Sáng tạo từ thực tiễn sản xuất

Những năm qua, hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước được triển khai rộng khắp đã thu hút sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trải qua 7 lần tổ chức, đã có nhiều sản phẩm, mô hình, giải pháp thiết thực, hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, ứng dụng hiệu quả vào lao động, sản xuất, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.

Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng là một trong những đơn vị tiêu biểu, nhiều năm liên tục có các mô hình, giải pháp đoạt giải cao tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh. Các giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã góp phần nâng cao năng suất lao động và mang lại lợi nhuận cho đơn vị.

Hiệu quả kinh tế từ bảo vệ môi trường

“Giải pháp xử lý nước thải tại các nhà tổ của nông trường” do nhóm tác giả Lê Tiến Vượng, Trương Văn Hội, Lương Hồng Sắc và Nguyễn Quốc Toàn, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng thực hiện, đoạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ VII, năm 2023.

Từ thực tế sản xuất tại đơn vị, nhóm tác giả đã lên ý tưởng “Giải pháp xử lý nước thải tại các nhà tổ của nông trường” sao cho chi phí thực hiện thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn PEFC/VFCS-FM. Giải pháp được nhóm tác giả triển khai thực hiện từ cuối năm 2019 tại 18 nhà tổ thuộc Nông trường cao su Long Hà và Long Bình của công ty. Và đến năm 2023 đã áp dụng thực hiện cho hơn 120 nhà tổ của toàn công ty.

Nước từ mủ tạp trên kệ, nước từ mủ sau đánh đông, nước rửa sàn tiếp nhận, nước tráng thùng còn dính mủ sẽ được dẫn xuống bể gạn và hầm tự hoại

Đại diện nhóm tác giả, anh Nguyễn Quốc Toàn cho biết, giải pháp của nhóm là cải tiến cơ sở vật chất cho nhà tổ như: xây dựng và sửa chữa lại các mương, gờ chắn phân tách 2 nguồn nước thải. Trong đó, nguồn nước thải gây ô nhiễm là nước từ mủ tạp trên kệ, nước từ mủ sau đánh đông, nước rửa sàn tiếp nhận, nước tráng thùng còn dính mủ sẽ được dẫn xuống bể gạn và hầm tự hoại. Nguồn nước không gây ô nhiễm là nước vệ sinh cá nhân, dụng cụ của công nhân chảy trực tiếp ra các mương thoát nước tự thấm quanh nhà tổ hoặc được dẫn ra tưới cây cao su... Tổng chi phí cải tiến và sửa chữa cho mỗi nhà tổ trung bình chỉ 25 triệu đồng, thấp hơn so với phương án do đơn vị tư vấn đưa ra hơn 40 triệu đồng/nhà tổ.

Đối với giải pháp về quản lý, nhóm tác giả cũng đã soạn thảo các hướng dẫn, quy trình sử dụng nước và thao tác giao - nhận mủ của người lao động tại nhà tổ và hướng dẫn, đào tạo người lao động thực hiện các phần việc. Trong đó, tổ chức đào tạo cho các cán bộ quản lý, tổ trưởng và người lao động về những điểm cần lưu ý khi sử dụng nước và tuân thủ đúng “quy trình xử lý nước thải tại nhà tổ”; yêu cầu toàn thể cán bộ, công nhân viên của nông trường thực hiện và duy trì việc quy định lại cách sử dụng nước cho công nhân tại các nhà tổ nhằm sử dụng nước hợp lý và đúng định mức công ty đề ra; quy định lại nơi vệ sinh cho công nhân để tránh nguồn nước không ô nhiễm chảy vào nguồn nước ô nhiễm gây quá tải cho bể gạn mủ và bể tự hoại.

Tách nguồn nước, mủ bẩn cao su đưa vào hầm bể serum để chế biến tiếp còn nguồn nước sạch sẽ thải trực tiếp ra môi trường. Theo đó, mủ tạp trên kệ, mủ tráng thùng được đưa vào hầm bể serum

Áp dụng sáng kiến từ năm 2020, Nông trường Phú Riềng Đỏ tiết kiệm được 20kg serum/ngày và thu đạt từ 600-800kg serum/tháng. Nông trường có 8 nhà tổ, năm 2023, bình quân 1 nhà tổ xử lý 3 tấn mủ nước và 800kg mủ tạp/ngày. Trước đây, 1 công nhân thực hiện tráng thùng tốn từ 10-15 lít nước nhưng khi áp dụng sáng kiến nêu trên thì chỉ tốn từ 3-5 lít nước khi tráng dụng cụ hằng ngày.

Sáng kiến “Xử lý nước thải tại các nhà tổ của nông trường” đã mang lại những lợi ích thiết thực, hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Sáng kiến còn giúp công nhân, người lao động được làm việc trong môi trường sạch sẽ, từ đó giúp họ thêm yêu công việc và gắn bó với công ty hơn.

Ông ĐẶNG VĂN THANH, Phó trưởng Phòng Thi đua - Tuyên truyền - Văn thể, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng

Tăng tự động hóa, giảm sức lao động

Sáng kiến “Máy tự động nâng, đổ axit tại dây chuyền chế biến mủ nước” đang áp dụng rất hiệu quả tại Nhà máy Chế biến trung tâm của Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng. Đây là sáng kiến của nhóm tác giả Phùng Quang Phú, Đào Quang Đán, Phạm Thị Thanh Huyền, Trịnh Văn Cầu và Nguyễn Đức Bé thuộc Nhà máy Chế biến trung tâm.

Anh Nguyễn Đức Bé (ngoài cùng bên phải) bấm nút điều khiển để máy nâng can axit lên đổ vào bồn chứa

Với ý tưởng thiết kế một máy tự động để nâng các can axit lên, tự đổ vào bồn chứa để pha chế dung dịch nhằm tránh nguy cơ gây tai nạn lao động và tránh tiếp xúc trực tiếp với axit trong quá trình làm việc, nhóm tác giả đã nghiên cứu, thiết kế máy nâng có kết cấu gọn, nhẹ, hiện đại, an toàn, dễ thao tác. Máy được thiết kế gồm: Mô-tơ gắn liền với hộp giảm tốc; bánh răng và xích chuyền động; công tắc hành trình 2 đầu; tủ điện điều khiển; khung máy và khung đặt can axit.

Từ khi áp dụng máy nâng đổ axit tự động, công nhân không còn phải tiếp xúc trực tiếp với axit, góp phần đảm bảo an toàn lao động

Đại diện nhóm tác giả, anh Nguyễn Đức Bé cho biết, công nhân chỉ cần bỏ can axit lên máy rồi móc khóa giữ can cố định, mở nắp can và bấm nút có mũi tên đi lên tại tủ điện điều khiển thì máy sẽ tự động nâng can axit lên trên, khi đến miệng của bồn sẽ gặp thanh trượt có tác dụng tự động gạt khung đựng can nghiêng đổ axit vào bồn chứa và gạt vào công tắc hành trình phía trên sẽ làm tự động dừng máy. Sau khi lượng axit trong can chảy hết vào bồn, chỉ cần bấm nút có mũi tên đi xuống tại tủ điện điều khiển, máy sẽ tự động hạ can axit xuống, khi xuống dưới đất khung đỡ sẽ gạt vào công tắc hành trình phía dưới làm tự động dừng máy.

Sáng kiến “Máy tự động nâng, đổ axit tại dây chuyền chế biến mủ nước” được áp dụng tại Nhà máy Chế biến trung tâm từ tháng 4-2023 đã mang lại những hiệu quả thiết thực và được công nhận sáng kiến cấp cơ sở năm 2023.

Với sáng kiến “Máy tự động nâng, đổ axit tại dây chuyền chế biến mủ nước” đã giúp công nhân giảm sức lao động; tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại, nguy hiểm và giảm nguy cơ tai nạn lao động… Đồng thời góp phần tăng tính tự động hóa trên dây chuyền sản xuất, bảo đảm tính chính xác trong quá trình xử lý mủ nguyên liệu. Sắp tới, nhà máy sẽ gắn thêm hệ thống điều chỉnh thời gian tự động. Công nhân chỉ cần bấm nút điều khiển lên và khi máy thao tác đổ hết axit vào bồn chứa thì sẽ tự động đi xuống nhằm giảm bớt thao tác, tăng tính tự động hóa.

Ông NGUYỄN VĂN KHOA, Phó Giám đốc Nhà máy Chế biến trung tâm, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng

Phong trào thi đua lao động sáng tạo, viết sáng kiến, giải pháp thời gian qua đã được cấp ủy, lãnh đạo Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng quan tâm triển khai. Các phong trào thi đua đã thu hút đông cán bộ, công nhân viên nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng sản xuất, kinh doanh tại công ty, đơn vị và tham mưu, đề xuất những giải pháp hữu ích, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho đơn vị.

Ngọc Quế

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/157119/sang-tao-tu-thuc-tien-san-xuat