Sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường

Lâu nay, chất thải trong nông nghiệp cũng như phế phụ phẩm sau thu hoạch chưa được quan tâm xử lý, tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, có một số đơn vị, doanh nghiệp (DN) điển hình kiên trì thực hiện phương châm 'sản xuất nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường' để phát triển bền vững.

Công ty TNHH Chăn nuôi H&Q Việt Nam nuôi lợn quy mô lớn tại xã Tam Tiến (Yên Thế). Khu vực chăn nuôi xa khu dân cư, đến trang trại không có mùi chất thải như chăn nuôi thông thường dù nuôi tới 2,4 nghìn lợn nái. Điểm khác biệt của DN này là liên kết chăn nuôi gia công với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nên từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đến tiêu thụ… đều được phía đối tác bảo đảm, giá cả ổn định.

Đặc biệt, quy trình chăn nuôi được vận hành bằng hệ thống máy móc tự động; hệ thống xử lý chất thải tuần hoàn khép kín, bể biogas có sức chứa 6 nghìn m3 nên xử lý gần như triệt để chất thải chăn nuôi. Một phần khí biogas còn phục vụ phát điện. Nước sau khi qua bể xử lý được dùng tưới cây, chất thải qua hệ thống bóc tách được ủ, bán cho nhà vườn, cơ sở trồng trọt.

Theo đại diện DN này, muốn sản xuất lâu dài thì cần bảo vệ môi trường. DN không thể chỉ biết đến lợi ích của mình mà không quan tâm đến cộng đồng. Với phương châm ấy, DN đã xây dựng nhiều trang trại nuôi lợn quy mô lớn trong tỉnh, bảo đảm các điều kiện theo quy định.

Ông Hoàng Đình Quê, thôn Quỳnh, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) sở hữu trang trại quy mô chăn nuôi hơn 3 nghìn con lợn/năm, lượng chất thải lên tới hàng trăm tấn, nếu không xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ông Quê đã nuôi giun trùn quế để tận dụng nguồn chất thải và cải thiện môi trường, lại có thêm thu nhập. Nguồn thức ăn của giun là toàn bộ chất thải từ lợn. Giun thương phẩm được bán cho các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy sản.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, những mô hình chăn nuôi như trên đã áp dụng hướng đi của kinh tế tuần hoàn, xu thế tất yếu thời gian tới. Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu kỳ khép kín thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Các chất thải, phụ phẩm được tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp đa mục tiêu, đa giá trị.

Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, ngành nông nghiệp xác định cần chú trọng mô hình kinh tế tuần hoàn trên cơ sở xây dựng các mô hình điểm; có cơ chế hỗ trợ từng bước nhân rộng, hướng đến sản xuất xanh, nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Cùng đó, DN, người sản xuất phải thay đổi nhận thức, chung tay vì lợi ích chung, đó là sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường.

Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/415539/san-xuat-di-doi-voi-bao-ve-moi-truong.html