Siêu trực thăng CH-53E của Mỹ to lớn cỡ nào?

Sự tương phản giữa cánh quạt của siêu trực thăng CH-53E và người lính thủy quân lục chiến Mỹ đã cho thấy sự to lớn của dòng máy bay lên thẳng này.

"Siêu trực thăng hạng nặng CH-53E Super Stallion của Mỹ xét về mọi mặt là một cỗ máy thực sự quái dị", trang The Drive của Mỹ viết.

Hình ảnh mới đây được đăng tải cho thấy hình ảnh một lính thủy quân lục chiến đang ngồi trên chóp cánh quạt chính của chiếc CH-53E, điều này cho thấy sự tương phản lớn.

Trung sĩ nói trên đang làm nhiệm vụ với chiếc CH-53E Super Stallion thuộc Phi đội Thủy quân lục chiến (VMM) 165.

Được biết những chiếc CH-53E này đang thực hiện các hoạt động bay trên tàu vận tải đổ bộ USS Somerset lớp San Antonio.

Trực thăngCH-53E có đường kính cánh quạt gần gấp đôi so với trực thăng AH-1 Cobra và UH-1Y Venom.

Những hình ảnh khác cũng chụp vào ngày 15/11 do lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cung cấp khi đang vận hành những chiếc CH-53E Super Stallion cho thấy tầm quan trọng của loại trực thăng chủ lực này trong các hoạt động của Mỹ ở Thái Bình Dương.

CH-53E Super Stallion là dòng trực thăng vận tải lớn nhất của quân đội Mỹ.

Biến thể trực thăng CH-53E bắt đầu được đưa vào biên chế cho Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ từ năm 1983, khi 4 chiếc được triển khai trên tàu đổ bộ USS Iwo Jima.

Trực thăng CH-53E Super Stallion có chiều dài 30,2 m, đường kính cánh quạt 24 m và cao 8,46 m.

Tốc độ bay đạt 278 km/giờ, trần bay 5.640m, với phạm vi hoạt động 1.000km.

Phi hành đoàn gồm 5 người, trong đó có 2 phi công và 3 pháo thủ.

Trực thăng có thể hoạt động trên các tàu sân bay và tàu vận tải đổ bộ, với nhiệm vụ vận chuyển các máy bay, trực thăng, xuồng đổ bộ hoặc các phương tiện chiến đấu và lực lượng đổ bộ Mỹ.

Trực thăng CH-53E có khả năng mang hàng hóa với khối lượng trong khoang lên đến hơn 13,6 tấn hoặc 55 lính đổ bộ.

Khả năng tải các thiết bị được móc, kéo bên ngoài có thể lên tới hơn 16,3 tấn.

Trực thăng loại này sử dụng 3 động cơ phản lưc cánh quạt đẩy T64-GE-416 của General Electric.

Trực thăng được trang bị 2 bình nhiên liệu (có khả năng tự “vá” lỗ rò ở hai bên sườn) có dung tích 1.192 lít và 1 bình nhiên liệu bên trong có dung tích 1.465 lít.

Ngoài ra, trực thăng còn được trang bị các thiết bị hỗ trợ tiếp dầu trên không và tiếp nhiên liệu từ các tàu nổi phía dưới khi hoạt động đường dài.

Trực thăng CH-53E được trang bị hệ thống kiểm soát bay tự động Hamilton Sundstrand (AFCS) với 2 máy tính số; hệ thống khảo sát độ cao và phía trước (Attitude and Heading Reference System); hệ thống định vị toàn cầu Rockwell Collins GPS 3A và 1 hệ thống radar AN/APN-217 Doppler của Northrop Grumman.

Trực thăng có thể hoạt động tốt ngay cả ban đêm và trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Có được điều này là do chúng được trang bị hệ thống quan sát ban đêm AN/AVS-6 NVG, thiết bị quan sát hồng ngoại phía trước AAQ-29A (FLIR) và hệ thống thông tin liên lạc sóng radio chiến thuật Rockwell Collins AN/ARC-210.

Ngoài ra, trực thăng CH-53E còn được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử, như hệ thống cảnh báo tên lửa tấn công ATK AN/AAR-47 và hệ thống chống nhiễu tương đối hiện đại.

Về vũ khí, CH-53E được trang bị 3 súng máy 50 BMG 12,7 mm gắn ở bên sườn và phía trước, súng máy GAU-21/A, hệ thống phóng vật gây nhiễu và pháo sáng.

CH-53E có 2 biến thể chính là CH-53E Super Stallion và MH-53E Sea Dragon.

Hiện tại, có 152 chiếc trực thăng CH-53E Super Stallion đang được biên chế trong Lực lượng Hải quân đánh bộ Mỹ.

Có khoảng 30 chiếc MH-53E Sea Dragon đang được biên chế cho Hải quân Mỹ.

Chi phí cho mỗi giờ bay của CH-53E tốn 20.000 USD với 44 giờ bảo dưỡng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sieu-truc-thang-ch-53e-cua-my-to-lon-co-nao-post559425.antd