Tỷ giá chững đà tăng, nhưng nhiều yếu tố tiềm ẩn vẫn còn

Chỉ số USD Index (DXY) - thước đo về sức mạnh đồng USD trên thị trường quốc tế đã có nhịp điều chỉnh xuống dưới 105 điểm, phần nào cũng giảm bớt áp lực với tỷ giá VND/USD. Tuy nhiên, diễn biến thời gian tới vẫn còn nhiều ẩn số khó lường.

Với một số biện pháp can thiệp đang được Ngân hàng Nhà nước thực hiện thì tỷ giá không còn trạng thái tăng nóng. Ảnh tư

Với một số biện pháp can thiệp đang được Ngân hàng Nhà nước thực hiện thì tỷ giá không còn trạng thái tăng nóng. Ảnh tư

Đồng USD giảm giá

Diễn biến đồng USD trên thị trường quốc tế cho thấy “sức nóng” của đồng tiền này đã có phần hạ nhiệt phần nào so với thời điểm 1 tháng trước. Sáng ngày 21/5 theo giờ Việt Nam, chỉ số DXY ghi nhận ở mức 104,61 điểm, theo đó đã giảm đáng kể so với mặt bằng trên 106 điểm của chỉ số này hồi tháng 4/2024.

Tỷ giá có phần hạ nhiệt nhưng chưa bền vững

Diễn biến tỷ giá trong thời gian gần đây cho thấy, tỷ giá đã có phần hạ nhiệt trong giai đoạn giữa tháng 5, nhưng diễn biến này chưa cho thấy sự ổn định do có lúc vẫn nhích tăng nhẹ trong một vài ngày gần đây.

Tại thời điểm sáng ngày 21/5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.451 đồng/USD, tăng 4 đồng so với ngày hôm trước. Tỷ giá bán ra tại Vietcombank là 25.663 đồng/USD, cũng tăng 4 đồng so với hôm trước.

Cho đến hiện tại, các dự báo của thị trường tài chính quốc tế về thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ hạ lãi suất cũng không có nhiều thay đổi so với hồi tháng 4/2024. Cụ thể, khả năng FED sẽ chưa hạ lãi suất trong các cuộc họp tháng 6 và tháng 7 sắp diễn ra, nhưng kỳ vọng thị trường vẫn đặt niềm tin vào cuộc họp vào tháng 9/2024. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã khác nhiều so với thời điểm tháng 4, bởi thời gian đang tiến gần hơn đến mốc tháng 9/2024. Ngoài ra, thông điệp của các quan chức FED đưa ra sau cuộc họp kết thúc hôm 1/5 cũng có khá nhiều ý nghĩa khi họ khẳng định sẽ không tăng lãi suất.

Ngoài ra, các số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ được công bố trong tháng 5/2024 cũng có xu hướng ủng hộ cho hành động giảm lãi suất của FED sẽ diễn ra sớm. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 tăng 0,3% so với tháng trước nhưng thấp hơn một chút so với ước tính 0,4% của Dow Jones và các nhà kinh tế do Wall Street Journal khảo sát. So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 3,4% đúng như kỳ vọng và giảm nhẹ so với mức 3,5% của tháng trước.

CPI lõi (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) cũng tăng 0,3% so với tháng 3, đánh dấu mức tăng hàng tháng thấp nhất trong 4 tháng. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số này tăng 3,6% trong tháng 4, giảm từ mức 3,8% của tháng trước và đánh dấu mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 4/2021.

Các yếu tố tỷ giá trong nước

Đưa ra đánh giá của mình, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDirect cũng tỏ ra khá lạc quan về thông tin chỉ số CPI Mỹ hạ nhiệt có thể sẽ tác động tích cực với thị trường tài chính trong nước. Ông Hinh cho rằng, chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ có nhịp điều chỉnh và nhà đầu tư hiện đang tự tin hơn về kịch bản FED sẽ giảm lãi suất điều hành vào cuộc họp tháng 9. Điều này giúp giảm bớt phần nào áp lực lên tỷ giá trong nước.

Diễn biến cụ thể tại thị trường tiền tệ trong nước, tỷ giá trong giai đoạn giữa tháng 5 có một số ngày hạ nhiệt chút ít, nhưng mức giảm không nhiều và hiện tại mặt bằng tỷ giá vẫn có lúc nhích tăng trở lại và neo ở mức cao so với thời điểm đầu năm 2024. Tuy nhiên, diễn biến cho thấy tỷ giá đã không tiếp tục tăng nóng như trong thời điểm từ đầu năm và đỉnh điểm ở giai đoạn tháng 4/2024.

Một trong những bằng chứng cho thấy các lo ngại về tỷ giá đã không còn là vấn đề quá lớn với giới tài chính là thái độ của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index hồi giữa tháng 4/2024 đã có những phiên gần như rơi tự do và một trong những lý do chính gây ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư thời điểm đó chính là vấn đề tỷ giá. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư từ cuối tháng 4 đến nay đã dần ổn định trở lại và VN-Index đã tăng trở lại mốc điểm gần với đỉnh thời điểm cuối tháng 3.

Bà Phan Thị Thu Hằng - Trưởng Phòng Khối tư vấn đầu tư cho rằng, hiện nay với một số biện pháp can thiệp đang được Ngân hàng Nhà nước thực hiện (như thực hiện các hoạt động thị trường mở, bán USD…) thì tỷ giá có thể nếu không giảm, nhưng cũng sẽ chỉ đi ngang, chứ không còn trạng thái tăng nóng như trong giai đoạn trước.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, hiện tại thị trường trong nước vẫn còn có những yếu tố có thể gây áp lực lên tỷ giá. Trong đó, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp. Đây là yếu tố có thể tác động tăng nhu cầu USD của nền kinh tế trong ngắn hạn, nhưng sẽ dần dịu đi khi các doanh nghiệp kết thúc chu kỳ sản xuất chuyển sang giai đoạn bán hàng thì nguồn ngoại tệ có thể gia tăng từ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Ngoài ra theo bà Hằng, nguồn cung ngoại tệ có thể còn được hỗ trợ vào cuối năm nhờ yếu tố kiều hối./.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ty-gia-chung-da-tang-nhung-nhieu-yeu-to-tiem-an-van-con-151281-151281.html