Sẽ có 4 trợ lý ảo tiếng Việt, Mỹ tài trợ 3,25 triệu USD thúc đẩy thương mại số

Sẽ có 4 trợ lý ảo tiếng Việt phục vụ người Việt Nam; Mỹ tài trợ 3,25 triệu USD thúc đẩy thương mại số;... là những thông tin công nghệ trong nước nổi bật tuần qua.

Sẽ có 4 trợ lý ảo tiếng Việt phục vụ người Việt Nam

Tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước Quý 3/2023 của Bộ TT&TT, sáng ngày 9/10, ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel Cyberspace cho biết, đơn vị đã phát triển xong phiên bản trợ lý ảo đầu tiên.

Viettel giới thiệu mẫu trợ lý ảo phục vụ cho cán bộ công chức. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trợ lý ảo Viettel có khả năng cung cấp câu trả lời về 20.000 văn bản pháp luật còn hiệu lực. Các văn bản pháp luật đã được cập nhật vào trợ lý ảo bao gồm luật, nghị định, thông tư của các bộ, ban, ngành.

Đánh giá cao những nỗ lực phát triển trợ lý ảo của Viettel nhưng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định rằng việc xây dựng trợ lý ảo cho bộ máy công chức hiện mới ở bước khởi đầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp trong nước đang phát triển 4 trợ lý ảo phục vụ người Việt Nam. Đó là trợ lý ảo lập pháp để phát hiện những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật, trợ lý ảo tòa án để giảm bớt công việc cho các thẩm phán, trợ lý ảo hỗ trợ bộ máy cán bộ công chức và trợ lý ảo hỗ trợ tư pháp cho người dân.

Đây là 4 trợ lý ảo sẽ thay đổi căn bản cách sống và làm việc.

Đưa dữ liệu số thành nguồn lực quan trọng phục vụ chuyển đổi số

Ngày 10/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”, được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.

Khai thác, phát huy giá trị của dữ liệu số trở thành nguồn lực quan trọng cho phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, việc tổ chức chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta, của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước trong chuyển đổi số.

Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, với quan điểm dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, là nền tảng của sự phát triển, cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát huy giá trị của dữ liệu số trở thành nguồn lực quan trọng cho phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Cùng với việc chỉ ra đặc trưng riêng có của tài nguyên dữ liệu là do con người tạo ra và không bị cạn kiệt, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số lưu ý về vai trò quyết định của người nắm giữ nền tảng số, dữ liệu số: “Chuyển đổi số Việt Nam mà không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi chính từ chuyển đổi số Việt Nam lại không phải Việt Nam. Nền tảng số Việt Nam là lời giải chính và đột phá cho chuyển đổi số Việt Nam”.

Công bố bản đồ công nghệ lĩnh vực TT&TT

Tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước Quý 3/2023 của Bộ TT&TT, sáng ngày 9/10, phiên bản đầu tiên của bản đồ công nghệ cho 8 lĩnh vực thông tin và truyền thông (TT&TT) được giới thiệu.

Bản đồ công nghệ lĩnh vực chính phủ số. (Ảnh: mic.gov.vn)

8 bản đồ công nghệ được giới thiệu đầy đủ tại cổng thông tin của Bộ, để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nghiên cứu, áp dụng và phối hợp cùng với các đơn vị của Bộ liên tục hoàn thiện, cập nhật hàng năm.

Mỗi bản đồ gồm một tài liệu mô tả, đánh giá chi tiết từng công nghệ và một trang đồ họa (bản đồ) thể hiện các thông tin ngắn gọn về các công nghệ có tác động đáng kể đến lĩnh vực, với các loại thông tin: Mức độ trưởng thành của công nghệ, mức độ ảnh hưởng của công nghệ, các giai đoạn của sự kỳ vọng của công nghệ theo thời gian.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TT&TT, bản đồ công nghệ nhằm trả lời ba câu hỏi sống còn mà thế giới công nghệ số đặt ra cho mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đó là: các xu hướng lớn nào ảnh hưởng tới ứng dụng công nghệ số trong năm nay; Các công nghệ số nào có tiềm năng cân bằng giữa giá trị và rủi ro; các công nghệ số mới nổi nào nên thận trọng khi triển khai.

Mỹ tài trợ 3,25 triệu USD thúc đẩy thương mại số

Ngày 13/10, tại Hà Nội, phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam và Bộ Công Thương đã khởi động một hoạt động trị giá 3,25 triệu USD do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ nhằm thúc đẩy thương mại số, thông qua ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa USAID và Bộ Công Thương.

Đại diện Bộ Công Thương và USAID ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai "Hoạt động thương mại số Việt Nam". (Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội)

Có tên gọi “Hoạt động thương mại số Việt Nam”, hoạt động hợp tác là một phần trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được công bố trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 9 vừa qua.

Với sự hỗ trợ từ USAID, “Hoạt động thương mại số Việt Nam” sẽ được thực hiện trong 3 năm nhằm hỗ trợ Bộ Công Thương triển khai các khung chính sách tạo thuận lợi cho thương mại số với sự tham gia đóng góp ý kiến từ khu vực tư nhân.

Các quy định đáp ứng đúng nhu cầu của khu vực tư nhân sẽ tháo gỡ những nút thắt trong thương mại và tăng cường sự minh bạch trong chính sách, qua đó giúp hình thành ngành thương mại điện tử nơi các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi.

Công nghiệp game Việt Nam thể đạt 1 tỷ USD

Tại sự kiện Games Industry Showcase, hôm 11/10, đại diện Google Cloud cho hay, việc Bộ TT&TT đưa ra định hướng phát triển ngành công nghiệp game Việt trong 5 năm tới doanh thu tăng từ 600 triệu USD lên 1 tỷ USD là hoàn toàn khả thi.

Theo Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc điều hành Google Cloud phụ trách Việt Nam, có 4 yếu tố để ngành game tại Việt Nam phát triển trong thời gian tới, đó là: Con người, hạ tầng, dân số trẻ và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất game.

Trong 6 tháng đầu năm, các game của Việt Nam đang đứng top 5 về lượt tải trên thế giới, tỉ lệ tăng trưởng của game di động tại Việt Nam cao hơn cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và tăng trưởng vượt các quốc gia đã có ngành này phát triển rất lâu đời.

(Tổng hợp)

Hải Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/se-co-4-tro-ly-ao-tieng-viet-my-tai-tro-3-25-trieu-usd-thuc-day-thuong-mai-so-2202214.html