Sơn La từng bước hội nhập cùng APEC

Tự hào là một tỉnh của Việt Nam - Thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), tỉnh Sơn La đã và đang tận dụng những cơ hội tuyệt vời APEC mang lại cho Việt Nam để hướng tới mục tiêu 'phấn đấu đưa tỉnh Sơn La trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030'.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh.

Là một tỉnh miền núi, cách Hà Nội 300 km, có đường biên giới 274,065 km giáp với hai tỉnh: Hủa Phăn, Luông Pha Bang, nước CHDCND Lào; diện tích tự nhiên 14.109,83 km2, dân số trên 1,3 triệu người, có 12 dân tộc, 11 huyện và 1 thành phố thuộc tỉnh.

Tỉnh Sơn La có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, sự đa dạng của thiên nhiên và văn hóa phù hợp cho phát triển một nền sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phong phú với chất lượng cao và phát triển du lịch sinh thái, văn hóa hấp dẫn. Đặc biệt cao nguyên Mộc Châu với độ cao 1.050m so với mực nước biển, năm 2023 nhận giải kép "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á và Việt Nam" và là lần thứ hai liên tiếp được WTA vinh danh ở hai hạng mục này.

Ngoài ra, nơi đây có vùng lòng hồ thủy điện Sơn La có cảnh quan được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”; một số khu vực khác có cảnh quan thiên nhiên, khí hậu mát mẻ (trung bình 18oC - 21oC) như: Tà Xùa - Bắc Yên, Co Mạ - Thuận Châu, Ngọc Chiến - Mường La... Đây cũng là những địa điểm du lịch có nhiều tiềm năng phát triển.

Bốn mục tiêu quan trọng

APEC đã và đang có tác động mạnh mẽ, giúp tỉnh Sơn La đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội và đang hướng tới các mục tiêu xa hơn. Cụ thể như:

Thứ nhất, mục tiêu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, dựa trên động lực chính là sự phát triển của khu du lịch quốc gia Mộc Châu gắn với dự án đường cao tốc Sơn La - Hòa Bình và tuyến du lịch, thương mại giữa tỉnh Sơn La với tỉnh Hủa Phăn nói riêng và các tỉnh phía Bắc của Lào nói chung thông qua cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (Mộc Châu) - Pa Háng (Hủa Phăn, Lào) hướng tới Thái Lan, Mi-an-ma. Dựa vào việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc với định hướng phát triển các dòng sản phẩm du lịch văn hóa có thế mạnh với sự khác biệt của du lịch Sơn La - Tây Bắc.

Thứ hai, xây dựng nền nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao, thực hiện nghiêm ngặt quy trình cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Sơn La là vựa cây ăn quả lớn thứ hai cả nước với diện tích trên 83.000 ha (sản lượng đạt trên 450.000 tấn). Toàn tỉnh hiện có 583 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết, hình thành các chuỗi liên kết hàng hóa từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các tập đoàn kinh tế, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy chế biến nông sản với công nghệ hiện đại (toàn tỉnh có 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến) và cho ra nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Đến nay tỉnh xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản vào thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường như: Mỹ, Australia, các nước châu Âu. Đặc biệt có 02 sản phẩm được bảo hộ tại châu Âu, Thái Lan. Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2023 ước đạt 185,6 triệu USD.

Một góc Sơn La. (Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển)

Thứ ba, hoàn thiện hạ tầng. Quyết tâm hoàn thành các dự án trọng điểm: Đề án huyện Mộc Châu trở thành thị xã vào năm 2025; đề án khu du lịch quốc gia Mộc Châu, cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (Mộc Châu) - Pa Háng (Hủa Phăn, Lào); dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế xã hội, giao thương giữa Sơn La với các tỉnh đồng bằng, Hà Nội, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, hướng tới Thái Lan, Myanmar.

Thứ tư, tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh; huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng; xây dựng bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị, đội ngũ công chức, viên chức vì người dân phục vụ, trong khi vừa phải khai thác tài nguyên hiệu quả; chú trọng bảo vệ môi trường; thích ứng biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc; đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, phát triển.

Nỗ lực hội nhập

Để vượt qua thách thức, vững bước hội nhập với các nềnkinh tế APEC, Sơn La quyết tâm: Duy trì và thúc đẩy tăng trưởng; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, xuất khẩu; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - kỹ thuật; triển khai các chương trình quốc gia hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền về APEC trong toàn hệ thống chính trị nhằm nâng cao kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại, đầu tư, kinh tế thị trường; học tập qua những thành công của các thành viên APEC để vận dụng hiệu quả hơn vào thực tiễn tỉnh Sơn La.

Đồng thời, thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn vốn: FDI, ODA, NGO…; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo chủ trương của Đảng: Các Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ. Tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động, Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội….

Ngoài ra, tiếp tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với nền kinh tế địa phương theo quy luật thị trường, thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; định hướng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp qua những cải cách mạnh mẽ, đảm bảo cho các thị trường: sức lao động, tài chính, tiền tệ, hàng hóa dịch vụ tiêu dùng, khoa học công nghệ vận hành theo quy luật thị trường, công bằng, minh bạch, giảm thiểu tối đa các rào cản thương mại và dịch vụ, giúp hàng hóa, dịch vụ đủ sức cạnh tranh trên thị thường.

Với những thành tựu cùng sức sống mãnh liệt, chắc chắn APEC sẽ luôn là khu vực quan trọng nhất, có nền kinh tế năng động và triển vọng nhất trên thế giới. Với tầm quan trọng và tương lai phát triển đó của APEC, tỉnh Sơn La luôn mong muốn và đang nỗ lực để hội nhập và có đóng góp đáng kể vì mục tiêu chung của APEC, đồng thời cũng kỳ vọng rất nhiều vào những thông điệp từ Hội nghị Cấp cao APEC 2023.

Hoàng Quốc Khánh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/son-la-tung-buoc-hoi-nhap-cung-apec-250240.html