Sản xuất nông nghiệp thông minh, linh hoạt để thích ứng biến đổi khí hậu

Trước tác động của việc biến đổi khí hậu, ngành sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Phát triển nông nghiệp thông minh, linh hoạt là một trong những biện pháp nhằm thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu dị thường như hiện nay.

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, việc sản xuất nông nghiệp của bà con ở nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài; lũ lụt, cây trồng không có nước tưới tiêu, dịch bệnh làm mất mùa màng,.... Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của người dân.

Phát triển nông nghiệp thông minh, linh hoạt

Đối mặt với tình trạng này, nông nghiệp thông minh là một trong những cách để thích ứng với sự thay đổi của khí hậu, thông qua áp dụng các biện pháp kỹ thuật có tính đến sự phù hợp đặc điểm tự nhiên, điều kiện sinh thái cây trồng. Nhiều tỉnh thành đã áp dụng mô hình canh tác thông minh, linh hoạt nhằm thích ứng với việc biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng trong những năm gần đây vừa đem lại kinh tế cho bà con, vừa đạt hiệu quả về mặt môi trường.

Một trong những địa phương đi đầu trong việc áp dụng nông nghiệp thông minh, thích ứng với việc khí hậu ngày càng biến đổi dị thường là tỉnh Sơn La.

Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay, toàn tỉnh hiện có trên 1 triệu ha đất nông nghiệp. Việc canh tác của bà con phụ thuộc vào nhiều điều kiện tự nhiên, nên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trước tình hình trên, ngành đã nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, từ làm theo kinh nghiệm, thuận tự nhiên sang áp dụng khoa học kỹ thuật. Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp để thích ứng với những thay đổi về khí hậu, ứng phó với thiên tai ngày một gia tăng và khó lường. Chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất mùa vụ trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Bà con học hỏi mô hình canh tác khoai sọ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Báo Sơn La.

Đối với vụ xuân hè, ngành Nông nghiệp đã đề nghị các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn; ưu tiên thu hoạch trước diện tích lúa vùng có nguy cơ bị ngập úng, xảy ra lũ quét, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với vụ mùa, tăng cường cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch đến đâu làm đất đến đó, kết hợp sử dụng các chế phẩm phân hủy rơm rạ để tránh gây hiện tượng ngộ độc trong đất, ảnh hưởng đến lúa cấy vụ mùa. Triển khai gieo cấy lúa vụ mùa đúng lịch và khung thời vụ; sử dụng cơ cấu giống lúa ngắn ngày, chất lượng và một số giống lúa kháng bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.

Từ năm 2021 tới nay, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) triển khai dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc”, bằng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Dự án đã tổ chức 67 lớp tập huấn hiện trường cho trên 2.000 lượt người dân và xây dựng 51 mô hình về canh tác lúa, cà phê, khoai sọ tại 4 xã Nậm Lầu, Chiềng Pha, Muổi Nọi, Bon Phặng của huyện Thuận Châu.

Dự án đã giúp các hộ thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, trong canh tác lúa giảm được 60-80% lượng giống; giảm 10-20% phân bón hóa học; giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với canh tác truyền thống. Biết cách bón phân vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và tác dụng của từng loại phân bón đối với cây trồng; nông dân nhận biết các loại sinh vật hại lúa, cà phê, khoai sọ và cách phòng trừ; chủ động canh tác, thích ứng với các biến đổi khí hậu, như hạn hán, mưa lũ. Tận dụng nguồn rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp vào sản xuất, giảm bớt khí phát thải vào môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao thu nhập.

Đắk Lắk là một trong những tỉnh bị tác động rất lớn do biến đổi khí hậu, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Theo số liệu từ ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 13 đợt thiên tai (gồm 7 trận lốc tố, 2 đợt hạn hán, 4 đợt mưa lũ) làm khoảng 25.890 ha cây trồng các loại bị thiệt hại; trên 3.300 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi... Ước tính tổng thiệt hại khoảng 211 tỷ đồng.

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk áp dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh (các giống lúa lai, các giống cà phê lai tạo…); phát triển hệ thống nông lâm kết hợp; áp dụng trồng xen canh trong sản xuất cà phê... cũng giúp điều hòa nhiệt hoặc trồng cây che phủ đất để giữ ẩm cho đất.

Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đang phối hợp cùng chính quyền địa phương nhân rộng các mô hình đa dạng hóa cây lâu năm trong các vườn cà phê. Đây được xem là giải pháp không những góp phần duy trì, phát triển hệ thống nông nghiệp bền vững mà còn tăng hàm lượng hữu cơ trong đất, tăng hiệu quả kinh tế cho các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên.

Ao chống chịu biến đổi khí hậu ở Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN.

Cuối tháng 10/2013, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Ban Quản lý Trung ương các Dự án thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức bàn giao ao chống chịu biến đổi khí hậu cho người dân thôn Thanh Bình, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Trước đó, ngày 6/3/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk phối hợp với Tổ chức Netherlands Development Organization (SNV) tổ chức Hội nghị triển khai Dự án canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Mục tiêu của dự án là cải thiện thu nhập của 8.000 hộ trồng cà phê nhỏ, vùng khó khăn và dễ bị tổn thương thông qua tập huấn, đào tạo và hỗ trợ khuyến nông lấy nông dân làm trung tâm về các biện pháp canh tác cà phê bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án dự kiến được triển khai từ 2024 đến 2028 trên địa bàn toàn tỉnh (trừ xã Ea Đar, huyện Ea Kar và các khu vực cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh).

Tại tỉnh Kon Tum, từ nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng chủ động, ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Trước tình hình thời tiết diễn biến dị thường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo việc phát triển nông nghiệp theo hướng chủ động, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để thích ứng tốt nhất và chịu đựng được với những tác động tiêu cực thời tiết.

Với sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp, các địa phương đã tích cực tuyên truyền vận động và hỗ trợ người dân đẩy mạnh chuyển đổi mùa vụ, cây trồng, ưu tiên đưa các loại giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh vào canh tác. Trong đó, tập trung chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa thiếu nước, kém hiệu quả và đất trồng mì bạc màu, năng suất thấp, bị nhiễm bệnh, diện tích cao su hết chu kỳ kinh doanh sang trồng các loại cây trồng có giá trị như cây ăn quả, mắc ca, mía.

Trong nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ sử dụng công nghệ giống mới, chế phẩm sinh học, máy quạt nước, máy sủi để làm tăng hàm lượng oxy trong nước, giúp chống chịu với thời tiết bất thuận.

Chủ động các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Tại Cần Thơ, ngày 5/4 vừa quam, Thường trực Thành ủy tỉnh đã tổ chức cuộc họp giữa Ban Thường vụ Thành ủy với Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, đại diện sở, ban, ngành để nghe báo cáo, góp ý xây dựng Dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị thành phố.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, đơn vị được Ban Cán sự Đảng UBND thành phố giao nhiệm vụ xây dựng dự án, Dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của thành phố Cần Thơ có diện tích chống ngập vùng nội ô thành phố khoảng 2.770 ha nằm trên địa bàn hai quận Bình Thủy và Ninh Kiều.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng bất thường, từ đầu tháng 4 đến nay, lượng tích trữ nước tại các lòng hồ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đều ở mức thấp.

Để điều tiết nước sản xuất nông nghiệp, các sở ban ngành phối hợp với đơn vị cung cấp lên kế hoạch điều tiết nước phù hợp; tổ chức ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy; gia cố kênh mương bị xuống cấp và đề xuất sửa chữa kịp thời những tuyến kênh mương rò rỉ. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần chủ động, ứng phó với thời tiết cực đoan để bảo vệ cây trồng; khuyến cáo người dân tích cực thăm đồng, tuân thủ lịch xả nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Bên cạnh đó, còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang trồng cây phù hợp. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024.

Mô hình lúa-tôm ở huyện An Minh, Kiên Giang nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: TTXVN.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu như: mô hình lúa-tôm ở vùng U Minh Thượng; mô hình trồng xen canh khóm, cau, dừa ở huyện Châu Thành; mô hình trồng chuối xiêm và các loại củ, quả ở vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng gồm: khoai mỡ Mộng Linh, khoa từ, gừng... đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nông dân (lợi nhuận từ 60-200 triệu đồng/ha, tùy theo mô hình). Đặc biệt, các mô hình này không bị ảnh hưởng, thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn trong những năm gần đây.

Hà My

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/san-xuat-nong-nghiep-thong-minh-linh-hoat-de-thich-ung-bien-doi-khi-hau-87680.html