Quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn công chứng viên

Tại Hội thảo góp ý về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật tổ chức, các đại biểu nhấn mạnh, việc quy định chặt chẽ tiêu chuẩn công chứng viên không chỉ xuất phát từ yêu cầu phát triển đội ngũ công chứng viên mà còn vì lợi ích của các khách hàng của công chứng viên.

Tạo cơ sở cho sự phát triển mới của hoạt động công chứng

Luật Công chứng được Quốc hội thông qua ngày 29.11.2006 và có hiệu lực từ ngày 1.7.2007 đã thể chế hóa chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, cho phép thành lập các Văn phòng công chứng là các tổ chức dịch vụ công do tư nhân (công chứng viên có đủ điều kiện) điều hành và thực hiện. Có thể nói đây là bước chuyển mình có tính hệ thống trong hoạt động công chứng của nước ta vốn trước đây chỉ có các phòng công chứng nhà nước.

Tuy nhiên, từ thực tiễn sự phát triển hoạt động công chứng hiện nay cũng như qua kết quả tổng kết, khảo sát thực tiễn việc thi hành Luật Công chứng, trong bối cảnh nhiều đạo luật liên quan mật thiết đến hoạt động công chứng, như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành, các đại biểu tại hội thảo cho rằng, việc đặt vấn đề sửa đổi Luật Công chứng là phù hợp để khắc phục những bất cập, tạo sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Cùng với đó là tính toán đến việc thiết kế những quy định tạo cơ sở cho sự phát triển mới có tính hội nhập và bền vững của hoạt động công chứng.

Toàn cảnh hội thảo

Liên quan đến tổ chức hành nghề công chứng, dự thảo Luật đã bổ sung điểm mới quan trọng là quy định vấn đề góp vốn của công chứng viên hợp danh, bảo đảm công chứng viên hợp danh phải thực sự là người góp vốn vào văn phòng công chứng; công chứng viên hợp danh thực sự là người sở hữu văn phòng công chứng và tạo cơ sở cho việc quản lý nhà nước đối với hoạt động của các văn phòng công chứng. Cụ thể, Điều 21 dự thảo Luật quy định “Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng phải có từ 2 thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn”.

Nêu ý kiến về nội dung này, nhiều đại biểu đề xuất bỏ quy định về chế độ hợp danh bắt buộc của văn phòng công chứng. Trước thực trạng chất lượng đội ngũ công chứng viên có mặt còn chưa đồng đều, hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề công chứng trong xã hội thì việc hợp danh của các công chứng viên tại một số tổ chức hành nghề công chứng còn mang tính hình thức.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến, quy định này về bản chất là không phù hợp với tính chất của một tổ chức hạch toán độc lập tương tự như doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng thuê mượn hợp danh, tranh chấp văn phòng… như tình trạng thực tế đang diễn ra hiện nay; các quy định như trong dự thảo cũng sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Trên thế giới hầu như các nước đều không quy định hợp danh bắt buộc. Việc bắt buộc hợp danh cũng là rào cản để có thể xã hội hóa công chứng ở những địa bàn kinh tế khó khăn, khi không có đủ công chứng viên để thành lập văn phòng hoặc chi phí để duy trì văn phòng quá cao vượt quá khả năng của nguồn thu. Do vậy, cần cho phép tổ chức công chứng tự lựa chọn mô hình một thành viên là chủ hay hợp danh tùy điều kiện và nhu cầu cụ thể.

Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, không nhất thiết quy định văn phòng công chứng phải là hợp danh, có thể quy định theo hướng chỉ cần một công chứng viên đủ điều kiện hành nghề là có thể mở văn phòng công chứng.

Bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng là không phù hợp

Đặt vấn đề về sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện trở thành công chứng viên để có thể lựa chọn và bổ sung những người thực sự xứng đáng vào đội ngũ công chứng viên, ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) kiến nghị, không nên quy định giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng là 70 tuổi mà có thể cân nhắc giới hạn độ tuổi cao hơn.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội thảo

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa và một số chuyên gia cho rằng cần quy định độ tuổi hành nghề công chứng không quá 70 tuổi, đồng thời phải bảo đảm sức khỏe. Các đại biểu lý giải, việc hành nghề công chứng đòi hỏi yêu cầu cao về trách nhiệm, tính chính xác, sự minh mẫn, do đó, giới hạn độ tuổi hành nghề là cần thiết. Mặt khác, cũng có ý kiến đề nghị không nên giảm thời gian công tác pháp luật là điều kiện xem xét, bổ nhiệm công chứng viên mà nên giữ như hiện hành với thời gian công tác pháp luật từ đủ 5 năm trở lên. Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội, TS. Nguyễn Ngọc Bích nhấn mạnh, việc quy định chặt chẽ tiêu chuẩn công chứng viên không chỉ xuất phát từ yêu cầu phát triển đội ngũ công chứng viên mà còn vì lợi ích của các khách hàng của công chứng viên.

So sánh với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật lần này không còn quy định về miễn đào tạo nghề công chứng, TS. Lại Thị Bích Ngà - Học viện Tư pháp cho rằng, việc bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, không phù hợp với thực tiễn, điều này sẽ ảnh hưởng tới việc huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghề công chứng.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, TS. Lại Thị Bích Ngà cho biết, pháp luật công chứng của nhiều quốc gia có quy định về việc miễn đào tạo cho một số chủ thể. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định về miễn đào tạo nghề đối với: cán bộ tư pháp cấp xã phường, quận huyện trực tiếp thực hiện việc chứng thực giao dịch, chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký với thời gian liên tục từ 5 năm trở lên; cán bộ trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước về công chứng tại các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về công chứng với thời gian liên tục từ 5 năm trở lên; giảng viên bộ môn nghề công chứng có tham gia vào hoạt động đào tạo nghề công chứng với thời gian từ 5 năm trở lên. Đối tượng được miễn đào tạo nghề phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng 3 tháng và được miễn tập sự hành nghề công chứng.

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Pháp luật ghi nhận tất cả các ý kiến góp ý và sẽ tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, trao đổi cùng làm rõ vấn đề để đi đến phương án hợp lý nhất, vừa có tính khoa học, lý luận vừa phù hợp thực tiễn, phục vụ công tác thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu đầy đủ các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm tiến độ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/quy-dinh-chat-che-ve-tieu-chuan-cong-chung-vien-i361799/