'Sáp ong - Sắc chàm' hay nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc miền núi gắn với phát triển sinh kế

Tại sự kiện 'Sáp ong - sắc chàm', GĐ Bảo tàng Phụ nữ VN nhấn mạnh: Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những tập tục văn hóa tốt đẹp, từ đó phát triển sinh kế bền vững cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số không phải là trách nhiệm của riêng ai, đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

“Sáp ong - Sắc chàm”: Không chỉ là câu chuyện văn hóa...

Từ nhiều đời nay, người Mông luôn ý thức rất cao trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống, trong đó có kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh. Hoa văn trên vải của dân tộc Mông là những trang ký sử, những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động.

Còn trong số đồng bào dân tộc Dao, duy nhất nhánh Dao Tiền có kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong. Những trang phục truyền thống với các hoa văn như thế đã góp phần tôn vinh giá trị và tạo được dấu ấn riêng của dân tộc Dao Tiền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng trung du miền núi phía Bắc.

Công chúng có thể tận mắt cảm nhận những chi tiết độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số ấy khi hòa mình vào không gian “Sáp ong - Sắc chàm” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, diễn ra từ chiều ngày 10/11 đến hết ngày 11/11.

Với không gian “Sáp ong - Sắc chàm”, những người tổ chức muốn kể câu chuyện bảo tồn và phát huy kỹ thuật vẽ hoa văn sáp ong truyền thống, một tập tục tốt đẹp của phụ nữ dân tộc dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền ở xã Hoài Khao, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và dân tộc Mông (xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình).

Những hình ảnh trưng bày tại không gian “Sáp ong - Sắc chàm” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Nhưng hơn cả một câu chuyện văn hóa, những người tổ chức sự kiện “Sáp ong - Sắc chàm” còn muốn gửi gắm những trăn trở về câu chuyện về bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của phụ nữ dân tộc thiểu số cũng như khẳng định vị trí, đóng góp của người phụ nữ trong cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cho biết sự kiện "Sáp ong - Sắc chàm" là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030", cho thấy quyết tâm và cam kết của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong hành động "không để ai bị bỏ lại phía sau".

"Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những tập tục văn hóa tốt đẹp, từ đó phát triển sinh kế bền vững cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của mỗi chúng ta", Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh.

Cần nhân rộng những mô hình bảo tồn văn hóa gắn với phát triển sinh kế

Nhà du lịch cộng đồng thôn Choản Thèn. Ảnh: Kiều Lê

Nói về bảo tồn văn hóa gắn với “tạo sinh kế”, một nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh: Thông qua việc phát triển sinh kế các giá trị văn hóa của dân tộc được duy trì và phát huy trong điều kiện mới, qua đó sự cố kết cộng đồng, cũng biến đổi để phù hợp với điều kiện mới, hoàn cảnh mới. Chính vì văn hóa có quá trình biến đổi không ngừng nên việc bảo tồn văn hóa cũng đòi hỏi phải luôn luôn vận động và phát triển để phù hợp với quá trình biến đổi của văn hóa. Chính nhờ sự phát triển sinh kế làm cho nhiều giá trị bản sắc dân tộc ta được phát huy, khẳng định, đồng thời qua đó nhiều giá trị mới làm cho bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng hơn.

Và thực tế nhiều năm qua, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển sinh kế đã, đang là hướng đi được nhiều địa phương triển khai thực hiện và được người dân đồng tình hưởng ứng.

Đơn cử như mô hình bảo tồn văn hóa dân tộc Hà Nhì gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Để thực sự phát triển mô hình du lịch cộng đồng, phát huy được bản sắc giá trị văn hóa của dân tộc Hà Nhì, thời gian qua, xã Y Tý đã tổ chức nhiều hoạt động tích cực thúc đẩy các hộ dân nơi đây tham gia, không chỉ làm du lịch mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới. Chính quyền xã đã phối hợp tổ chức bồi dưỡng kỹ năng lễ tân, nấu ăn tại thôn Choản Thèn, trong đó, phối hợp với Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Lào Cai tổ chức xây dựng thương hiệu, quảng bá ẩm thực dân tộc Hà Nhì và ẩm thực vùng cao Y Tý tới đông đảo du khách trong Chương trình “Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai”. Đồng thời, tổ chức lớp đào tạo nghề về kỹ năng du lịch cộng đồng cho 33 học viên tại xã Y Tý.

Bên cạnh đó, từ việc làm tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, xã Y Tý đã phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa lễ hội (lễ hội Gạ Ma Do, lễ hội Khô Già Già) của dân tộc Hà Nhì. Đồng thời, xây dựng tuyến du lịch dã ngoại theo tuyến từ thôn Mò Phú Chải xuống Lao Chải và từ thôn Choản Thèn xuống thác Thiên Sinh; xây dựng sản phẩm trải nghiệm “Chinh phục nóc nhà Y Tý” leo núi Lảo Thẩn; trải nghiệm mùa hoa (hoa đào, hoa sơn tra...) và tìm hiểu bản sắc văn hóa đặc trưng gắn liền với đời sống sinh hoạt thường nhật của dân tộc Hà Nhì.

Cùng với đó, xã Y Tý còn bảo tồn nghề đan lát thủ công truyền thống của dân tộc Hà Nhì bằng cách phát huy những tri thức bản địa từ những người có uy tín, người cao tuổi.

Ông Phu Che Thó, cán bộ văn hóa xã Y Tý, cũng là người Hà Nhì cho biết: Thôn Choản Thèn đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc Hà Nhì. Thời gian qua, xã Y Tý đã tổ chức triển khai thực hiện Dự án xây dựng Tổ du lịch cộng đồng do phụ nữ Hà Nhì làm chủ và Dự án bảo tồn làng văn hóa thôn Choản Thèn. Trong đó, đã xây dựng nhà du lịch cộng đồng, tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng cho Tổ quản lý nhà du lịch cộng đồng; hỗ trợ cải tạo nhà ở cho 34 hộ dân; tổ chức dạy tiếng Việt cho 33 phụ nữ Hà Nhì. Hiện tại, xã Y Tý đang tiếp tục đề xuất triển khai Dự án nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc Hà Nhì...

Hay nỗ lực gìn giữ và phát triển, tạo sinh kế từ nghề dệt thổ cẩm làng Teng (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng là một mô hình điển hình. Năm 2019, khi nghề dệt thổ cẩm làng Teng (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, người làng Teng, đó không chỉ là vinh dự mà còn là cơ hội để nghề dệt truyền thống phục hồi, giúp nâng cao đời sống cho chính họ.

Đầu năm 2021, HTX dịch vụ nông - lâm - du lịch - văn hóa làng Teng đã được thành lập với 19 thành viên. Mục đích là hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thành viên, nhất là các thành viên trong Tổ dệt thổ cẩm làng Teng, phát triển nghề dệt truyền thống, quảng bá sản phẩm thổ cẩm, mở hướng phát triển mạnh du lịch.

Khu Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng Teng trên mặt bằng rộng gần 1,5 ha với nhà văn hóa và 3 nhà sàn truyền thống cũng đã được đưa vào hoạt động. Mục đích làm nơi dạy nghề dệt thổ cẩm, tổ chức hát dân ca, dân nhạc. Thanh niên làng Teng cũng hiện thực hóa mô hình du lịch cộng đồng của mình bằng tên gọi “Du lịch thanh niên” với rất nhiều chương trình, phát huy được hiệu quả của công trình, nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa của đồng bào Hrê đến với người dân, du khách gần xa, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

Nhờ vậy, giờ đây làng văn hóa dân tộc H’rê thôn Làng Teng không chỉ có thổ cẩm, mà còn có rất nhiều hoạt động du lịch cộng đồng, người làng đã phục dựng lại rất nhiều phong tục truyền thống như dạy đánh cồng chiêng, dạy làm các loại bánh và ẩm thực H’rê, rượu cần, dạy dệt vải và rất nhiều hoạt động khác nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.

Những khởi sắc về du lịch cộng đồng, sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn theo chuẩn OCOP chất lượng, chuyên nghiệp, có giá trị gia tăng cao đã giúp nâng cao thu nhập cho đồng bào nơi đây đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống vô giá.

Đúng như nhìn nhận của bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL: Bảo tồn văn hóa dân tộc gắn với sinh kế là một mô hình có giá trị thực tiễn trong đời sống, qua đó giúp người dân bảo tồn văn hóa bền vững trong cộng đồng và trở thành ngành nghề, công việc để đem lại lợi ích về kinh tế cho người dân. Những mô hình này cần được triển khai nhân rộng, để công cuộc bảo tồn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng đạt hiệu quả.

H.N

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sap-ong--sac-cham-hay-no-luc-bao-ton-van-hoa-dan-toc-mien-nui-gan-voi-phat-trien-sinh-ke-post272941.html