Nền chính trị Ấn Độ trên con đường số hóa

Trong những năm gần đây, nền chính trị Ấn Độ có nhiều chuyển đổi đáng kể nhờ việc áp dụng nhanh chóng các công nghệ kỹ thuật số. Với hơn 600 triệu người dùng điện thoại thông minh, các nền tảng truyền thông xã hội và sáng kiến quản trị điện tử trở thành yếu tố không thể thiếu. Chúng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chính đảng tương tác với người dân, vận động tranh cử, mà còn giúp nhà nước quản trị hiệu quả hơn ở cấp quốc gia lẫn địa phương.

Các chiến dịch kỹ thuật số

Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất trong chính trị Ấn Độ là sự nổi lên của các chiến dịch vận động tranh cử kỹ thuật số. Các đảng chính trị đã đầu tư rất nhiều để xây dựng hiện diện mạnh mẽ của mình trên mạng xã hội, với các nhóm làm việc tận tâm để tạo và phổ biến nội dung trên các nền tảng như Instagram, Facebook, X (trước đây là Twitter) hay WhatsApp. Cách tiếp cận đó cho phép các đảng bỏ qua nhiều kênh truyền thông truyền thống và tương tác trực tiếp với cử tri. Xu hướng này được thể hiện rõ ràng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014 và 2019, khi các đảng điều chỉnh chiến lược nhằm tận dụng ảnh hưởng ngày càng tăng của các nền tảng kỹ thuật số để định hình dư luận và thu hút cử tri ủng hộ. Trong số các đảng này, Bharatiya Janata (BJP) đã được chứng minh là thành công nhất.

Chiến dịch kỹ thuật số cho phép truyền thông có mục tiêu, giúp các chính trị gia điều chỉnh thông điệp của họ phù hợp với nhiều khu vực và các nhóm nhân khẩu học cụ thể. Ví dụ, Thủ tướng Narendra Modi sử dụng mạng xã hội như công cụ giúp ông kết nối với các cử tri trẻ, đồng thời tạo dựng hình ảnh am hiểu công nghệ. Hashtag, phát video trực tiếp và bài đăng tương tác đã trở thành công cụ thiết yếu để tiếp cận chính trị, cho phép tương tác theo thời gian thực với cử tri, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa.

Nguồn: Shutterstock

Nguồn: Shutterstock

Trong các cuộc bầu cử quốc gia, nền tảng xã hội trở thành diễn đàn mở cho các cuộc tranh luận chính trị, nơi nhiều thông điệp nhanh được truyền bá rộng rãi bằng nhiều ngôn ngữ, cho phép ngay cả những người có trình độ đọc viết cơ bản cũng có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện.

Công cụ hỗ trợ quản trị nhà nước

Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của nền chính trị Ấn Độ cũng sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhờ các tiến bộ công nghệ và mức độ thâm nhập internet ngày càng tăng. Những phát triển trong tương lai về trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và công nghệ chuỗi khối (blockchain) có thể tăng cường hơn nữa sự tham gia của công chúng vào chính trị cũng như quản trị nhà nước. Chẳng hạn, các chatbot được AI hỗ trợ có thể cung cấp phản hồi theo thời gian thực cho các truy vấn của công dân, trong khi blockchain có thể bảo đảm tính toàn vẹn của quy trình bầu cử.

Các sáng kiến quản trị điện tử cũng mang tới nhiều động lực, với nhiều nền tảng như cổng thông tin MyGov và ứng dụng UMANG tạo thuận lợi cho người dân truy cập các dịch vụ của Chính phủ và tham gia hoạch định chính sách. Những nỗ lực này nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị, phù hợp với các mục tiêu rộng hơn của Sáng kiến Ấn Độ kỹ thuật số (Digital India).

Cụ thể, ra mắt vào năm 2014, MyGov là nền tảng gắn kết công dân với Chính phủ. Nó cung cấp không gian để người dân đóng góp ý tưởng và đề xuất về các vấn đề quản trị khác nhau, tham gia thảo luận và cộng tác trong các dự án. MyGov được coi là kênh liên lạc hai chiều nơi người dân có thể nói lên ý kiến của mình, trong khi Chính phủ có thể thu thập phản hồi về các chính sách và sáng kiến. Các tính năng chính của MyGov được thực hiện thông qua các diễn đàn thảo luận, cuộc thi, khảo sát và thăm dò ý kiến về các chính sách quan trọng hay các bài viết và blog…

Trong khi đó, UMANG (ứng dụng di động hợp nhất dành cho quản trị thời đại mới) ra mắt vào năm 2017, giúp tích hợp nhiều dịch vụ khác nhau của Chính phủ, từ đơn xin cấp hộ chiếu đến nộp thuế thu nhập, vào một nền tảng duy nhất, giúp người dân dễ dàng truy cập các dịch vụ này mọi lúc, mọi nơi. Trước đây, để tiếp cận các dịch vụ của Chính phủ ở Ấn Độ, người dân phải đến nhiều văn phòng khác nhau, mà mỗi nơi lại có một bộ thủ tục, giấy tờ riêng. Bộ máy quan liêu, quy trình phức tạp và lượng giấy tờ quá nhiều dẫn đến tình trạng chậm trễ và kém hiệu quả trong xử lý thủ tục hành chính, gây phiền hà cho người dân.

Mặt trái và các mối quan tâm

Mặc dù các nền tảng truyền thông xã hội với phạm vi tiếp cận rộng rãi có thể được coi là công cụ định hình nhận thức của cử tri, song nó cũng có hai mặt. Một mặt, mạng xã hội có thể giúp phơi bày những vụ lạm dụng quyền lực, gây phẫn nộ dư luận, khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Nhiều vụ việc không hay đã bị quay phim và lan truyền trên mạng, giúp đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc bất công ở Ấn Độ, trong đó có cả những vụ liên quan đến chính trị gia có tiếng. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội là sự truyền bá các thông tin sai lệch, tin giả vô tội vạ. Chúng có thể bóp méo nhận thức của công chúng và ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền chính trị và nhắm mục tiêu vào các nhóm cử tri cụ thể cũng đặt ra câu hỏi về tính công bằng và minh bạch của các chiến dịch vận động kỹ thuật số. Đặc biệt, theo EAF, tác động tiêu cực của mạng xã hội thể hiện rõ ở việc làm gia tăng căng thẳng giáo phái. Người Dalit (thuộc tầng lớp có địa vị xã hội thấp nhất ở Ấn Độ) và người Hồi giáo thường xuyên trở thành mục tiêu thông qua các bài viết mang tính kích động, làm trầm trọng thêm sự chia rẽ xã hội hiện có. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải có các chương trình quản lý và xóa mù kỹ thuật số hiệu quả để giảm thiểu tác hại của thông tin sai lệch và lời nói căm thù.

Ngoài ra, tình trạng thiếu quy định hiệu quả cũng gây khó khăn cho việc buộc các bên phải chịu trách nhiệm về các hoạt động kỹ thuật số của mình. Tình hình này đã thôi thúc Ấn Độ đẩy nhanh xây dựng các quy định chặt chẽ, kèm cơ chế kiểm tra thực tế mạnh mẽ hơn để ngăn chặn.

Hiện nay, quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu là mối quan tâm hàng đầu. Sự phổ biến của các nền tảng kỹ thuật số tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ, đặt ra câu hỏi về việc bảo vệ thông tin cá nhân. Ấn Độ đã thúc đẩy nội địa hóa dữ liệu và ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2023 nhằm giải quyết vấn đề trên, nhưng việc cân bằng quy định với đổi mới vẫn là nhiệm vụ phức tạp.

Nói chung, quá trình số hóa nền chính trị Ấn Độ đánh dấu kỷ nguyên mới về sự tham gia của người dân và quản trị nhà nước. Cân bằng lợi ích của nền chính trị số hóa với nhu cầu về thông tin đáng tin cậy và bảo vệ quyền riêng tư sẽ là chìa khóa để bảo đảm rằng cách mạng kỹ thuật số sẽ tăng cường, thay vì làm suy yếu các tiến trình dân chủ của Ấn Độ. Trong đó, cuộc bầu cử năm 2024 sẽ là thử nghiệm quan trọng đối với sự trưởng thành và khả năng phục hồi của hệ sinh thái chính trị kỹ thuật số của Ấn Độ. Những bài học rút ra từ thập kỷ qua sẽ định hình các chiến lược và diễn thuyết chính trị trong tương lai, khi các bên tiếp tục thích ứng với bối cảnh kỹ thuật số ngày càng phát triển.

Linh Anh (Tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nen-chinh-tri-an-do-tren-con-duong-so-hoa-i372238/