Hiệu quả từ chính sách cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm

Chỉ 9 tháng sau khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) của Quốc hội có hiệu lực, TPHCM đã giải ngân gần 3.600 tỷ đồng vốn từ ngân sách thành phố cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, giúp hàng chục ngàn người có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội quận 12, TPHCM

Người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội quận 12, TPHCM

Vươn lên thoát nghèo

Mỗi buổi sáng, cửa hàng tạp hóa kiêm bán đồ ăn nằm sâu trong hẻm 252 đường Vườn Lài, quận 12, TPHCM luôn tấp nập khách. Bà Dương Thị Thanh Tuyền (chủ cửa hàng) lúi húi phía trong nấu đồ ăn, còn chồng bà bên ngoài tất bật “chạy bàn” vừa bưng đồ ăn cho khách vừa phụ bán nước ngọt, tạp hóa đủ loại. Cửa hàng tạp hóa của vợ chồng bà Tuyền thực chất là một chòi nhỏ chừng 4m2 được người thân cho mượn khoảnh đất trước nhà để dựng lên từ mấy tấm tôn cũ và có tuổi đời gần 20 năm. Thấy hoàn cảnh gia đình bà Tuyền khó khăn, cuối năm 2023, tổ vay vốn khu phố đã hướng dẫn, giúp đỡ bà làm hồ sơ vay 50 triệu đồng vốn hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn, gia đình bà Tuyền đầu tư sửa chữa cửa hàng kiên cố hơn, thay mới bàn ghế nhựa, nhập thêm nhiều hàng hóa về bán. Nhờ đó, kinh tế gia đình cải thiện, ngoài tiền trả góp lãi vay hàng tháng, bà Tuyền cũng tích góp được khoản nhỏ lo cho con ăn học, để dành lúc khó khăn.

Cũng như bà Tuyền, gia đình chị Lê Thị Hiếu (phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM) từng thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Trước đây chị Hiếu làm thợ may tại nhà nhưng thu nhập không ổn định, chồng chị làm công nhân lương không đủ chi phí sinh hoạt gia đình. Giữa năm 2023, chị Hiếu quyết định đổi nghề, mở quán nước trước nhà nhưng kinh phí không đủ. Đang lúc khó khăn, chị Hiếu được địa phương giới thiệu và hỗ trợ làm thủ tục vay vốn giảm nghèo, giải quyết việc làm. “Nguồn vốn này thật sự rất quý, giải quyết được nhiều khó khăn cho gia đình tôi”, chị Hiếu bày tỏ.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, quận 12, cho biết, hiện trên địa bàn phường có 11 tổ vay vốn để giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn, xây dựng các phương án phát triển kinh tế gia đình. Định kỳ, phường cũng lập các đoàn khảo sát các hộ vay vốn, trường hợp có khó khăn thì phường có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ có thời gian trả góp. Bên cạnh đó, phường phối hợp với các hội, đoàn thể triển khai chính sách rộng khắp trên địa bàn để người dân khó khăn có nhu cầu tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, tránh việc phải vay “tín dụng đen”, cải thiện kinh tế gia đình.

Đảm bảo an sinh xã hội

Ông Giang Mạnh Hùng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận 12, cho biết, năm 2023, nguồn vốn theo Nghị quyết 98 đã giúp giải quyết cho 3.419 lượt lao động trên địa bàn quận 12 vay vốn hỗ trợ việc làm mới và duy trì việc làm. Đồng thời, giải quyết cho vay 414 lượt hộ nghèo, 154 lượt hộ cận nghèo và 90 lượt hộ vượt chuẩn hộ nghèo vay mới, có vốn sản xuất kinh doanh làm ăn. Trong 4 tháng đầu năm 2024, đã giải quyết cho 1.224 lượt lao động vay vốn hỗ trợ việc làm mới và duy trì việc làm; hỗ trợ vay cho 51 lượt hộ nghèo, 59 lượt hộ cận nghèo và 103 lượt hộ vượt chuẩn hộ cận nghèo. Với kết quả này đã đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo và người lao động cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, thực hiện Nghị quyết 98, năm 2023, TPHCM đã bổ sung 2.796 tỷ đồng cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM đã giải ngân 100% số vốn phân bổ. Trong đó, cho vay hỗ trợ giảm nghèo 547 tỷ đồng với 9.271 hộ vay và cho vay giải quyết việc làm 2.249 tỷ đồng với 30.333 lượt vay. Năm 2024, TPHCM đã bổ sung 998 tỷ đồng cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm. Đến ngày 30-4, đã giải ngân 785 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 78,7% trên tổng số vốn bổ sung. Dự kiến đến hết quý 2-2024, sẽ hoàn thành việc giải ngân. Trong quý 4-2024, các địa phương sẽ rà soát lại nhu cầu để đề nghị bổ sung vốn cho năm 2025, dự kiến theo kế hoạch số vốn cần bổ sung năm 2025 là 1.020 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH đánh giá, chính sách từ Nghị quyết 98 đã gỡ được nút thắt về nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Chính sách này mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, tình hình người lao động bị mất việc làm, thất nghiệp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động. Nguồn vốn vay ưu đãi này đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm nạn “tín dụng đen”, giúp người lao động có vốn tự tổ chức sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình. Qua đó, góp phần quan trọng trong nhiệm vụ thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố.

NGÔ BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hieu-qua-tu-chinh-sach-cho-vay-ho-tro-giam-ngheo-giai-quyet-viec-lam-post740058.html