Sóc Trăng: Khát vọng vươn mình trong năm mới 2024

Trong không khí cả nước đang đón chào một mùa xuân vui tươi và ấm áp, Báo NB&CL đã có dịp gặp gỡ, lắng nghe những chia sẽ của ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng để cùng ông nhìn lại năm 2023 và định hướng một năm 2024 đầy tươi mới với nhiều khát vọng vươn mình.

+ Thưa ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nếu đánh giá những kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế của tỉnh Sóc Trăng thời gian qua, ông sẽ nhấn mạnh vấn đề gì?

Năm 2023, đặt ra nhiều cơ hội lẫn khó khăn và thách thức đối với tỉnh Sóc Trăng nhưng với sự quyết tâm, đoàn kết, năng động và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của mình, tỉnh Sóc Trăng đã khép lại năm 2023 với nhiều thành tích ấn tượng.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,77%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,39%; khu vực dịch vụ tăng 8,76%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; GRDP bình quân đầu người đạt 60,10 triệu đồng/người/năm.

Cụ thể, về lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhất là tình hình sản xuất lúa mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân với diện tích lúa xuống giống được 330.381 ha (vượt 4,22% kế hoạch), đã thu hoạch được 329.628 ha, sản lượng trên 2,07 triệu tấn, lợi nhuận dao động từ 20,5 – 23 triệu đồng/ha (tăng 5 – 16 triệu đồng/ha so với cùng kỳ).

Đối với sản xuất công nghiệp tuy còn khó khăn nhưng một số sản phẩm có sản lượng tăng so với cùng kỳ như gạch các loại tăng 39,01%; sản phẩm nhựa các loại tăng 10,3%...

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Về hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh trong năm 2023 khá sôi động. Hiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2023 ước đạt 87.900 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 23,75% so cùng kỳ năm 2022; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 56.000 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 14,75%.

Đặc biệt, ngành dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc, doanh thu tiếp tục giữ vững, đạt theo kế hoạch đề ra. Trong năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước đạt 2,9 triệu lượt khách, tăng 3,77% so cùng kỳ năm 2022; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 4,43%...

+ Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh thực hiện như thế nào và đã đạt được những mục tiêu gì?

Mục đích của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong đó, người dân vừa là chủ thể thực hiện, vừa là người thụ hưởng.

Chính vì vậy, để triển khai hiệu quả chương trình trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức đầy đủ chủ trương, cơ chế chính sách, tầm quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Thực tiễn cho thấy, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với địa phương. Đồng thời, trong quá trình thực hiện tỉnh cũng xác định đúng trọng tâm, trọng điểm tình hình thực tế của địa phương nên chọn những tiêu chí nào dễ, tiêu chí nào có liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân thì làm trước, khó làm sau và tránh chạy theo thành tích.

Nhờ đó mà tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 70 xã được công nhận nông thôn mới; trong đó, có 20 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là huyện Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm.

Về chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai thực hiện tốt. Tính đến nay, tỉnh có 184 sản phẩm OCOP được chứng nhận (1 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao, 11 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 172 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao).

+ Ngoài việc đẩy mạnh phát triển kinh tế thì công tác an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người dân đang được tỉnh quan tâm như thế nào?

Xác định công tác an sinh xã hội là một chủ trương, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương nên thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều phương án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; rà soát, giải quyết việc làm, các chế độ chính sách cho người nghèo, hộ cận nghèo để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Theo đó, chỉ tính trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đã giải quyết việc làm cho 28.000 lao động; thực hiện tuyển sinh, đào tạo khoảng 17.540 người; trao tặng 100 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn; trợ cấp hàng tháng đối với 49.428 đối tượng bảo trợ xã hội; cấp 34.522 thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện trợ giúp đột xuất cho 39.008 lượt người; trợ giúp 28 hộ bị thiệt hại về nhà ở do thiên tai…

Đồng thời, trao tặng 65.338 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng cũng quan tâm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tính đến cuối năm 2023, uớc giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 2% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết); trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo Khmer là 3% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết).

Sóc Trăng chào đón năm mới với nhiều khát vọng.

+ Những thành tựu tỉnh Sóc Trăng đạt được hôm nay là nhờ đâu, thưa ông?

Để đạt được những thành tựu nổi bật quan trọng trên, ngoài sự thống nhất, đoàn kết, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp thì tỉnh Sóc Trăng còn được sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ tích cực của các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện tỉnh Sóc Trăng còn xác định đúng trọng tâm, trọng điểm các kế hoạch, nhiệm vụ, từ đó thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Đồng thời, các cấp, các ngành và đơn vị địa phương cũng đã triển khai quyết liệt, kịp thời và chủ động đề ra nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể…

+ Sẽ còn những khó khăn, vướng mắc khách quan và chủ quan trên con đường phát triển. Theo ông, tỉnh Sóc Trăng cần những định hướng quan trọng nào để tiếp tục phát triển nhanh, mạnh, chắc chắn và bền vững?

Phấn khởi, tự tin với những kết quả đạt trong thời gian tới tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, từng bước ứng dụng, phát triển mạnh công nghệ số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và lĩnh vực mới trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường, phát huy hiệu quả của Sàn giao dịch thương mại điện tử, đồng thời tạo thêm nhiều kênh phân phối khác giúp tiêu thụ nông sản, các sản phẩm OCOP…

Đặc biệt là tập trung chăm lo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho Nhân dân trên địa bàn, nhất là các đối tượng đặc thù (người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số,...).

Tin rằng, với những thành tựu đã đạt được tỉnh Sóc Trăng sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên con đường đổi mới và xây dựng quê hương của mình.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Luân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/soc-trang-khat-vong-vuon-minh-trong-nam-moi-2024-post284064.html