Sách tranh thiếu nhi Việt Nam - Những chân trời rộng mở

Ngày 21/6 vừa qua, quyển sách tranh Saving Sorya: Chang and the Sun Bear (tựa gốc tiếng Việt: Chang hoang dã - Gấu) của Trang Nguyễn và Jeet Zdũng đã chiến thắng giải thưởng minh họa trong khuôn khổ Huân chương Carnegie năm 2023. Thành tích này không chỉ là dấu son trong sự nghiệp sáng tạo của hai tác giả trẻ, mà còn là cột mốc đáng nhớ của sách tranh thiếu nhi Việt Nam.

Sách tranh Việt Nam và nước ngoài trên thị trường sách. Ảnh: BÍCH DUYÊN

Một thể loại giàu tiềm năng

Sách tranh là một dạng sách có sự kết hợp giữa tranh và lời kể, thường hướng đến đối tượng độc giả là trẻ em. Tranh trong sách tranh không đơn thuần chỉ để minh họa cho lời kể mà thật sự là một phần lời kể được thể hiện thông qua ngôn ngữ của hình ảnh. Vì vậy, tranh là một thành phần quan trọng, thậm chí quan trọng hơn lời kể trong sách tranh.

Đối với trẻ em, sách tranh là một phương tiện hữu hiệu để trẻ phát triển ngôn ngữ và cảm xúc, nhận biết hình ảnh, tiếp thu tri thức và đặc biệt là phát triển xúc cảm thẩm mỹ với nghệ thuật hội họa. Sách tranh trở thành một trong những phương tiện giáo dục hữu ích đối với trẻ ở hầu khắp các quốc gia.

Trên thế giới, sách tranh có một lịch sử lâu đời. Nhiều giải thưởng danh giá cũng được thành lập để trao giải cho sách tranh nói riêng và những tác phẩm có phần minh họa xuất sắc nói chung, như giải minh họa trong khuôn khổ Huân chương Carnegie của Vương quốc Anh, giải Huân chương Caldecott của Mỹ… Ở châu Á, sự ra đời của giải thưởng Sách tranh Scholastic (SPBA) được trao 2 năm/lần cũng cho thấy sự quan tâm đối với thể loại này.

Ở Việt Nam, năm 2020, giải thưởng Sách tranh thiếu nhi quốc tế do Ehomebooks đã được thành lập. Giải thưởng này được tổ chức 2 năm/lần, dành cho những bản thảo sách tranh chưa xuất bản trên toàn cầu, nhằm ghi nhận tầm quan trọng của dòng sách này, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo của các tác giả, họa sĩ vẽ minh họa trên thế giới.

Lịch sử sách tranh Việt Nam có thể được mở đầu bằng cuốn sách tranh đầu tiên được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vào năm 1958 mang tên Bác Trâu chăm chỉ của tác giả Nguyễn Bích. Năm 1971, tác phẩm Sát Thát (lời: Lê Vân, tranh: Nguyễn Bích) cũng đã đạt giải thưởng quốc tế. Sau một thời gian có phần bị bỏ quên, cùng với sự xuất hiện của ngày càng nhiều sách tranh nổi tiếng được dịch sang tiếng Việt, sách tranh Việt Nam bắt đầu có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Sáng tác sách tranh dành cho thiếu nhi đã tăng dần về số lượng và có được những tác phẩm thật sự chất lượng trong những năm vừa qua như Hành trình đầu tiên (Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên), Câu chuyện dòng sông gồm 3 tập: Người mẹ sông Hồng, Em gái sông Hương, Chàng trai Cửu Long (Hoàng Thủy Nguyên), Chang hoang dã - Gấu, Chang hoang dã - Voi (Trang Nguyễn và Jeet Zdũng), Lược sử nước Việt bằng tranh (Nhiều tác giả)…

Đáng lưu ý, dẫu chỉ mới tăng tốc lại, sách tranh thiếu nhi Việt Nam đã có những thành tích đáng kể. Trước Trang Nguyễn và Jeet Zdũng thì Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên cũng giành giải nhất SPBA năm 2015 với tác phẩm The First Journey (tựa sách tiếng Việt: Hành trình đầu tiên). 4 năm sau, Vũ Thủy Ngọc Hà (bút danh Đốm Đốm) cũng đã đạt giải nhất SPBA với tác phẩm The Girl on the roof and the Boy on the beach (tạm dịch: Cô bé trên mái nhà và cậu bé bên bờ biển). Đây đều là những giải thưởng danh giá, uy tín trong lĩnh vực sách dành cho thiếu nhi nói chung và sách tranh nói riêng trong khu vực và trên thế giới. Những giải thưởng này đã cho thấy ở Việt Nam, thể loại sách tranh và các tác giả sáng tác sách tranh rất giàu tiềm năng và tài năng, có thể sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của sách tranh nước nhà.

Cánh cửa bước ra thế giới

Khi chuyển ngữ sách tranh, dịch giả sẽ không gặp quá nhiều khó khăn để chuyển tải đúng nội dung và tinh thần của tác phẩm vì dung lượng văn bản rất ngắn. Những bức tranh được giữ nguyên trong bản dịch vẫn phát huy được khả năng kể chuyện của mình mà không phải lo lắng bị tiếp nhận sai lệch bởi khác biệt ngôn ngữ. Đây là những lợi thế mà sách tranh trở thành một thể loại có thể đưa sáng tác của các tác giả Việt Nam tiếp cận được với bạn đọc ở các quốc gia khác nhau.

Cô bé trên mái nhà và cậu bé bên bờ biển của Vũ Thủy Ngọc Hà đã được Scholastic (một tập đoàn xuất bản hơn 100 năm tuổi có trụ sở tại Mỹ) ấn hành năm 2021, hiện nay chưa có bản tiếng Việt. Hành trình đầu tiên sau khi đoạt giải đã được nhiều nhà xuất bản mua bản quyền và chuyển ngữ. Năm 2022, tác phẩm này được xuất bản tại Mỹ với bìa sách và lời dịch mới của tác giả và họa sĩ Christopher Myers.

Ngoài ra, tác phẩm cũng được giới thiệu trên tờ New York Times và nhận được sự ngợi khen từ giới phê bình. Chang hoang dã - Gấu hiện nay cũng đã bán bản quyền thành công ra nhiều nước trên thế giới như: Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Thụy Điển, Nhật Bản.

Không dừng lại ở đó, sự thành công của sách tranh sẽ mở ra những cơ hội để các tác giả Việt Nam được làm việc với các tác giả nước ngoài, phối hợp để sáng tạo nên những sách tranh đa dạng bản sắc, làm phong phú hơn nội dung và hình thức của sách tranh, xóa bỏ những đường biên ngăn cách sự sáng tạo giữa các tác giả thuộc những quốc gia khác nhau. Vũ Thủy Ngọc Hà, sau thành công tại giải thưởng SPBA, đã vẽ minh họa cho tác phẩm Những người bạn (được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2021), trong đó phần lời là của tác giả nổi tiếng Aihara Hiroyuki - người có hơn 100 cuốn Ehon và truyện đồng thoại được yêu thích tại Nhật Bản. Tác phẩm cũng đã được xuất bản tại Nhật Bản không lâu sau đó.

Có thể thấy, nếu các tác phẩm văn học thuộc thể loại thơ, văn xuôi gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận với bạn đọc quốc tế vì vấn đề chuyển ngữ thì sách tranh có nhiều lợi thế hơn. Vì vậy, với các tác giả Việt Nam, sáng tác sách tranh không chỉ để phục vụ nhu cầu bạn đọc nhỏ tuổi trong nước mà còn là cánh cửa mở rộng để bước ra thế giới, tiếp cận và hòa nhịp với sự phát triển sách tranh của các quốc gia khác trên toàn cầu.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, sách tranh thiếu nhi Việt Nam phải có những hướng đi rõ rệt. Thành công của Chang hoang dã - Gấu, Hành trình đầu tiên… là những gợi ý quan trọng để sáng tạo nên một quyển sách tranh tốt và hay. Bên cạnh kể những câu chuyện hoặc đậm đà bản sắc Việt Nam (đất nước, con người, văn hóa…) hoặc mang tính toàn cầu (bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, hòa hợp sắc tộc…), sách tranh phải đạt được tính chân thực và thẩm mỹ cao. Những nét vẽ tỉ mỉ, tinh tế, chuyển tải chính xác đặc điểm phong cảnh và loài gấu chó trong Chang hoang dã - Gấu, hay nét vẽ phóng khoáng, nhiều màu sắc, pha trộn thực và ảo trong Hành trình đầu tiên chính là yếu tố tạo nên sự thành công của hai quyển sách tranh này.

Sách thiếu nhi Việt Nam nói chung, văn học thiếu nhi Việt Nam nói riêng, bên cạnh những vấn đề về lực lượng sáng tác, chất lượng tác phẩm, thì vấn đề năng lực bắt nhịp với sự phát triển của văn học thiếu nhi trên thế giới thông qua xuất khẩu các tác phẩm hay, giá trị vẫn còn nhiều hạn chế. Sách tranh là một trong số ít thể loại có thể vượt qua những trở ngại đó để ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế và hội nhập để phát triển cùng thế giới. Với những tiền đề hết sức thuận lợi như vậy, chúng ta có thể kỳ vọng vào một tương lai nhiều thành tựu hơn nữa của sách tranh Việt Nam trong thời gian tới.

Sách tranh là một trong số ít thể loại có thể vượt qua những trở ngại về lực lượng sáng tác, chất lượng tác phẩm, năng lực bắt nhịp với sự phát triển của văn học thiếu nhi trên thế giới. Với những tiền đề hết sức thuận lợi như vậy, chúng ta có thể kỳ vọng vào một tương lai nhiều thành tựu hơn nữa của sách tranh Việt Nam trong thời gian tới.

BÍCH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/300835/sach-tranh-thieu-nhi-viet-nam-nhung-chan-troi-rong-mo.html