Thời tiết cực đoan đang tàn phá thế giới

Lũ lụt và sóng nhiệt khắp châu Phi, lũ lụt ở miền nam Brazil, hạn hán ở Amazon và nắng nóng khắc nghiệt trên khắp châu Á, là những nội dung tin tức chứa rất nhiều câu chuyện về thảm họa thời tiết đáng báo động trong năm nay.

 Toàn cầu đang bị đe dọa bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Toàn cầu đang bị đe dọa bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), cho đến nay, năm 2024 là năm đặc biệt tồi tệ của thời tiết, với hạn hán, nắng nóng cực độ và lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe và sinh kế.

Chuyên gia khí hậu của WMO Alvaro Silva chia sẻ với phóng viên báo DW: “Hầu hết mọi khu vực trên thế giới đều đang chứng kiến và trải qua thời tiết khắc nghiệt, cùng với đó là nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan với tính chất khác nhau”.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là rõ ràng khi xem xét đến các xu hướng thời tiết dài hạn. Tuy nhiên, việc xác định vai trò của nó trong các hiện tượng thời tiết nhất định chỉ vừa mới được thực hiện gần đây.

Vào tháng 4 và kéo dài đến tháng 5, Ấn Độ cùng nhiều nơi khác ở châu Á đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng oi bức.

Nhiều khu vực ở Ấn Độ đã hứng chịu nền nhiệt đến 47 độ C. Đợt nắng nóng thậm chí còn đặt ra câu hỏi về lượng cử tri tham gia bầu cử lớn nhất thế giới, khi Ấn Độ tổ chức bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc gia kéo dài nhiều ngày.

Một số chính trị gia, quan chức bầu cử và người quản lý chiến dịch được ghi nhận là đã ngã bệnh trước nắng nóng.

Leena Rikkila Tamang, Giám đốc châu Á của IDEA, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Thụy Điển chia sẻ: “Hơn 900 tỷ cử tri Ấn Độ cần phải ra ngoài trời và xếp hàng… hàng giờ liền dưới nắng nóng. Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm rõ rệt so với đợt bầu cử vào năm 2019”.

Do biến đổi khí hậu, nắng nóng ở Ấn Độ có khả năng xảy ra cao gấp 45 lần và tình trạng nắng nóng cũng ghi nhận mức nhiệt cao hơn 0,85 độ C so với dự báo, The World Weather Attribution (WWA) cho biết.

Chuyên gia Friederice Otto: “Hoàn toàn không còn nghi ngờ gì nữa, chừng nào chúng ta tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, từ đó làm tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển, thì những đợt nắng nóng này sẽ trở nên thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn”.

Thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra phụ thuộc vào mức độ dễ bị tổn thương của người dân. Ngay cả sự gia tăng nhiệt ở mức độ nhỏ cũng có thể gây nên tác hại lớn. Ở các quốc gia như Ấn Độ và các khu vực khác ở Nam Á, nơi có rất nhiều người làm việc ngoài trời, người lao động ở đây dễ bị tiếp xúc và dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi nhỏ của nhiệt độ cao.

Cũng liên quan đến vấn đề này, một số nhà khoa học đã chỉ ra và sử dụng những tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra do El Nino, để giải thích cho hiện tượng lũ lụt. Một nghiên cứu do nhóm các chuyên gia Pháp thực hiện đã công bố kết quả cho thấy lượng mưa lớn dẫn đến lũ lụt chủ yếu có thể là do biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Giới chuyên gia nhận định, lịch sử tràn ngập những ví dụ về thời tiết khắc nghiệt, ngay cả trước khi bánh răng của Cách mạng Công nghiệp bắt đầu quay và con người bắt đầu đốt cháy nhiên liệu hóa thạch gây ra biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cho biết, những hiện tượng như vậy là hiện tượng tự nhiên, song biến đổi khí hậu rõ ràng đã khiến chúng có nhiều khả năng xảy ra hơn và có sức tàn phá cao hơn.

Trước những năm 1990, mỗi năm, có khoảng 70 - 150 mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết và nước đã được báo cáo. Kể từ năm 2000, mỗi năm con số này tăng lên đến 300 sự kiện cực đoan được ghi nhận. Alvaro Silva cho biết: “Ngay cả khi những báo cáo trong quá khứ bị thiếu hụt thì sự khác biệt là không thể tranh cãi được”.

LÊ THẢO (Lược dịch từ DW)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/thoi-tiet-cuc-doan-dang-tan-pha-the-gioi-141039.html