Quê hương không chỉ là tên gọi...

Về thăm thị trấn Diễn Châu vào thời điểm những người dân ở đây đang băn khoăn trước đề án sáp nhập, có thể thấy được được tình yêu, niềm tự hào của họ với những giá trị hữu hình của quê hương.

“Thị trấn quê mình”

Bố tôi gốc Vinh, sinh ra và lớn lên ngay vườn hoa Cửa Nam của Vinh, nhưng cứ gặp người Diễn Châu là bố lại nhận đồng hương. Để chứng minh điều này, bố thường hỏi địa chỉ cụ thể của người đó ở Diễn Châu, sau khi họ trả lời, bố sẽ miêu tả vanh vách đặc điểm vị trí đó của những năm 1970 và bây giờ, thậm chí bố còn gọi tên những cư dân sống lâu năm ở đó như thể thân với họ lắm.

Trước đây, tôi thấy điều này khá kỳ cục. Nhưng sau chuyến đi đưa bố về thăm lại những người quen cũ ở Diễn Châu - những người không ruột rà, máu mủ, tự nhiên tôi lại thấy sự vồn vã của bố thật đáng yêu và hợp lý.

Trung tâm huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu

“Ngày xưa, ở dọc con đường này, người dân sống chủ yếu bằng nghề đào đá sò. Những viên đá được kết nên từ trầm tích vỏ sò, rất cứng cáp, chắc chắn, dùng để xây tường, xây nhà. Phủ thành Diễn Châu cũng được xây bằng loại đá này. Dù tốn rất nhiều công sức để đẽo ra được những viên đá đều nhau chằn chặn từ một khối đá lớn, nhưng người dân vẫn chịu khó làm. Cũng bởi nghèo khổ, thiếu thốn, nên người Diễn Châu chăm chỉ, có quyết tâm làm giàu” - bố tôi kể, khi xe bắt đầu vào địa phận thị trấn Diễn Châu.

Không chỉ cần cù, chịu khó thôi đâu, những người Diễn Châu tôi được gặp trong chuyến đi hôm ấy đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn góc nhìn của mình về người dân trên mảnh đất này.

Gia đình đầu tiên chúng tôi đến thăm là gia đình ông Trần Sỹ Khả - nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn. Dù đã hơn 80 tuổi, vợ chồng ông bà vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn, nhớ như in những câu chuyện thuở xưa. Những năm 1970, vì chiến tranh, bố tôi được bà nội gửi ra Diễn Châu sơ tán và ở lại trong nhà vợ chồng ông Khả.

Hồi đó nhà nào cũng nghèo, dù đói khổ nhưng yêu thương nhau và sống vô tư lắm. Có lẽ vì vậy nên dù chỉ ở với nhau thời gian ngắn ngủi mà đến 50 năm sau gặp nhau vẫn rưng rưng xúc động.

ông Trần Sỹ Khả - nguyên là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn diễn châu

Ảnh: Diệp Thanh

Từ giới thiệu của người dân, chúng tôi có dịp được trò chuyện với ông Cao Đức Đồng - một bậc cao niên uy tín của thị trấn Diễn Châu, người từng giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy thị trấn. Sinh ra, lớn lên và dành trọn đời mình cống hiến cho thị trấn quê hương, ông Đồng có một tình yêu vô cùng đặc biệt với mảnh đất này. Những yêu thương, tự hào đó, ông gói gém thành những vần thơ mộc mạc mà đáng trân quý: “Thị trấn quê mình em còn nhớ không/ Đêm trở giấc nghe ầm ào sóng vỗ/ Tiếng xe chạy lẫn vào trong giấc ngủ/ Mái chèo khuya thao thức phía dòng sông…”.

Trong những cuộc trò chuyện của chúng tôi, giữa những người yêu thị trấn Diễn Châu tha thiết, những địa danh, những dấu mốc, những đặc sản, những con người lần lượt được nhắc đến một cách thân thương.

Đường cờ rực rỡ trong khu đô thị tại thị trấn Diễn Châu. Ảnh: Diệp Thanh

Cũng là một trong những cán bộ đời đầu của thị trấn Diễn Châu, thầy giáo Bùi Thanh Trí (sinh năm 1941) chia sẻ: “Năm 1977, thị trấn Diễn Châu được thành lập, tách ra một phần từ xã Diễn Thành. Hồi đó vùng đất này hoàn toàn là đồng ruộng, nhà dân thưa thớt, nghèo xơ xác, đội ngũ cán bộ thị trấn hầu hết đều từ Diễn Thành sang. Chúng tôi đã tiếp nhận nhiệm vụ với một tinh thần vô cùng hăng hái, khí thế, các phong trào thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương diễn ra sôi nổi, nhiệt tình. Chỉ trong một thời gian ngắn, thị trấn đã có sự phát triển nhảy vọt. Sự phát triển đó không phải là niềm tự hào của riêng thị trấn, mà còn là niềm tự hào của toàn huyện, mỗi một công trình đều đậm dấu ấn đóng góp của tất cả bà con nhân dân trong huyện”.

Tất cả từ tình yêu

Trong chuyến đi của mình, chúng tôi không chỉ được chứng kiến tình cảm của người dân dành cho thị trấn quê hương mà còn được lắng nghe những băn khoăn tên gọi sau . Những trăn trở đó, suy cho cùng cũng bắt đầu từ tình yêu dành cho mảnh đất này…

Ở vai trò những người đầu tiên xây dựng thị trấn Diễn Châu, thầy Bùi Thanh Trí trải lòng: “Với tôi, danh xưng thị trấn Diễn Châu như một tài sản vô hình, như trái tim của huyện. Tên gọi đó gợi nhớ cho chúng tôi những năm tháng thanh xuân, những cống hiến của tuổi trẻ, những giai đoạn hào hùng… Mất đi danh xưng đó, tôi cảm thấy như vị thế của thị trấn cũng bị ảnh hưởng ít nhiều”.

Ảnh: Diệp Thanh

Trò chuyện với ông Vũ Hồng Minh – chủ tiệm cơm Văn Minh ở khối 2, thị trấn Diễn Châu, người chứng kiến chặng phát triển của thị trấn Diễn Châu từ những ngày đầu thành lập, đã chủ động chia sẻ cho chúng tôi những tâm tư trước thị trấn Diễn Châu với xã Diễn Thành.

“Nhiều người dân thị trấn chúng tôi tiếc cho cái danh xưng Diễn Châu, gắn với những thành tựu đã gây dựng được suốt những năm qua. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng, trong định hướng phát triển, huyện Diễn Châu sẽ phát triển thành thị xã Diễn Châu và khi đó thị trấn sẽ là một phường trong thị xã. Hơn thế, thị trấn Diễn Châu vốn được tách ra từ xã Diễn Thành, quay lại Diễn Thành cũng là điều hợp lý. Với ý kiến đổi tên thành Phủ Diễn, tôi cho rằng tên gọi đảm bảo sự quen thuộc, thân thương, nhưng lại chưa phù hợp về quy mô của thị trấn. Bởi, Phủ Diễn là vốn là tên gọi xưa của 3 huyện: Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu” – ông Minh bày tỏ.

Ảnh: Diệp Thanh

Cùng quan điểm, ông Cao Đức Đồng nói: “Xét về các giá trị lịch sử, xã Diễn Thành tự hào là vùng đất anh hùng trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Tỉnh ủy Nghệ An phát động học tập rộng rãi trong toàn tỉnh và một trong những điển hình xuất sắc toàn Quân khu 4. Thành tích đáng tự hào và danh xưng đó phải được giữ lại. Tôi tin rằng, những truyền thống quý báu của cha ông kết hợp với sự năng động, phát triển của thị trấn Diễn Châu ngày nay, sẽ làm nên nhiều thành tựu đáng tự hào hơn nữa”.

Tôi gắn bó với thị trấn Diễn Châu từ năm 1996 và rất yêu quý thị trấn này. Trước chủ trương sáp nhập và đổi tên, tôi buồn chứ, tiếc chứ. Nhưng điều quan trọng nhất với tôi không phải là cái tên, mà là sự đoàn kết, đồng lòng. Chúng tôi đã từng trải qua những băn khoăn khi sáp nhập khối, xóm, và sau sáp nhập, khối xóm càng phát triển hơn. Tôi tin rằng sáp nhập thị trấn vào xã Diễn Thành cũng sẽ phát triển như vậy.

Bà Trần Thị Toàn - Khối trưởng khối 5, thị trấn Diễn Châu

Một góc công viên thị trấn. Ảnh: Diệp Thanh

Khi nhẩm lại bài thơ “Thị trấn quê mình” của ông Cao Đức Đồng, tôi nhận ra một điều, bài thơ này nhắc đến rất nhiều “nhận dạng” của thị trấn, như “bánh gai bà Dần”, “bánh mướt”, “chợ Sò”, đến “Thần rắn”… Nhưng không hề xuất hiện tên địa danh “Diễn Châu”. Dù vậy, khi đọc lên, ai cũng biết đây chính là thị trấn Diễn Châu.
Xin được viết lại khổ cuối của bài thơ: “Anh cùng em đi Thị trấn Ngã Ba/ Vào chợ Phủ mua bánh gai, cá nướng/ Cô bán hàng cười chào duyên dáng/ Giọng quê hương nghe ấm cả chiều đông”.

À thì ra, quê hương đâu chỉ là tên gọi…

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025, sẽ có những thay đổi sau: Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Diễn Châu và xã Diễn Thành, lấy tên là thị trấn Diễn Thành; Sáp nhập xã Diễn Xuân và xã Diễn Tháp, lấy tên là xã Xuân Tháp; Sáp nhập xã Diễn Ngọc và xã Diễn Bích, lấy tên là xã Ngọc Bích; Sáp nhập xã Diễn Hùng và xã Diễn Hải, lấy tên là xã Hùng Hải; Sáp nhập xã Diễn Hạnh và xã Diễn Quảng, lấy tên là xã Hạnh Quảng. Sau khi sắp xếp, huyện Diễn Châu giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, còn lại 32 đơn vị hành chính (gồm 1 thị trấn, 31 xã).

Diệp Thanh

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/que-huong-khong-chi-la-ten-goi-post288786.html