Quỳnh Nhai khai thác lợi thế vùng để sản xuất nông nghiệp bền vững

Phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện quỳnh Nhai đã đưa ra các giải pháp, cách làm hay phát triển các mô hình kinh tế, đảm bảo thực chất, chiều sâu, không dàn trải, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế của từng vùng... tạo ra sản phẩm hàng hóa đa dạng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông dân Quỳnh Nhai phát triển nghề nuôi cá lồng.

Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp là tái cơ cấu, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác; chú trọng phát triển thủy sản; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng tốt gắn với nhu cầu thị trường, chủ động phối hợp tháo gỡ đầu ra cho nông sản hàng hóa.

Khai thác tiềm năng hơn 10.500 ha mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, nhiều nông dân đang tập trung phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Đến nay, toàn huyện có trên 5.000 lồng cá; sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản hằng năm đạt 3.000 tấn. Thực tiễn, việc duy trì và phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở Quỳnh Nhai, thời gian qua, không những giải quyết bài toán về thiếu đất sản xuất mà còn tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thay đổi tập quán canh tác, phá thế độc canh cây lúa. Đáng chú ý, mặt hồ rộng lớn là điều kiện để người dân 9 xã dọc sông Đà khai thác nguồn cá tự nhiên, tạo ra các sản phẩm, như nước mắm cá mương, cá mương phơi khô, mắm tép sông Đà, cá sấy khô... Đến nay, có 1 sản phẩm cá tép dầu đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 2 sản phẩm chế biến từ cá đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận sản phẩm OCOP năm 2022.

Cùng với đó, Quỳnh Nhai tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi sạch tạo sức bật phát triển chăn nuôi hàng hóa. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt, kết hợp với mô hình chăn thả tập trung. Đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật cải tạo chất lượng đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, xử lý phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc. Giai đoạn 2015-2021, từ Chương trình 30a, Chương trình 135, huyện đã hỗ trợ hơn gần 5.000 con bò sinh sản, gần 1.000 con dê, hỗ trợ làm chuồng trại hơn 5.000 hộ. Các cơ quan chuyên môn mở hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; tư vấn, hướng dẫn nhân dân cách làm chuồng trại, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, như rơm rạ, cây ngô, đậu tương... làm thức ăn. Đến nay, toàn huyện có hơn 11.600 con trâu, gần 24.000 con bò và 24.230 con dê; duy trì 580 ha cỏ voi, phục vụ chăn nuôi...

Nông dân Quỳnh Nhai phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt.

Ngoài các mô hình nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trên các nương đồi của Quỳnh Nhai giờ đây, đã phủ màu xanh của cây ăn quả. Từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường tiêu thụ, Quỳnh Nhai đã rà soát diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả tập trung; xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân trồng cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ cải tạo vườn tạp, cũng như định hướng cây trồng, dự báo thị trường; xác định hướng đi trong tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá, mất mùa. Đến nay, toàn huyện có gần 2.000 ha cây ăn quả.

Chiềng Khay đã tập trung quy hoạch vùng trồng; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi liên kết. Ông Lò Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khay, thông tin: Thay đổi tư duy về sản xuất, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng mô hình trồng cây ăn quả; tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả thành công tại các địa phương trong và ngoài huyện.

Đến nay, xã Chiềng Khay có trên 150 ha cây ăn quả các loại; nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như: Trồng chanh leo, mận hậu, kết hợp trồng sả của ông Lò Xuân Hồ, bản Phiêng Bay, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm; trồng su su, cây ăn quả của gia đình ông Lò Văn Thịnh, bản Có Nàng, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm; trồng mận, xoài, dược liệu, mắc ca của hộ bà Tẩn Thị Phan, bản Phiêng Bay, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm... Cùng với đó, xã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư trồng cây mắc ca, cây quế... phấn đấu năm 2025, toàn xã có 300 ha cây ăn quả chất lượng cao và 100 ha cây quế.

Nông dân Quỳnh Nhai chăm sóc diện tích cây ăn quả trên đất dốc.

Nhân rộng và phát triển đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, huyện Quỳnh Nhai đang tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp; lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ người dân; hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số, mã vạch... góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/quynh-nhai-khai-thac-loi-the-vung-de-san-xuat-nong-nghiep-ben-vung-53134