Đại gia nông nghiệp bán chuối, dừa,… cho người Nhật, Hàn kiếm tiền tỉ

Nỗ lực đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng, nhiều đại gia nông nghiệp Việt đang thắng lớn trên thương trường.

Xây dựng thương hiệu nông sản Việt luôn là một hành trình dài đầy khó khăn nhưng đổi lại hiệu quả kinh doanh sẽ bền vững.

Nỗ lực tìm đối tác mới

Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, dù có thêm nhiều mảng kinh doanh nông nghiệp mới, nhưng chuối vẫn là mảng kinh doanh chủ lực.

Sức hấp dẫn của mảng chuối nằm ở việc thương hiệu chuối HAGL bắt đầu ghi dấu ấn lớn trên thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ chuối chính của công ty. Hiện, mỗi ngày, công ty đang xuất 20-25 container chuối sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên góc nhìn của ông Đức chưa dừng tại đây. Hàn Quốc và Nhật mới là các thị trường tiêu thụ chuối đầy hấp lực. Bởi vì hai thị trường này một khi đã ký hợp đồng là chốt giá cả năm, trong khi thị trường Trung Quốc chốt giá theo tuần.

“Hiện HAGL đang xuất khẩu chuối sang Nhật và Hàn hàng chục container/tuần. Tuy nhiên để có thể đưa hàng qua đây là rất gian nan và mất thời gian 5 năm để thử nghiệm làm theo các tiêu chuẩn Global Gap mà các nước này đưa ra.

Trước đó, chúng tôi chỉ làm 2 container chuối/tuần theo tiêu chuẩn họ đưa ra gặp rất nhiều khó khăn, có lúc không làm nổi. Tuy nhiên sau đó áp dụng các quy trình sản xuất tối ưu tốt đã giúp đáp ứng điều kiện xuất khẩu để nâng dần số lượng xuất khẩu", ông Đức cho biết.

 Xuất khẩu chuối sang Hàn Quốc và Nhật có giá rất ổn định. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Xuất khẩu chuối sang Hàn Quốc và Nhật có giá rất ổn định. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Là một công ty có quy mô trồng sầu riêng lớn nên ông Đức cũng đang tự tin thắng lớn ở mảng kinh doanh này nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Giá thành trồng sầu riêng bình quân của người nông dân đạt mức 20.000 đồng/kg, còn với HAGL trồng ở quy mô lớn, giá thành chỉ vào khoảng 15.000 đồng/kg. Do đó, bán với mức giá sầu riêng nào hiện nay, công ty đều lãi lớn. Đặc biệt HAGL có sầu riêng trồng nghịch vụ xuất khẩu sang Trung Quốc có giá bán rất cao và tiêu thụ hết hàng" - ông Đức cho biết.

 Hoàng Anh Gia Lai đã trồng được sầu riêng nghịch vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hoàng Anh Gia Lai đã trồng được sầu riêng nghịch vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Một ông lớn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu nha đam, thạch dừa là G.C Food đang có một tệp khách hàng nước ngoài rất lớn gồm Nhật, Hàn Quốc, châu Âu…. Các đối tác nước ngoài đã giúp công ty phát triển tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.

Chiến lược của G.C Food là biến những sản phẩm nha đam, thạch dừa thành hàng nông nghiệp chất lượng cao với quy trình, sản xuất được quản lý chặt chẽ và nghiêm ngặt, đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng mà các thị trường xuất khẩu khó tính đặt ra.

Ông Nguyễn Diệp Pháp, Phó Tổng giám đốc GC Food cho biết, năm 2024, tình hình kinh tế vẫn còn gặp khó khăn và thách thức, đặc biệt là thị trường quốc tế. Nhận diện điều này, công ty sẽ tập trung vào xuất khẩu vào các thị trường có nhu cầu tiêu thụ nha đam và thạch dừa lớn và có dân số trẻ như Trung Quốc Quốc, Ấn Độ. Bên cạnh đó, tập trung vào thị trường có giấy chứng nhận Halal, đạt tiêu chuẩn thực phẩm hồi giáo như Indonesia, Malaysia.

 Nha đam Việt Nam đang xuất khẩu mạnh sang nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc, châu Âu... Ảnh: PHƯƠNG MINH

Nha đam Việt Nam đang xuất khẩu mạnh sang nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc, châu Âu... Ảnh: PHƯƠNG MINH

"Năm 2024, công ty sẽ đặt mục tiêu lãi ròng là 52,3 tỉ đồng, cao gấp đôi so với năm 2023. Nền tảng cho điều này, GC Food tái định vị là công ty nông nghiệp công nghệ cao, và mạnh mẽ chuyển đổi số, mở rộng quy mô các nhà máy sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Từ đây đến năm 2028, công ty sẽ mở rộng vùng trồng nguyên liệu lên 500 héc ta nhằm đáp ứng các thị trường có sức tiêu dùng lớn” – ông Pháp nói.

Niềm vui không chia đều

Mặc dù xây dựng mô hình chuẩn nhưng không phải đại gia nông nghiệp nào cũng thắng lớn trên thị trường nông sản. Tính biến đổi nhanh của giá cả hàng hóa dễ dàng đẩy doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn.

Trong quý I-2024, Tập đoàn Lộc Trời đã bị lỗ hơn 95 tỉ đồng, thậm chí còn vướng vụ thông tin lùm xùm nợ tiền lúa nông dân.

Từng đạt kết quả kinh doanh tốt trong năm 2023 nhờ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh. Bước sang năm 2024, Lộc Trời vẫn giữ vững cam kết mua lúa với giá thị trường cho bà con nông dân trong vùng liên kết sản xuất, giữ đúng hẹn giao hàng cho đối tác xuất khẩu. Đây là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận suy giảm.

 Lĩnh vực kinh doanh thịt heo đang được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Lĩnh vực kinh doanh thịt heo đang được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Nguyên nhân là do Lộc Trời duy trì nguồn nợ ngắn hạn lớn để tài trợ cho các hoạt động thu mua lúa gạo của nông dân ở các vùng liên kết. Do đó, Lộc Trời chịu ảnh hưởng đáng kể khi chi phí tài chính tăng cao, nhất là chi phí lãi vay tăng mạnh.

Tuy vậy, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho biết sẽ nỗ lực và quyết tâm chinh phục mục tiêu doanh thu 1 tỉ đô la Mỹ.

Công ty sẽ chú trọng cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh với việc rút ngắn chu kỳ thu tiền từ khách hàng, giúp thanh toán tiền mua lúa gạo của nông dân và thanh toán công nợ. Đồng thời, sẽ cân đối cán cân tài chính vốn để đảm bảo hài hòa cơ cấu vốn, tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu.

Về hoạt động đầu tư và phát triển, Lộc Trời đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy gạo công suất 10.000 tấn/ngày tại Long An. Dự án này đã có giấy phép đầu tư, mặt bằng sạch. Khi nhà máy đi vào hoạt động, tập đoàn phấn đấu nâng mục tiêu tổng công suất sản xuất gạo thành phẩm lên 15.000 tấn/ngày vào năm 2028.

 Lộc Trời đặt mục tiêu hướng đến doanh thu 1 tỉ đô la Mỹ với sản phẩm nông nghiệp. Ảnh" PHƯƠNG MINH

Lộc Trời đặt mục tiêu hướng đến doanh thu 1 tỉ đô la Mỹ với sản phẩm nông nghiệp. Ảnh" PHƯƠNG MINH

Cùng cú đảo chiều như Lộc Trời nhưng ông lớn trong lĩnh vực nuôi heo là Dabaco đang có những cú tăng trưởng tốt sau giai đoạn của năm 2023 kinh doanh không được tốt.

Theo đó, quý I-2024, Dabaco đã có lợi nhuận sau thuế là 73 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ đến 320 tỉ đồng. Nếu như năm 2023, các công ty nuôi heo trong đó có Dabaco gặp nhiều vấn đề về dịch bệnh, nhu cầu giảm dẫn đến sức ảnh hưởng tiêu thụ sản phẩm, qua đó tác động đến kết quả kinh doanh.

Bước sang năm 2024, giá heo hơi tăng trở lại đã giúp kết quả kinh doanh khởi sắc hơn. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Dabaco cũng đánh giá, câu chuyện kinh doanh trong lĩnh vực heo vẫn sẽ chưa hoàn toàn tốt trong tương lai.

Nguyên nhân, trên thị trường giá một số sản phẩm thịt heo đông lạnh có giá rẻ hơn thịt heo sản xuất trong nước. Mặc dù người Việt vẫn thích tiêu thụ thịt heo tươi, nóng nhưng xu hướng này đang giảm dần sẽ tác động lên mặt bằng giá thịt heo.

Cơ hội với những ý tưởng mới và cũ

Ông Đức đang rất lạc quan với chăn nuôi heo vì công ty HAGL bắt đầu có triển vọng hấp dẫn với heo ăn chuối khi đang lãi 30% trên mỗi kg heo hơi bán ra thị trường, vì giá heo hơi đã lên 62.000-63.000 đồng/kg.

"Chúng tôi hơi tiếc không dám tăng đàn heo trong năm 2023 vì thời điểm đó đánh giá thị trường heo vẫn khá rủi ro. Nếu chúng tôi liều hơn một chút thì lợi nhuận của công ty đã tăng mạnh mẽ. Nhưng đến cuối năm 2024, lĩnh vực chăn nuôi heo sẽ tăng lợi nhuận lớn vì công ty đang triển khai tăng đàn dựa trên nền tảng cơ sở vật chất sẵn có" – ông Đức cho biết.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-gia-nong-nghiep-ban-chuoi-dua-cho-nguoi-nhat-han-kiem-tien-ti-post790687.html