Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn được xây dựng trên triết lý phát triển kinh tế-xã hội bền vững

Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên triết lý phát triển kinh tế-xã hội bền vững dựa vào hệ sinh thái, bản sắc văn hóa và sinh kế của người dân và các tiềm năng khác biệt hướng tới mục tiêu phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn.

Dự và phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (chiều 30/11), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Bắc Kạn không có nhiều lợi thế so sánh như các địa phương khác về giao thông kết nối, địa hình bị chia cắt, không có quỹ đất cho phát triển các đô thị, khu công nghiệp quy mô lớn.

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên triết lý phát triển kinh tế-xã hội bền vững dựa vào hệ sinh thái, bản sắc văn hóa và sinh kế của người dân và các tiềm năng khác biệt hướng tới mục tiêu phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn; giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa và cao nhất là mang tới cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ về những định hướng đột phá trong Quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái kết hợp hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, gắn với nông nghiệp.

Thế mạnh thứ hai là Bắc Kạn cần tiếp tục phát huy đó là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp hiệu quả, bền vững và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu và được các nước đón nhận với số lượng đơn hàng lớn, thường xuyên.

"Tỉnh cần làm tốt phát triển thương hiệu; mở rộng thị trường; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; huy động vốn và thực hiện tốt quy hoạch các vùng sản xuất, chế biến nông sản tập trung để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP", Phó Thủ tướng trao đổi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn.

Song song với phát triển nông nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bắc Kạn cũng cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế rừng với 3 trọng tâm, gồm: Dịch vụ sản xuất tín chỉ carbon, điện sinh khối, công nghiệp chế biến lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác; góp phần đa dạng hóa và cơ cấu lại các ngành sản xuất theo hướng tăng tỷ lệ các ngành có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Bắc Kạn phải chú trọng thực hiện đồng bộ công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng bao trùm, toàn diện; tập trung nghiên cứu phát triển trường cao đẳng đa ngành, đa nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Quan tâm đặc biệt đến nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm hơn 88% dân số của tỉnh) thông qua việc củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống trường dân tộc nội trú và bán trú; thực hiện tốt các chính sách thu hút nhân tài, xét tuyển, cử tuyển và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Đồng thời, làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, nâng chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại lễ công bố Quy hoạch.

Nhấn mạnh tính "mở", "chiến lược" và "dài hạn" của Quy hoạch, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Kạn khẩn trương rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh để mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới; xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch; nhất là cơ chế, chính sách để Bắc Kạn có ưu thế hơn trong thu hút đầu tư, chuyển hóa tài nguyên thành nguồn lực.

Công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch.Ưu tiên đầu tư các dự án có tính động lực, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa và trực tiếp phục vụ các định hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong Quy hoạch tỉnh, đặc biệt là về hạ tầng giao thông, mạng lưới cấp điện, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng dịch vụ du lịch; đồng thời giữ được cảnh quan, địa hình, địa mạo, tận dụng tối đa tiềm năng về năng lượng xanh.

Bắc Kạn tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ, thông qua chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, cần thực hiện thật tốt các khâu điều tra, đánh giá, rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các điểm dân cư, các công trình hạ tầng nhất là các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt, lũ quét.

Phó Thủ tướng tin tưởng, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và khát khao vươn lên của nhân dân, Bắc Kạn sẽ trở thành một tỉnh có nền kinh tế năng động, phát triển, "đi sau, về trước", khá so với các địa phương trên cả nước.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quy-hoach-tinh-bac-kan-duoc-xay-dung-tren-triet-ly-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-ben-vung-post274596.html