Số ca mắc sốt xuất huyết tăng chóng mặt, Hà Nội đang ở cao điểm dịch

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tăng nhanh. Cùng với đó, số ca nặng, ca nhập viện cũng tăng theo.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BV

Bệnh nhân nặng nhập viện tăng nhanh

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, số ca mắc sốt xuất huyết nặng đang tăng nhanh những ngày gần đây.

Bệnh nhân N. T. T (32 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) bị sốt xuất huyết đến ngày thứ 4, thì có dấu hiệu biến chứng nặng và được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cấp cứu. Khi vào viện, bệnh nhân đã trong tình trạng bị tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi, gây chèn ép, khó thở, suy hô hấp. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân đã có tình trạng cô đặc máu, tăng Hematocrit và giảm tiểu cầu, chỉ số men gan tăng rất cao. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thể nặng.

Bệnh nhân phải điều trị tích cực, may mắn là sau 10 ngày điều trị, tình trạng đã dần cải thiện, dịch ổ bụng màng phổi đã giảm rõ rệt, bệnh nhân thấy dễ chịu hơn, ăn uống, đi lại được, tiểu cầu đã trở về bình thường.

Bệnh nhân N. T. T. T (76 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) có có bệnh nền tăng huyết áp, viêm gan B, cũng vừa vượt qua "cửa tử". Bị mắc sốt xuất huyết đến ngày thứ 5, bệnh nhân có biểu hiện đi đại tiện phân đen, số lượng nhiều; người nhợt nhạt, mất máu. Khi được đưa tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng; bị giảm tiểu cầu và hồng cầu. Ngay lập tức phải được truyền 10 đơn vị máu, gồm khối hồng cầu, huyết tương tươi và khối tiểu cầu, đồng thời được nội soi dạ dày kẹp cầm máu ổ chảy máu ở dạ dày.

Hiện sau 6 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định. Bệnh nhân không còn tình trạng chảy máu; xét nghiệm chỉ số tiểu cầu đã cải thiện; người tỉnh táo, dễ chịu hơn.

Ths.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Hai cơ sở của bệnh viện đang điều trị 157 ca mắc sốt xuất huyết; trong đó có 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo trở nặng. Chỉ riêng khoa Cấp cứu tại cơ sở Kim Chung, mỗi ngày tiếp nhận điều trị hơn 40 bệnh nhân hồi sức cấp cứu, trong đó có 3 - 5 ca sốt xuất huyết nặng; khám, cấp cứu trên dưới 50 ca mắc sốt xuất huyết/ngày.

Tại các cơ sở y tế của Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viận cũng gia tăng nhanh. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, tại đơn nguyên Truyền nhiễm, có tới 90% số bệnh nhân là mắc sốt xuất huyết, nhiều bệnh nhân trong tình trạng tiểu cầu giảm thấp, nguy hiểm.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, từ đầu tháng 9 đến nay, đã ghi nhận 115 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số bệnh nhân tăng cũng kéo theo số ca nặng tăng lên.

Ths.BS Trần Văn Bắc cảnh báo: Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu thường có biểu hiện: Sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, người bệnh nên đi khám làm xét nghiệm sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên bù nước điện giải bằng đường uống như sử dụng Oresol. Đặc biệt, người bệnh cần hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà.

Sau ngày thứ 3, ngày thứ 7 khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân cần tái khám để đánh giá nguy cơ Dengue nặng (vì Hematocrit tăng kèm theo tiểu cầu giảm nhanh, tràn dịch màng phổi, ổ bụng, men gan tăng cao) hoặc khi có các dấu hiệu cảnh báo như: Khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì… người bệnh cần đi khám ngay để kịp thời xử trí.

Nhiều ổ dịch phức tạp

Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính riêng trong tuần vừa qua, toàn Thành phố đã ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tại 29 quận, huyện, không có ca tử vong; số mắc tiếp tục tăngnhanh so với tuần trước đó.

Trong tuần qua, các địa bàn có nhiều ca bệnh như: Phú Xuyên (163 ca), Hoàng Mai (136 ca), Cầu Giấy (134 ca), Hà Đông (132 ca), Đống Đa (125 ca), Đan Phượng (122 ca)…Trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 72 ổ dịch tại 16 quận, huyện.

Như vậy, cộng dồn từ năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 10.372 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. Số ca mắc tăng gấp 4 lần với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 là 2.842 ca mắc, 3 ca tử vong).

Hiện Hà Nội còn 258 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động. Theo kết quả giám sát dịch, hiện Hà Nội đang lưu hành chủ yêu 2 tuýp virus gây sốt xuất huyết là DEN 1 và DEN 2.

Kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý (BI) cao vượt ngưỡng nguy cơ. Cụ thể, qua giám sát tại các địa bàn như tại: Chương Dương, Hoàn Kiếm (chỉ số BI = 40); tại Đại Thắng, Phú Xuyên (BI = 60); tại Hiệp Thuận, Phúc Thọ (BI = 40); Mễ Trì, Nam Từ Liêm (BI = 40)…

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhận định: “Số ca mắc sốt xuất huyết trong các tuần gần đây liên tục gia tăng, một số ổ dịch diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân. Đặc biệt, qua kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ; dự báo tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới”.

Cũng theo ông Khổng Minh Tuấn, trong các tuần tiếp theo, Hà Nội tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Cụ thể là tăng cường việc giám sát, phát hiện sớm ca mắc tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp; rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng. Đặc biệt, việc phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng, tử vong.

Cùng với đó, các địa bàn tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, tránh để dịch lây lan rộng. Hà Nội tiếp tục giám sát chặt công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch đang nóng như: Thanh Trì, Thanh Oai, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Hà Đông, Phúc Thọ.

Trung tâm Y tế các quận huyện thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh Sốt xuất huyết để tham mưu Ủy ban nhân dân nhân tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn. Các đơn vị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, hóa chất đảm bảo công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Việc giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao cần tăng cường hơn nữa, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Việc huy động các ban ngành đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy rất quan trọng.

Đặc biệt, ý thức chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết của mỗi người dân, gia đình là rất quan trọng. Mỗi người dân cần phối hợp, vào cuộc tích cực, chủ động nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, thời tiết nóng ẩm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/so-ca-mac-sot-xuat-huyet-tang-chong-mat-ha-noi-dang-o-cao-diem-dich-20230919131521374.htm