Nhà mạng trong cuộc đua chuyển đổi sang công ty công nghệ

Chi phí triển khai 5G và mạng cáp quang đắt đỏ, kết hợp với doanh thu viễn thông truyền thống tăng trưởng chậm buộc các nhà mạng phải tự đổi mới.

Cuối tháng 4, hãng nghiên cứu Omdia công bố nghiên cứu liên quan đến thực trạng chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty công nghệ của 12 nhà mạng toàn cầu. Chi phí triển khai 5G và mạng cáp quang đắt đỏ, kết hợp với doanh thu viễn thông truyền thống tăng trưởng chậm buộc các nhà mạng (telco) phải tự đổi mới, chuyển hướng sang các công ty công nghệ (techco), cung cấp dịch vụ công nghệ, chủ yếu cho khách hàng doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Omdia, China Mobile (Trung Quốc) dẫn đầu cuộc chuyển đổi từ telco sang techco với điểm số 31/40, dựa trên quy mô nền tảng băng rộng tốc độ cao, năng lực AI, big data, bảo mật và danh mục dịch vụ kỹ thuật số cho doanh nghiệp, giải pháp thị trường. Doanh thu chuyển đổi số đến từ các dịch vụ kỹ thuật số mới chiếm 29,4% tổng doanh thu của China Mobile năm 2023, tăng 22,2% so với năm 2022.

NTT (Nhật Bản) xếp thứ hai nhờ thế mạnh trong dịch vụ phần mềm và thị trường doanh nghiệp, còn SK Telecom (Hàn Quốc) đứng thứ ba. Gần đây, SK Telecom công bố chiến lược mới để trở thành một công ty AI toàn cầu. Các dịch vụ AI của nhà mạng này bao gồm trợ lý kỹ thuật số AI.

Các nhà mạng tự làm mới mình và chuyển đổi sang cung cấp dịch vụ công nghệ dựa trên mạng lưới. Ảnh: ET Telecom

Các nhà mạng tự làm mới mình và chuyển đổi sang cung cấp dịch vụ công nghệ dựa trên mạng lưới. Ảnh: ET Telecom

Telefónica (Tây Ban Nha) xếp hạng bốn, phản ánh công cuộc chuyển đổi sang nhà cung cấp dịch vụ bảo mật và dịch vụ kỹ thuật số khác thông qua bộ phận chuyên biệt Telefónica Tech. e& (UAE), AT&T (Mỹ) và Vodafone (Anh) đồng hạng 5. AT&T cho biết nhờ sớm ứng dụng AI, hãng tiết kiệm được 6 tỷ USD chi phí vận hành. Trong khi đó, e& áp dụng chiến lược mới từ năm 2022 để trở thành một công ty đầu tư và công nghệ, thâu tóm hoặc phát triển các sản phẩm, năng lực trong nhiều lĩnh vực công nghệ, dịch vụ kỹ thuật số. Vodafone tăng cường tập trung vào thị trường doanh nghiệp và đặt mục tiêu mở rộng hoạt động IoT để tách làm bộ phận độc lập.

Chuyển đổi là điều tất yếu

Các mô hình kinh doanh trước đây không còn khả thi về tài chính. Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), số lượng thuê bao di động tính đến năm 2023 là 8,9 tỷ, vượt quá dân số thế giới. Tỉ lệ sử dụng điện thoại cố định giảm gần 50%, còn 11 thuê bao/100 dân.

Đứng trước tình hình tăng trưởng thuê bao hạn chế, cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu thị trường mới phát sinh, nhà mạng buộc phải đa dạng hóa các dòng sản phẩm, giới thiệu luồng thu mới và tập trung hơn vào phục vụ doanh nghiệp, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ. Với các công nghệ mới như 5G, diện toán biên, network slice, nhà mạng có cơ hội để kiếm tiền từ mạng lưới của mình theo các cách sáng tạo hơn và tham gia sâu hơn vào B2B cũng như các ngành dọc.

Khi cung cấp giá trị ở tầng sâu hơn đến khách hàng, về cơ bản, nhà mạng đang chuyển đổi thành công ty công nghệ. Theo Ari Banerjee, Phó Chủ tịch chiến lược nhà Netcracker Technology, chuyển đổi số là nền tảng mà nhà mạng cần để chuyển thành công ty công nghệ. Để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến mới, nhà mạng cần làm cho mạng lưới của mình sẵn sàng trong tương lai, chuyển dịch sang các mảng kinh doanh dựa trên dữ liệu và đám mây, chuyển các hệ thống CNTT cũ sang hệ thống CNTT dạng mô-đun, mở trên đám mây, số hóa dịch vụ khách hàng và B2B, cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa ổn định, xuyên suốt thông qua đa kênh.

Điều này cũng đồng nghĩa nhà mạng cần tăng cường hợp tác hơn, đối lập với truyền thống hiện tại là tự xử lý hoặc chỉ giới hạn trong số ít đối tác. Việc chuyển đổi cũng đòi hỏi sự thay đổi trong văn hóa và cấu trúc doanh nghiệp. Nhà mạng cần phát triển và đào tạo kỹ năng trong các công nghệ mới như AI, đám mây, phát triển phần mềm cho nhân sự.

Dù gặp nhiều trở ngại trên con đường từ telco sang techco, nó sẽ định vị nhà mạng để thành công trong tương lai kỹ thuật số và hơn nữa.

(Theo Lightreading, Telecoms)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-mang-trong-cuoc-dua-chuyen-doi-sang-cong-ty-cong-nghe-2281391.html