Tiêm kích Mỹ bám đuôi oanh tạc cơ Tu-95MS Nga áp sát Alaska

Nga triển khai oanh tạc cơ Tu-95MS được bảo vệ bằng tiêm kích Su-30, Su-35S trên vùng trời gần bang Alaska, động thái này khiến Mỹ phải điều động F-16 đến giám sát.

"Hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS của Không quân Vũ trụ Nga đã thực hiện chuyến bay theo kế hoạch trên không phận quốc tế ở biển Bering, gần bờ biển phía tây bang Alaska của Mỹ. Biên đội được hộ tống bởi tiêm kích Su-30SM, chuyến bay kéo dài trong hơn 11 giờ", Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 3/5.

Hình ảnh được quân đội Nga công bố cho thấy biên đội Tu-95MS xuất phát từ căn cứ lúc rạng sáng.

Một chiến đấu cơ F-16 của Phi đoàn Tiêm kích đánh chặn số 18 không quân Mỹ liên tục bám sát ở bên phải chiếc Tu-95MS khi nó hoạt động gần Alaska,

Trong khi tiêm kích hạng nặng Su-30SM và Su-35S Nga bay ngay sau chiếc F-16 để giám sát.

"Không quân chiến lược Nga thường xuyên hoạt động trên vùng trời quốc tế ở Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương, Biển Đen, biển Baltic và Thái Bình Dương. Mọi chuyến bay đều tuân thủ chặt chẽ quy định quốc tế về sử dụng vùng trời", Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) cùng ngày thông báo phát hiện 4 máy bay quân sự Nga trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Alaska.

"Các phi cơ luôn ở trên không phận quốc tế, không xâm phạm vùng trời của Mỹ và Alaska. Hoạt động của lực lượng Nga trong ADIZ Alaska diễn ra thường xuyên và không bị coi là mối đe dọa", NORAD cho hay.

ADIZ là vùng trời do một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tự ấn định và buộc máy bay dân sự khi tiến vào phải thông báo, nhận dạng, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia, vùng lãnh thổ đó.

ADIZ không phải không phận, nhưng theo thông lệ quốc tế, máy bay quân sự thường gửi thông báo trước khi tiến vào ADIZ nước khác nhằm tránh những vụ đụng độ bất ngờ.

Phi cơ quân sự Nga kể từ năm 2007 liên tục tiến vào ADIZ Alaska, khu vực kéo dài khoảng 200 hải lý ngoài khơi bờ biển phía tây bang này.

Các chuyến bay này thường do oanh tạc cơ Tu-95MS cùng phi đội tiêm kích hộ tống của Nga thực hiện.

Tu-95 là loại máy bay ném bom chiến lược động cơ cánh quạt do Cục Thiết kế Tupolev nghiên cứu thiết kế từ những năm 1950, trang bị cho không quân Liên Xô.

Tới nay, trải qua hơn 70 năm phục vụ, loại máy bay này vẫn đang tiếp tục hoạt động rộng rãi trong không quân Nga.

Với kỷ lục đó, Tu-95 được xem là máy bay ném bom chiến lược cánh quạt duy nhất còn chiến đấu.

Tu-95 có chiều dài 49,5m, sải cánh 51,1m, cao 12,12m, trọng lượng cất cánh tối đa tới 188 tấn.

Để nâng chiếc máy bay này lên không trung, Tupolev thiết kế 4 động cơ tuốcbin cánh quạt Kuznetsov NK-12M.

Loại động cơ tuốcbin cánh quạt này cũng thiết kế khá đặc biệt với 2 cánh quạt chồng lên nhau, quay ngược chiều nhau.

Với động cơ này, Tu-95 có khả năng đạt tốc độ tới 925 km/h, biến nó trở thành máy bay cánh quạt có tốc độ nhanh nhất thế giới.

Tu-95 có tầm bay lên đến 15.000 km không cần tiếp nhiên liệu, giúp cho nó có thể vươn tới những mục tiêu chiến lược ở Mỹ.

Tu-95 có khả năng đạt trần bay lên tới 12.000 m.

Buồng lái Tu-95 với những thiết bị điều khiển nhìn khá đơn giản tương tự như các dòng máy bay ra đời thập niên 1950.

Để điều khiển chiếc máy bay này cần tới phi hành đoàn 7 người, gồm 2 phi công, 1 pháo thủ và 4 sĩ quan (định vị, ném bom...).

Tu-95 có khả năng mang 15 tấn vũ khí trong khoang thân và trên cánh.

Khoang trong thân máy bay thiết kế mang các loại bom thông thường và kể cả bom hạt nhân.

Trong lịch sử hoạt động, Tu-95 là chiếc máy bay đã ném quả bom hạt nhân mạnh nhất trong lịch sử nhân loại Tsar Bomba vào năm 1961.

Sau nhiều cải tiến nâng cấp lên chuẩn Tu-95MS, máy bay có khả năng phóng tên lửa hành trình không đối đất Kh-55 có tầm bắn tới 2.000-3.000 km.

Cho đến thời điểm hiện tại, Tu-95MS vẫn được coi là một trong những loại máy bay hoạt động hiệu quả nhất của không quân Nga.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-my-bam-duoi-oanh-tac-co-tu-95ms-nga-ap-sat-alaska-post575253.antd