Singapore và Malaysia chuẩn bị tăng thuế tiêu dùng

Từ ngày 1.1.2024, Singapore sẽ tăng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) từ 8% lên 9%, trong khi Malaysia tăng thuế bán hàng và dịch vụ (SST) bắt đầu từ tháng 3.2024, thêm 2 điểm phần trăm lên 8%, không bao gồm các chi phí thiết yếu như thực phẩm, đồ uống và viễn thông.

Theo Nikkei Asia, một số nước Đông Nam Á sẽ chứng kiến thuế tiêu dùng tăng vào đầu năm 2024, khi các quốc gia như Singapore và Malaysia chuyển sang mở rộng cơ sở tài chính để hỗ trợ dân số già và thu hẹp thâm hụt ngân sách. Các chuyên gia cho rằng, việc mở rộng thuế suất sẽ giúp tăng nguồn thu cho kho bạc, nhưng cũng có thể làm giảm tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn. Vì vậy, một số nước ở Đông Nam Á đã quyết định hoãn tăng thuế.

Siêu thị Sheng Shiong tại Singapore. Ảnh: Nikkei Asia.

Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết, lạm phát cơ bản "dự kiến sẽ bị ảnh hưởng" vào đầu năm 2024 do sự gia tăng thuế GST và các hiệu ứng theo mùa, mặc dù giá cả sẽ tiếp tục có "xu hướng giảm nhẹ" trong năm, với dự báo lạm phát trung bình khoảng 2,5% đến 3,5%.

Lạm phát cơ bản của đất nước là 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, giảm so với mức tăng 3,3% của tháng trước. Tuy nhiên, MAS lưu ý rằng, vẫn còn những rủi ro tăng giá, đặc biệt trong bối cảnh xung đột địa chính trị vẫn đang rất phức tạp, cũng như các hiện tượng thời tiết bất lợi có thể ảnh hưởng đến giá lương thực và năng lượng.

Các chuỗi siêu thị địa phương, chẳng hạn như Sheng Siong và Giant, trong tháng này đã công bố triển khai các chiến dịch giảm giá từ 3 - 6 tháng vào tháng 1.2024, nhằm khuyến khích khách hàng mua hàng khi đợt tăng thuế GST có hiệu lực. Việc tăng thuế đều đặn làm nổi bật mong muốn của Singapore trong việc củng cố cơ sở doanh thu, trong bối cảnh chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.

Trong khi đó, Malaysia là một trong những quốc gia thu thuế thấp nhất ở Đông Nam Á và đã được các tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi thu thêm tiền. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), doanh thu thuế của đất nước này tính theo tỷ lệ trong tổng sản phẩm quốc nội là 11,8% vào năm 2021, trong khi của Singapore là 12,6%.

Malaysia dựa chủ yếu vào thuế trực thu, chẳng hạn như thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, chiếm 65% doanh thu thuế của nước này. Theo báo cáo hồi tháng 10 của Ernst & Young (EY) - một hãng dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp đa quốc gia, chỉ 26% đến từ thuế hàng hóa và dịch vụ. Điều này cho thấy doanh thu thuế của Malaysia dễ bị biến động, vì thuế trực thu rất dễ bị ảnh hưởng bởi các chu kỳ kinh tế, có khả năng dẫn đến doanh thu thuế giảm mạnh trong thời kỳ kinh tế suy thoái.

Các nhà kinh tế dự đoán rằng, việc tăng thuế SST cùng với các biện pháp thuế mới khác và hợp lý hóa các khoản trợ cấp có khả năng hạn chế tiêu dùng và đầu tư tư nhân tại Malaysia.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/singapore-va-malaysia-chuan-bi-tang-thue-tieu-dung-i355738/