Sinh viên ở TP.HCM làm thêm 8-9 tiếng/ngày để đủ tiền sinh hoạt

Nhiều sinh viên sống tại TP.HCM tìm việc làm, kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống khi chi phí ngày một tăng cao.

Sau mỗi buổi sáng lên giảng đường học tập, 15h chiều cùng ngày, Phạm Văn Hào, sinh viên năm nhất, khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, vội vã đến chỗ làm thêm. Cậu làm việc đến tận 23h.

"Công việc làm thêm giúp mình giảm bớt áp lực tài chính, phụ giúp gia đình. Cũng nhờ nó, mình có kế hoạch chi tiêu rõ ràng hơn", Văn Hào chia sẻ với Zing.

Văn Hào kiếm được 2,5 triệu đồng mỗi tháng nhờ việc làm thêm.

Làm thêm để kiếm thu nhập

Văn Hào đang làm chạy bàn tại một quán lẩu chay tại TP Thủ Đức. Một ngày làm việc của cậu kéo dài 8 giờ, bắt đầu từ 15h đến 23h. Hào được trả 22.000 đồng/h. Đôi khi, chủ quán còn thưởng thêm.

Tuy nhiên, vì còn vướng bận việc học, Hào chỉ đi làm vào những chiều trống tiết. Một tháng, nam sinh kiếm được khoảng 2,5 triệu đồng.

Lê Thị Cẩm Vân, sinh viên ngành Quản trị Khách sạn tại ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng chọn làm thêm tại quán ăn. Mỗi ngày, nữ sinh làm đến 9 giờ liên tục.

Công việc mang lại cho Cẩm Vân thu nhập ổn định để trang trải thêm cho chi phí sinh hoạt thường ngày. Đương nhiên, nữ sinh vẫn chú trọng cân bằng giữa việc học và làm thêm.

Tương tự, Trần Thị Hồng Thắm, sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, tranh thủ thời gian để đi làm, kiếm tiền.

Những ngày bài vở không quá căng thẳng, nữ sinh làm thêm tại một nhà hàng ở quận Bình Thạnh từ 17h đến 22h. Thông thường, mỗi tuần, cô đi làm 4 buổi, vừa đủ để có thu nhập, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ lại có thêm trải nghiệm thực tế mà không ảnh hưởng đến việc học.

Công việc làm thêm kéo dài 9 tiếng/ngày giúp Cẩm Vân có thu nhập ổn định.

Tính toán chi tiêu hơn

Giữa thời kỳ giá cả leo thang, không chỉ chịu khó làm việc bán thời gian, những sinh viên như Văn Hào, Hồng Thắm, Cẩm Vân còn phải cân nhắc chi tiêu. Họ cho rằng khi tự kiếm tiền, họ biết cách chi tiêu hợp lý hơn.

“Mình chi khoảng 1,2 triệu đồng tiền ăn, thêm 300.000 đồng xăng xe. Ngoài ra, hàng tháng, mình đóng khoảng 100.000 đồng điện nước, thêm 500.000 đồng mua sắm đồ dùng cần thiết. 400.000 đồng còn lại là tiền dự phòng các chi phí phát sinh”, Văn Hào chia sẻ kế hoạch chi tiêu.

Hồng Thắm cũng tính toán cẩn thận không kém. Trừ tiền chỗ ở, mỗi tháng, nữ sinh cần đến khoảng 2,5 triệu đồng. Trong đó, cô gói gọn chi phí ăn uống, nhu cầu thiết yếu như xăng xe, điện nước trong 2 triệu đồng. Phần còn lại, Thắm dùng để mua dụng cụ học tập, mỹ phẩm và đi chơi cùng bạn bè.

Nữ sinh ĐH Kinh tế - Luật thường mua sắm trên các sàn thương mại điện tử để tiết kiệm. Thỉnh thoảng, cô di chuyển bằng xe buýt để giảm bớt chi phí.

"Sau khi đi làm, mình cảm thấy thoải mái hơn, không cần đắn đo, tính toán nhiều như trước", Hồng Thắm cho hay.

Theo Hồng Thắm, mỗi sinh viên có hoàn cảnh khác nhau, nhu cầu khác nhau nên mức chi tiêu của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Với nữ sinh, mức chi tiêu phù hợp với mặt bằng chung sinh viên xa quê dao động 2-2,5 triệu đồng.

Giữa lúc giá cả tăng vọt, cố gắng chỉ tiêu 2-2,5 triệu đồng/tháng là nỗ lực lớn đối với Hồng Thắm.

Trong khi đó, Cẩm Vân cần đến 5-6 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt mỗi tháng dù đã tính toán kỹ.

Giá xăng tăng cao “chóng mặt” đã trở thành một phần bất lợi cho cô khi khoảng cách từ nhà đến trường và nơi làm thêm rất xa. Vì vậy, Cẩm Vân đành giảm bớt mua sắm để dành tiền cho xăng xe.

Kế hoạch chi tiêu của Cẩm Vân rất rõ ràng. Nữ sinh dành 1,5 triệu trả tiền nhà trọ, 3,5 triệu đồng phục vụ cho việc ăn uống, 1,5 triệu đồng chi cho tiền xăng. Vân tiêu toàn bộ số tiền gia đình trợ cấp để chi trả những khoản này.

Vì thế, cô dành tiền lương từ làm thêm cho những việc phát sinh như sinh nhật hay đi chơi, sắm sửa cho bản thân.

Dù tính toán rất kỹ, giữa cơn "bão giá", các sinh viên còn cần thắt chặt chi tiêu hơn nữa để dành dụm tiền mua vé xe hoặc vé máy bay về quê - khoản phí không nhỏ và vừa tăng theo giá xăng.

Cẩm Vân nghĩ để đủ tiền, cô cần tiết kiệm hơn từ bây giờ để đặt vé sớm, tự lo khoản phí này thay vì gọi điện xin thêm bố mẹ hay tiêu hụt tiền tháng sau.

Quang Huy

Ảnh: NVCC.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sinh-vien-o-tphcm-lam-them-8-9-tiengngay-de-du-tien-sinh-hoat-post1321779.html