Số hóa di sản và tiếng nói của cộng đồng

Con đường phát triển di sản số ở Việt Nam đang đứng trước thách thức thu hút sự tham gia của cộng đồng trong số hóa di sản như một hình thức tư liệu hóa, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.

Không tách rời chủ thể

Vấn đề số hóa di sản và bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa dựa trên công nghệ số đã trở thành một chiến lược quản lý và phát triển văn hóa Việt Nam. Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 được xây dựng nhằm tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định việc số hóa mới tập trung vào di sản vật thể mà chưa chạm sâu đến hệ thống di sản phi vật thể vốn khá đồ sộ, phong phú và đặc sắc.

Nghệ nhân trình diễn nhạc cụ dân tộc Ê Đê, ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh tư liệu trong bộ sưu tập số dự án Di sản kết nối

Số hóa di sản phi vật thể đang đối mặt với những thách thức như xác định cộng đồng di sản là ai, những chủ thể tham gia vào nền tảng số mở... Chia sẻ tại tọa đàm Số hóa di sản - Cộng đồng, chủ thể và quyền sở hữu di sản sáng 21.7, từ kinh nghiệm nhiều năm thực hiện công tác số hóa di sản, ông Cao Trung Vinh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chỉ ra tầm quan trọng của việc cộng đồng được tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa di sản. Bởi lẽ, di sản phi vật thể tồn tại vô hình, sống trong mỗi nghệ nhân, trong cộng đồng; công tác số hóa di sản không thể tách rời khỏi cộng đồng - chủ thể của di sản đó.

Là người nắm giữ, thực hành, và toàn quyền quyết định về di sản, cộng đồng có thể tham gia và hưởng lợi từ việc số hóa di sản. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc số hóa không đơn giản, nhất là lựa chọn, hệ thống và phân loại các di sản, trong bối cảnh thực hành văn hóa luôn có sự biến đổi và rất đa dạng. Theo ông Cao Trung Vinh, tiếng nói của cộng đồng địa phương mang tính quyết định. “Khi thực hiện số hóa di sản, điều quan trọng trước tiên cần xác định là không thể mang lăng kính của nhà khoa học hay tư duy của người nghiên cứu để áp đặt, mà phải làm việc với cộng đồng, dựa trên việc tiến hành kiểm kê di sản để cộng đồng lựa chọn đâu là di sản họ muốn bảo tồn, số hóa. Thực tiễn đã có những dự án do thiếu tiếng nói từ phía chủ thể di sản nên không bền vững, trong khi những dự án có cộng đồng tham gia, họ hoàn toàn chủ động, nhập cuộc với câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị di sản”.

Khơi thông dòng chảy

Theo Giám đốc Trung tâm VietPictures Trương Công Tú, việc trao quyền cho cộng đồng sở hữu di sản đưa ra quyết định về di sản là cần thiết, nhưng cần xem xét vấn đề nhận thức và những tác động từ bên ngoài đối với di sản đó. Bởi lẽ, văn hóa là dòng chảy không ngừng, các giá trị văn hóa cũng biến đổi cùng với thời đại. “Đơn cử việc phục dựng lễ hội chùa Láng, Hà Nội, vừa qua, cộng đồng giữ được bao nhiêu, nhà nghiên cứu tham gia đến đâu, và cái mà chúng ta số hóa thực sự có giá trị như thế nào…, rất nhiều góc nhìn, cách tiếp cận còn cần phải bàn luận. Song chúng ta buộc phải thừa nhận rằng khi số hóa là đã phần nào chấp nhận quan điểm của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác số hóa đó, điều quan trọng là những dữ liệu đó được sử dụng như thế nào”.

Theo ông Trương Công Tú, giá trị của số hóa không chỉ đến từ việc lưu trữ, bảo tồn cho đời sau, mà còn là câu chuyện tạo ra khả năng ứng dụng, khai thác di sản số hóa đó một cách tối ưu. “Xây dựng hệ thống thư viện hình ảnh về di sản, văn hóa Việt mà chúng tôi triển khai những năm qua chính là cách tích lũy dần để tạo nên giá trị, truyền tải tới cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đa dạng về lịch sử và văn hóa Việt Nam… Từ công việc như vậy để thấy rằng số hóa không chỉ để phục vụ cộng đồng sở hữu di sản, hay bảo tồn cho tương lai mà còn để phục vụ chính xã hội hiện tại”.

Thực tế cho thấy tư duy về bảo tồn, sở hữu di sản đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Các cộng đồng ngày càng cởi mở khi chia sẻ về giá trị văn hóa riêng có, đồng thời chấp nhận những ý tưởng, cách làm mới dựa trên hồn cốt của di sản truyền thống. Tiếng nói của cộng đồng trong công tác số hóa bởi vậy ngày càng được nâng cao. Chính tiếng nói đó góp phần khơi thông, duy trì dòng chảy tri thức mang căn tính, thẩm mỹ… đóng góp cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Nhìn nhận điều này, Giám đốc nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn nêu quan điểm: “Để làm việc hiệu quả, chúng tôi luôn phải trả lời câu hỏi đối tượng ở đây là gì? Ví dụ xoay quanh di sản là một làn điệu, cơ chế vận hành trong mỗi cộng đồng, những yếu tố liên quan khác như lịch sử, nơi sản sinh ra câu hát, không gian trao truyền, việc thực hành ở môi trường làng bản hay đình chùa… chính là toàn bộ hệ sinh thái di sản. Việc số hóa một bài hát mới chỉ là một sản phẩm, chưa số hóa được bối cảnh, câu chuyện được tạo nên từ những biến đổi bởi thời gian, va đập xã hội… Giờ đây, chúng ta mới đi được bước đầu tiên, còn về lâu dài, số hóa thực sự phải gắn với hệ sinh thái di sản. Bởi lẽ, số hóa bền vững là công việc lưu trữ, xây dựng nền tảng hạ tầng văn hóa để phát triển, nhằm hỗ trợ, khơi thông dòng văn hóa đang vận hành, để chúng ta biết và ứng xử, phát triển nó”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/so-hoa-di-san-va-tieng-noi-cua-cong-dong-i337316/