Sản phẩm du lịch đặc trưng TP.HCM trong cẩm nang mới

Tính đến tháng 10, TP.HCM đã công bố 42 sản phẩm đặc trưng của TP Thủ Đức và các quận - huyện; qua đó tạo thêm nhiều sản phẩm đa dạng, xây dựng thương hiệu du lịch TP.HCM.

Đó là thông tin Sở du lịch TP công bố vào chiều 1/11, tại Hội nghị giao ban công tác phát triển du lịch TP.HCM quý III năm 2023. Sự kiện nhằm tổng kết những kết quả đã đạt được trong những tháng qua; đồng thời xây dựng định hướng cho sự phát triển những tháng cuối năm.

Nền tảng Agoda đánh giá TP.HCM dẫn đầu danh sách 10 điểm đến trong nước được du khách quốc tế yêu thích và ghé đến nhất.

Theo Sở Du lịch TP.HCM trong 10 tháng năm 2023, ngành du lịch đã đón hơn 30 triệu lượt khách dụ lịch. Trong đó có hơn 4,12 triệu khách quốc tế, đạt 82% so với chỉ tiêu năm 2023. Tổng doanh thu toàn ngành đạt khoảng 140.000 tỉ đồng.

Tính đến đến tháng 10, TP đã công bố 42 sản phẩm đặc trưng của TP Thủ Đức và các quận - huyện; qua đó tạo thêm nhiều sản phẩm đa dạng, xây dựng thương hiệu du lịch TP.HCM...

“Cần phát triển chiều sâu, chăm chút đầu tư cho các sản phẩm du lịch đặc trưng ở các địa phương thay vì dàn trải”, Giám đốc Sở nhận định.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng, sản phẩm du lịch đặc trưng ở các địa phương hấp dẫn và nhận được nhiều sự quan tâm. Trước mắt chúng ta thấy dàn trải nhưng phát triển theo chiều sâu sẽ không thấy dàn trải khi được chăm chút đầu tư.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Sở Du lịch phát hiện ra tài nguyên, doanh nghiệp và các quận, huyện xây dựng ra các sản phẩm đặc trưng. Vì vậy, quận, huyện cần hoàn thiện sản phẩm được chọn, đầu tư và nâng chất, sau đó tiếp tục chọn phát triển sản phẩm khác.

Toàn cảnh Hội nghị giao ban công tác phát triển du lịch TP.HCM quý III-2023 tại UBND Q.10 vào chiều 1/11/2023.

Đánh giá kết quả triển khai sản phẩm du lịch đặc trung của TP. Thủ Đức và quận - huyện từ đầu năm 2023 đến nay, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng Phòng Quy hoạch - Phát triển tài nguyên du lịch Sở Du lịch cho biết: “Việc phát triển sản phẩm đặc trưng theo hướng vận dụng NQ-98 của Quốc hội về cơ chế phát triển TP.HCM, các Nghị quyết của HĐND Thành phố, chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Từ các căn cứ trên, TP.HCM sẽ phát triển các sản phẩm đường thủy, trên bến dưới thuyền; sản phẩm ẩm thực ban đêm, du lịch cộng đồng trong đô thị, du lịch nông nghiệp".

Dự kiến từ nay đến cuối năm, Sở du lịch sẽ ra mắt cẩm nang sản phẩm đặc trưng của TP.HCM, bà Thảo thông tin.

Theo bà Thảo, các quận - huyện, TP Thủ Đức cần tiếp tục hoàn thiện và nâng chất sản phẩm. Hiện tại các điểm đến đã có, vì vậy cần đẩy mạnh công tác truyền thông sản phẩm, bên cạnh việc nâng cao bồi dưỡng nguồn nhân lực, kết hợp các nguồn lực chuyên gia, đơn vị tư vấn, doanh nghiệp.

Đồng thời đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm du lịch chuyển biến tích cực theo hướng xây dựng bộ sản phẩm du lịch đặc trưng từng thị trường trên cơ sở nâng chất các sản phẩm hiện có và hoàn thiện sản phẩm du lịch của 21 quận - huyện và TP Thủ Đức.

Sở Du lịch đóng vai trò liên kết sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo thành tour liên tuyến giữa các quận, huyện. Hiện Sở đang nghiên cứu xây dựng và trình UBND TP.HCM để ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ ẩm thực.

Ngoài ra, để mở rộng “Liên kết vùng”, TP.HCM cũng chú trọng chương trình liên kết du lịch vùng trọng tâm giữa TP với các tỉnh - thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ. Điều này giúp gia tăng lợi thế so với khu vực và quốc tế trong việc kết nối với các vùng nói trên, bà Thảo nhấn mạnh.

Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Lữ hành Vietluxtour chia sẻ tại Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến để cùng nhau phát triển du lịch tại TP.HCM, chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: Tổ chức thêm các tour liên tuyến để thu hút du khách; Đẩy mạnh các sản phẩm du lịch về đêm, xâu chuỗi các sản phẩm mang tính tương đồng có giá trị lại với nhau, qua đó tạo nên liên kết mở rộng, quy mô sản phẩm sẽ rộng hơn…

Theo ông Trần Thế Dũng, Sở Du lịch cần giữ vai trò chủ trì, lựa chọn các sản phẩm chất lượng để đưa vào khai thác, cũng như cần sự liên kết giữa các quận, huyện chọn những điểm đến thật sự hấp dẫn, tạo nên các sản phẩm liên tuyến để giới thiệu tới du khách cũng như đầu tư thêm sản phẩm du lịch về đêm để tăng chi tiêu của khách du lịch.

Ông Nguyễn Minh Mẫn đề xuất đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đặc trưng hấp dẫn để các tỉnh - thành lân cận có thể đưa khách đến TP.

Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và marketing Công ty Du lịch TSTtourist góp thêm ý kiến: "Nhiều du khách có xu hướng đi gần trong bối cảnh kinh tế khó khăn, theo tôi, đây là cơ hội để khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch đặc trưng đối với những khách đoàn của doanh nghiệp. Hơn nữa, cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đặc trưng hấp dẫn để các tỉnh - thành lân cận có thể đưa khách đến TP".

Để kích cầu cho ngành du lịch TP những tháng cuối năm, ngày 31/10 vừa qua, Sở cũng đã công bố thông tin về sự kiện Tuần lễ Du lịch TP.HCM lần thứ III-2023 với chủ đề "Xanh trên mỗi hành trình". Đây là hoạt động kích cầu du lịch nội địa và quốc tế của ngành du lịch TP trong dịp cuối năm 2023 và tạo đà phát triển du lịch đầu năm mới 2024.

Tuần lễ Du lịch TP.HCM lần thứ III diễn ra từ ngày 4 - 10/12, gồm các hoạt động phức hợp các sự kiện du lịch, thể thao, âm nhạc đặc sắc, mang tính trải nghiệm cao.

Tại sự kiện còn diễn ra giải Marathon Quốc tế TP.HCM Techcombank và các hoạt động trải nghiệm khám phá thành phố qua nghệ thuật Doodle. Chương trình lấy cảm hứng từ văn hóa - du lịch đặc trưng của địa phương và truyền thống, qua đó tạo sự quan tâm và khám phá điểm đến của du khách trong nước và quốc tế.

Hữu Long

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-dong/san-pham-du-lich-dac-trung-tphcm-trong-cam-nang-moi-c2a62930.html