Sách lược mới về di cư của EU chưa bền vững

Với sự ủng hộ của 22/27 nước thành viên, cuối tuần qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được hiệp định về di cư và tị nạn mới. Song vẫn còn nhiều hoài nghi về hiệu lực thực tế của hiệp định này.

Lực lượng của Frontex tiếp cận một tàu chở người di cư vượt biển đến Hy Lạp. Ảnh: Frontex

Thống kê mới nhất của Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex), trong 9 tháng của năm 2023, hơn 250.000 người nhập cư bất hợp pháp đã đến EU. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italia - quốc gia cửa ngõ EU đón các làn sóng di cư, từ đầu năm đến nay đã có 127.207 người nhập cư bất hợp pháp đến nước này, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và gấp 3 lần so với năm 2021. Theo số liệu của Cơ quan tị nạn EU (EUAA), trong 6 tháng đầu năm nay, EU đã tiếp nhận 519.000 đơn xin tị nạn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022. Với xu hướng này, dự báo trong năm 2023, số lượng người xin tị nạn tại EU có thể lên tới 1 triệu người.

Làn sóng nhập cư bất hợp pháp đã, đang và sẽ tiếp tục là thách thức rất lớn, là bài toán nan giải, gây ra nhiều hệ lụy lớn cho EU. Bởi “lục địa già” luôn được coi là miền đất hứa của những người di cư từ những quốc gia đang phải hứng chịu xung đột, bất ổn, khủng hoảng, đói nghèo... buộc phải rời bỏ nhà cửa, quê hương để liều mạng bằng mọi cách tìm kiếm cuộc sống tốt hơn.

Hiệp định về di cư và tị nạn mới do Tây Ban Nha - nước hiện là Chủ tịch EU đề xuất được đánh giá đã giúp giảm bớt gánh nặng đối với các quốc gia ở tuyến đầu như Italia và Hy Lạp bằng cách chuyển một số người tị nạn sang các quốc gia EU khác. Theo hiệp định mới, EU cho phép các nước không tiếp nhận người tị nạn, người di cư nếu không muốn, mà thay vào đó sẽ hỗ trợ nhân sự, tài chính và trang thiết bị cho những nước tiếp nhận. EU cũng sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt đơn xin tị nạn để người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn phải hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển; kéo dài thời gian tối đa lưu giữ người di cư tại các trung tâm ở cửa khẩu so với mức 12 tuần hiện nay.

Giới chuyên gia chính trị đánh giá, hiệp định mới của EU hoàn hảo về mặt lý thuyết, nhưng thực tế, các nước EU khó tìm được tiếng nói chung về chia sẻ gánh nặng, hay việc mở hành lang cho người nhập cư hợp pháp. Bên cạnh vấn đề di cư, cơ chế đoàn kết của EU cũng là bài toán nan giải đeo đẳng khối nhiều năm qua, gây ra nhiều khó khăn trong việc cùng giải quyết vấn đề chung.

Điển hình như việc hiệp định mới này chỉ đạt được 22/27 phiếu ủng hộ, còn 5 phiếu chống hoặc phiếu trắng. Ngay tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU diễn ra vào ngày 6/10 vừa qua, nội dung về hiệp định đã không được đưa vào tuyên bố chung do các nước thành viên còn nhiều chia rẽ. Ba Lan và Hungary thẳng thừng chỉ trích, các quyết định về di cư giữa các nước EU được đưa ra bởi quy tắc đa số đủ điều kiện, thay vì là nguyên tắc đồng thuận.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban gay gắt nhìn nhận, việc EU bắt buộc các quốc gia thành viên phải tiếp nhận người di cư, hoặc phải trả tiền cho các nước tiếp nhận là hành động cưỡng bức hợp pháp. Những yếu tố này cho thấy rõ nét, dù là một thỏa thuận đầy kỳ vọng, song EU sẽ rất khó triển khai thỏa thuận một cách hiệu quả.

Lý giải cho những phản ứng trái ngược trong EU, giới chuyên gia cho rằng, khối rất khó tìm ra lời giải lâu dài và hiệu quả cho bài toán di cư. Trong khoảng 3 thập kỷ qua, toàn bộ gánh nặng về người di cư bất hợp pháp đều đổ lên các quốc gia thành viên nằm ở biên giới ngoài của EU, trong khi một số nước cam kết chấp nhận người di cư nhưng dựa trên cơ sở tự nguyện.

Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, vấn đề di cư đã trở thành ưu tiên hàng đầu của tất cả các chính sách an ninh châu Âu, nhưng không thể được áp dụng do các quốc gia có tầm nhìn khác nhau. Cùng với đó, EU được đánh giá là thiếu tầm nhìn xa và hành động vì mục tiêu bền vững, khi chỉ tập trung vào việc ngăn chặn người di cư, trong khi giải pháp căn cơ là tái định cư người di cư hầu như bị bỏ ngỏ.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sach-luoc-moi-ve-di-cu-cua-eu-chua-ben-vung-post467666.html