Sĩ quan trẻ- từ nhà trường đến đơn vị: Bài 1: Khát vọng cống hiến của tuổi trẻ

LTS: Sau thời gian học tập, rèn luyện trong các nhà trường Quân đội, chặng đường tiếp theo chờ đón các sĩ quan trẻ (SQT) ở đơn vị là những chân trời hoàn toàn mới.

Dù được đào tạo cơ bản nhưng các SQT cũng không thể tránh khỏi khó khăn, bỡ ngỡ... Vậy SQT thường gặp những khó khăn gì trong công tác? Làm thế nào để đội ngũ SQT phát huy tốt nhất phẩm chất, năng lực, trình độ, sớm khẳng định được bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ? Những câu hỏi này sẽ phần nào được giải đáp qua loạt bài “Sĩ quan trẻ-từ nhà trường đến đơn vị”.

Sau khi tốt nghiệp các học viện, trường sĩ quan, SQT sẽ được điều động về các đơn vị trong toàn quân theo yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội. Hành trang của họ là hệ thống kiến thức được trang bị ở nhà trường cùng hoài bão, khát khao cống hiến, khẳng định bản thân...

Bám đơn vị "từ vươn thở tới tiếng thơ"

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, quyết định lựa chọn học tập tại các nhà trường trong Quân đội là điều đáng trân quý của thanh niên, bởi điều này đòi hỏi sự hy sinh, khó khăn, vất vả hơn nhiều so với theo học ở các cơ sở đào tạo dân sự cùng cơ hội việc làm, thu nhập tốt hơn. Để trở thành sĩ quan, học viên phải trải qua những tháng năm rèn luyện vất vả, bắt đầu từ việc tập làm người chiến sĩ, học điều lệnh đội ngũ, bắn súng...

Ngoài giờ học trên giảng đường, học viên còn phải lăn lộn ngoài thao trường với những bài tập chiến thuật, hành quân dã ngoại mang vác nặng với quãng đường hàng chục ki-lô-mét; tham gia những cuộc diễn tập, vượt qua các bài kiểm tra thể lực... Ngoài ra, học viên còn phải tăng gia sản xuất, tham gia các hoạt động, phong trào để nâng cao kỹ năng mềm trong quản lý, huấn luyện bộ đội...

Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) tổ chức huấn luyện chiến thuật cấp trung đội. Ảnh: LUYẾN HÀ

Sau thời gian đào tạo ở nhà trường, SQT được điều động về các đơn vị, trở thành những cán bộ trung đội, đại đội cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và công tác hằng ngày với bộ đội; là người trực tiếp chỉ huy, quản lý mọi mặt của đơn vị, từ con người đến vũ khí trang bị và cơ sở vật chất. Ở tuổi đôi mươi, SQT đã quản lý, chỉ huy hàng chục, hàng trăm quân nhân thuộc quyền (trong đó có không ít chiến sĩ lớn tuổi hơn và nhiều QNCN đáng tuổi cha chú) có trình độ văn hóa, nhận thức, quê quán, hoàn cảnh khác nhau.

SQT vừa là giáo viên trực tiếp huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị cho bộ đội theo nội dung chương trình, đồng thời là người chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Để hoàn thành khối lượng lớn công việc này với yêu cầu cao, SQT phải ở đơn vị 24/7, “từ vươn thở tới tiếng thơ” để bám nắm bộ đội nên ít có thời gian riêng tư dành cho gia đình, bạn bè, thậm chí là tìm hạnh phúc lứa đôi. Áp lực, vất vả thế nên dù còn rất trẻ, ở các anh đã toát lên sự từng trải, trưởng thành nhưng cũng đầy tươi trẻ, lạc quan.

Theo chia sẻ của nhiều SQT là cán bộ cấp trung đội ở một số đơn vị mà chúng tôi có dịp khảo sát, một ngày làm việc thường bắt đầu từ 4 giờ 50 phút-trước bộ đội 10 phút để đôn đốc bộ đội về tác phong, thể dục buổi sáng, nội vụ vệ sinh, ăn cơm sáng, làm công tác chuẩn bị... sau đó là bước vào thời gian học tập, huấn luyện. Kết thúc giờ học tập, huấn luyện buổi chiều, SQT phải chỉ huy bộ đội tăng gia sản xuất, dọn dẹp vệ sinh doanh trại và tham gia các hoạt động thể dục-thể thao cùng chiến sĩ. Buổi tối, sau khi duy trì bộ đội sinh hoạt, đọc báo, xem thời sự, điểm danh, điểm quân số, SQT còn dành thời gian trò chuyện, tâm sự để nắm tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình bộ đội. Khi bộ đội đã ngon giấc, SQT mới có thời gian gọi điện cho gia đình, người thân, đồng thời chuẩn bị nội dung công việc cho ngày hôm sau...

Trung úy Đinh Quốc Cường, Trung đội trưởng Trung đội 5, Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2), chia sẻ: “Ngày nghỉ, chúng tôi vẫn phải bám nắm bộ đội, triển khai các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp cho chiến sĩ. Những đợt cao điểm như huấn luyện chiến sĩ mới, diễn tập các cấp thì có khi 2-3 tháng chúng tôi mới được đi tranh thủ. Vì vậy, SQT có rất ít thời gian dành cho gia đình, người thân và gần như không dám nghĩ đến những bữa ăn sáng, cà phê ở các nhà hàng, quán ăn vào dịp cuối tuần hay các chuyến đi du lịch...”.

Trung úy Lương Đình Phú, Chính trị viên phó Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 201 (Binh chủng Tăng thiết giáp), cho biết thêm: “Công tác ở đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) nên các dịp lễ, tết, tôi cùng đồng đội đều phải trực. Ai cũng mong muốn được sum họp bên gia đình, người thân trong những dịp này, tuy nhiên, xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị nên chúng tôi luôn yên tâm tư tưởng, tạm gác lại việc riêng để thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất”.

Thành quả, sự ghi nhận xứng đáng

Thượng úy Trần Đức Lương, Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 201) tốt nghiệp Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp tháng 8-2021 với quân hàm Trung úy. Từ cương vị học viên với nhiệm vụ chính là phấn đấu học tập, rèn luyện tốt, được phân công về công tác tại đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ trên cương vị Trung đội trưởng, Trần Đức Lương gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ vì khối lượng công việc lớn, đan xen, yêu cầu kết quả cao; đối tượng quản lý chủ yếu là QNCN có tuổi đời lớn hơn anh, nhiều kinh nghiệm... Nhưng nhờ xác định tốt nhiệm vụ, xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn, tích cực học tập, nghiên cứu và được sự quan tâm giúp đỡ, bồi dưỡng của cấp trên, Trần Đức Lương nhanh chóng thích nghi, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Năm 2022, Trung đội 7 được tặng danh hiệu “Đơn vị huấn luyện tiên tiến”, bản thân anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và nhiều giải cao ở các hội thi, hội thao. Tháng 5-2023 vừa qua, Trần Đức Lương vinh dự được thăng quân hàm trước niên hạn từ Trung úy lên Thượng úy.

Sĩ quan trẻ tham gia huấn luyện bảo đảm vượt sông ở Đại đội 10, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 543, Quân khu 2. Ảnh: DANH LONG

Đại tá Đỗ Hà Hoàn, Phó chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Tăng thiết giáp (nguyên Chính ủy Lữ đoàn 201) nhận xét, đội ngũ SQT tốt nghiệp các trường sĩ quan về công tác tại Lữ đoàn 201 nói riêng và các đơn vị thuộc Binh chủng Tăng thiết giáp nói chung cơ bản có chất lượng tốt, biết vận dụng kiến thức được trang bị vào thực tiễn chỉ huy, huấn luyện, giáo dục bộ đội; có tinh thần đoàn kết, kỷ luật nghiêm; có sức khỏe, nhiệt tình, sáng tạo trong công việc. Tuy thời gian đầu còn một số hạn chế do thiếu kinh nghiệm, nhưng chỉ sau một thời gian được sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội, các SQT đã nhanh chóng bắt kịp công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2023, Lữ đoàn 201 có 28 đồng chí được thăng quân hàm trước niên hạn, trong đó phần lớn là SQT.

Trung tá Ngô Tiến Trung, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 (Quân khu 2), cho biết: “Mỗi năm đơn vị tiếp nhận hàng chục SQT tốt nghiệp các trường sĩ quan về nhận nhiệm vụ. Điểm chung của đội ngũ SQT là có kiến thức cơ bản, chịu khó học hỏi, yên tâm công tác. Nhiều SQT đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện; gắn huấn luyện với nhiệm vụ SSCĐ, xây dựng chính quy, duy trì nghiêm kỷ luật... Kết quả rõ nét nhất thể hiện qua kết quả kiểm tra hằng năm. Điển hình như qua kiểm tra kết thúc các nội dung huấn luyện chiến sĩ mới vừa qua, có 100% đạt yêu cầu, trong đó 84,3% đạt khá, giỏi. Đặc biệt, Trung đoàn 148 là đơn vị dẫn đầu Hội thao chiến sĩ mới năm 2023 cấp Quân khu”.

Không riêng Lữ đoàn 201 và Trung đoàn 148, đội ngũ SQT ở Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) cũng đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tại Trung đoàn 95, SQT là cán bộ cấp trung đội hiện chiếm 37,6%; cấp đại đội là 44,3%; cấp tiểu đoàn chiếm 4,7%... Kết quả bình xét, phân loại cán bộ năm 2022 có 88,1% SQT hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Trung đoàn đánh giá, đây là nguồn cán bộ kế cận tiềm năng, bổ sung cho quá trình xây dựng và phát triển của các đơn vị. “Thời gian qua, xuất hiện nhiều tấm gương SQT tiêu biểu, nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua, được khen thưởng, tôn vinh từ cấp cơ sở đến toàn quân. Nhiều đồng chí được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy khi tuổi còn trẻ và đã khẳng định được bản lĩnh, trình độ, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên tin tưởng, đồng đội tin yêu”, Trung tá Hồ Quyết Tiến, Chính ủy Trung đoàn 95 cho biết thêm.

“Từ kết quả khảo sát thực tế cho thấy, đại đa số học viên của trường sau khi tốt nghiệp về các đơn vị công tác đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, an tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ; nêu cao trách nhiệm, gương mẫu trong lời nói và việc làm; vận dụng và phát huy có hiệu quả kiến thức được trang bị vào quá trình quản lý, chỉ huy, huấn luyện bộ đội và tiến hành các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị”.

(Thiếu tướng PHẠM QUỐC TUẤN, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1)

(còn nữa)

TRUNG KIÊN-ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/si-quan-tre-tu-nha-truong-den-don-vi-bai-1-khat-vong-cong-hien-cua-tuoi-tre-733911