng có, bởi kiều bào Việt ở nước ngoài khoảng 7 triệu người, Mỹ chiếm hơn 3 triệu người, khoảng 40%.

Người Việt tại Mỹ luôn cởi mở chào đón sản phẩm quê hương, họ sử dụng sản phẩm không chỉ là món ăn, mà còn thưởng thức nỗi niềm nhớ quê, mang niềm tự hào dân tộc...

Ngoài ra, nhiều người có cơ địa hay khẩu vị không thể dùng các sản phẩm thực phẩm của bản xứ mà luôn muốn sử dụng sản phẩm quê hương.

Chính vì vậy đó là cơ hội thuận lợi mở lối cho sản phẩm đặc sản Việt vào thị trường Mỹ.

Nhưng bên cạnh đó còn gặp một số khó khăn: Khoảng cách địa lý xa, mất lợi thế thời gian và vận chuyển, bảo quản cũng là thách thức, làm sao để sản phẩm đến tay người tiêu dùng còn tươi ngon...

Dù kiều bào có yêu sản phẩm quê hương đến đâu, thì điều quan trọng nhất đối với họ vẫn là chất lượng, họ rất thận trọng và chú trọng sản phẩm đảm bảo cho sức khỏe.

Ngoài ra, hiện nay các bạn khởi nghiệp chưa chú trọng lắm đến tiêu chuẩn nước ngoài. Thực tế các thị trường đều có tiêu chuẩn khác nhau, từ quy trình sản xuất, bao gói, bao bì... nên đang gặp trường hợp bị cạnh tranh rất nhiều với các sản phẩm của các nước láng giềng như Thái, Trung Quốc... những nước được Mỹ bảo hộ", Ms Jolie Nguyễn chia sẻ.

Ngoài chia sẻ về những thách thức, Ms Jolie Nguyễn định hướng cho các Start up để đưa sản phẩm trót lọt sang Mỹ cũng như các thị trường khác thì cần tuân thủ những tiêu chí: Nhà máy đủ điều kiện ban đầu cho xuất khẩu, bởi dù hàng tới cảng bắt buộc phải kiểm định, nhưng sau khi hàng được tiêu thụ thì vẫn còn khâu hậu kiểm, vì vậy phải chọn cách đi chính thống ngay từ ban đầu, nếu không sẽ mất cơ hội lâu dài về sau; chuẩn bị các thủ tục theo đúng tiêu chuẩn của cơ quan ban ngành của Mỹ, chuẩn bị ngay từ những việc đầu tiên khi có ý định xuất khẩu; Mỗi doanh nghiệp xây dựng bộ quản lý vận hành tránh rủi ro, phải truy xuất được nguồn gốc; Đáp ứng tiêu chí của liên bang, tiêu bang; Hoàn chỉnh đồng bộ giữa chất lượng và hình thức, bao bì tinh tế, bắt mắt, có chữ tiếng Việt cùng ngôn ngữ bản xứ..

"Về bao bì sản phẩm vừa qua thật sự chưa hài lòng, khá đơn giản, chưa bắt mắt, chưa có tiếng Anh và ngôn ngữ khác, thiếu hoàn toàn thành phần dinh dưỡng...

Mỗi thị trường có quy định ngôn ngữ khác nhau, sản phẩm thuộc nhóm có thành phần dị ứng phải có cảnh báo trên bao bì...", Ms Jolie Nguyễn nói.

Cháo bột cá lóc Cà Mèn và một số thương hiệu khác đã và đang chuẩn bị xuất sang thị trường Mỹ

Là một trong những Start up đầu tiên thành công khi hợp tác với LNS International Corporation đưa đặc sản cháo bột cá lóc Quảng Trị đến với bàn ăn của kiều bào tại Mỹ, Mr Nguyễn Đức Nhật Thuận - Founder Cà Mèn chia sẻ, từ khi xuất khẩu đạt được những giá trị khá lớn.

"Tôi đặt mục tiêu giấc mơ Mỹ, và giấc mơ đã trở thành hiện thực khi đến nay đã xuất 3 container khoảng 150 ngàn gói thành phẩm, doanh thu hơn 5 tỷ. Ngoài ra còn có cơ hội xuất khẩu ra thị trường mới: Hàn, Úc, New Zealand... Sắp tới sẽ xuất khẩu thị trường mới tiềm năng như Nhật Bản.

Hiện để đáp ứng mở rộng thị trường, đang hợp tác với các HTX phát triển, bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân, tạo việc làm cho lao động địa phương với thu nhập 5-6 triệu/tháng.

Về khó khăn thì đấy là thách thức, luôn là "người bạn" đồng hành với Start up. Thế nhưng với mong muốn tạo thêm nhiều việc làm cho bà con nông dân, quảng bá hình ảnh Quảng Trị đi muôn phương, tinh thần đó đã giúp Cà Mèn có đủ động lực để cố gắng vượt qua khó khăn.

Ban đầu khi ra mắt sản phẩm thì khá thủ công, sau đó được tư vấn, hỗ trợ từ LNS sản phẩm đã tốt hơn, hương vị đã chuẩn theo nhu cầu và quy chuẩn, bà con đón nhận hương vị chuẩn hơn", Mr Nguyễn Đức Nhật Thuận trải lòng.

"Ba mẹ làm nghề bánh tráng lâu đời, nhưng thấy làm thủ công quá cực khổ. Lúc đầu thấy cực nhưng càng làm càng thích, vì thấy nâng tầm thương hiệu, nâng tầm được hương vị quê hương. Sản phẩm bánh tráng bún phở... nay đã xuất được ở 48 quốc gia", Mr Lê Duy Toàn, CEO Duy Anh Foods vui mừng cho biết.

Chia sẻ tại chương trình chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa cho biết, rất ngạc nhiên vì khởi nghiệp sản xuất, xuất thẩu thực phẩm đặc sản, bởi trước nay chỉ thấy xuất khẩu thủy hải sản, trái cây, nông sản...

"Cơ hội cho xuất khẩu thực phẩm chế biến rất cao, cơ hội này bắt đầu từ sáng tạo phù hợp nhu cầu thị trường.

Theo tôi, về lâu về dài các doanh nghiệp cần tạo cho mình năng lực xây dựng thương hiệu. Và hy vọng sẽ có chính sách về vốn, về đầu tư cho các bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chế biến xuất khẩu".

Kết thúc chương trình, đại diện LNS nhấn mạnh, lợi thế xuất khẩu sản phẩm đặc sản Việt Nam rất cao, điểm sáng thổ nhưỡng Việt Nam khác biệt, nếu tạo ra sản phẩm khác biệt thì dễ cạnh tranh.

"LNS cam kết đồng hành với doanh nghiệp ngay từ ban đầu khi có ý định xuất khẩu, các Start up nên lưu ý, không nhất thiết phải làm nhiều, sản xuất ồ ạt, đầu tư hoành tráng ngay từ ban đầu, mà cần thăm dò thị trường để điều chỉnh cho phù hợp, tránh những rủi ro không mong muốn", đại diện LNS đưa giải pháp.

Đông Hường

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/start-up-xuat-khau-thuc-pham-chon-loi-chinh-thong-ngay-tu-ban-dau-tranh-mat-co-hoi-lau-dai-d8666.html