Quảng Nam ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương nỗ lực hợp tác bằng những phương thức cụ thể để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 2023.

Ảnh tư liệu: Hồ chứa Phước Hòa (huyện Thăng Bình) có khả năng cung cấp nước cho 150 ha đất canh tác được đầu tư từ nguồn đầu tư công. Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Tuy nhiên, đến đầu tháng 8 việc giải ngân vốn ở nhiều dự án công trình vẫn chưa triển khai hoặc không thể triển khai kịp như: dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 Trạm Y tế tuyến xã, tỉnh Quảng Nam với hơn 197 tỷ đồng vẫn chưa được triển khai.

Hiện nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh mới tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thiết kế lập báo nghiên cứu khả thi dự án. Hay dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần tỉnh Quảng Nam (cơ sở 2) tiến độ bị chậm và tạm dừng gần một năm chưa thể triển khai tiếp, trong khi nhu cầu tiếp nhận đối tượng rất lớn, cơ sở chính hiện nay quá tải, xuống cấp…

Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án triển khai chậm như tuyến đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, kết nối trung tâm hành chính huyện Duy Xuyên, Quốc lộ 1, Quốc lộ 14H không thể hoàn thành đúng như hợp đồng thi công; trong đó, những nhịp cầu qua sông Bà Rén, kết nối làng lụa Mã Châu sang Cụm công nghiệp Duy Trung dang dở sau hơn 4 năm đầu tư vừa được tiếp tục thi công. Tuyến đường đến các xã miền núi cao Phước Kim, Phước Thành của huyện Phước Sơn bị sạt lở từ cuối năm 2020 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Dự án cầu Tam Giang, Tam Tiến, huyện Núi Thành đã hết thời gian thi công nhưng không thể hoàn thành do vướng mặt bằng. Dự án Đường vành đai phía Bắc Quảng Nam kết nối giao thông Đà Nẵng mới phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư trong tháng 3/2023. Hiện dự án trong giai đoạn thẩm định, phê duyệt điều chỉnh nên chưa thể triển khai thi công...

Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (chủ đầu tư dự án) cho hay, chính quyền địa phương đang tiến hành giải phóng mặt bằng. Trung ương đã bố trí năm 2023 là 118 tỷ đồng. Còn 100 tỷ đồng vốn đối ứng của tỉnh sẽ được phân bổ sau, nếu bây giờ có đưa vốn về sẽ không giải ngân nổi.

Còn các công trình hồ chứa nước Lai Nghi thành phố Hội An; Lộc Đại, huyện Quế Sơn vẫn còn vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu đất san lấp nên thi công chậm, chưa có khối lượng để giải ngân. Trên công trường hiện chỉ vài ba máy đào xúc và một số ít nhân công.

Có thể cho thấy, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có hàng trăm dự án đầu tư công đang gặp khó, không thể đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân theo kế hoạch. Các cơ quan quản lý, các chủ đầu tư viện dẫn lý do giải ngân yếu: kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài chỉ mới được cấp thẩm quyền phê chuẩn vào tháng 5/2023; nhiều dự án đang điều chỉnh chủ trương, quy mô đầu tư, vướng mặt bằng; khan hiếm nguồn vật liệu đất đắp, cát xây dựng; các dự án ODA phụ thuộc các nhà tài trợ trong việc xem xét, có ý kiến không phản đối về kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu của các gói thầu cũng như dự thảo hợp đồng xây lắp.

Theo báo cáo ngày 14/7 của UBND tỉnh Quảng Nam gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 30/6, tổng vốn đầu tư công 2023 đã giải ngân hơn 1,9 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 20,6% (kế hoạch vốn năm 2023 đạt 19,2%, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài đạt 28%), thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (29,9%). Cho thấy tất cả các ngành địa phương trong tỉnh có tiến độ giải ngân ì ạch.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cho biết, thiếu đất đắp nền đường nên nhiều công trình thi công rất chậm, nhiều công trình không thể thi công. Các nhà thầu phản ánh các mỏ đất tại Quảng Nam được cấp phép có trữ lượng đất đắp nền đường rất ít, nhiều mỏ đất không hoạt động... Nhà thầu rất khó khăn để mua hoặc mua được đất thì giá bán rất cao so với thời điểm dự thầu và công bố giá.

Còn ông Huỳnh Xuân Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cho rằng, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn trong quản lý điều hành dự án do có nhiều thay đổi về cơ chế, cách tiếp cận quản lý dự án, nhất là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, cũng là năm quan trọng để hoàn thành nhiều dự án thuộc kế hoạch trung hạn 2021-2025. Bên cạnh đó, năm 2023 Ban Quản lý phải tham gia phục vụ giải trình nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, qua thanh tra, kiểm tra, Ban Quản lý chấn chỉnh những sai sót để đưa việc quản lý dự án ngày càng nề nếp và chuyên nghiệp hơn.

Theo kế hoạch, đến hết quý III/2023 giải ngân đạt trên 60%, hết quý IV trên 90%. Riêng kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân đạt 100% và đến hết ngày 31/1/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023.

Báo cáo tại kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X diễn ra mới đây về vấn đề giải ngân vốn đầu tư, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, ba chương trình mục tiêu quốc gia còn đến 714 tỷ đồng chưa phân bổ, chỉ mới giải ngân 546/2.295 tỷ đồng. Các địa phương cần khẩn trương phê duyệt, phân bổ hết vốn, có kế hoạch thi công, giải ngân cụ thể. Do vậy, tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công và các sở chuyên ngành cần rút ngắn tối đa thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu để kịp tiến độ giải ngân vốn theo yêu cầu.

Để hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường phối hợp, không đẩy hoàn toàn trách nhiệm giải phóng mặt bằng về phía địa phương đồng thời có phương án hỗ trợ cụ thể với địa phương trong giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo các địa phương chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh nếu các dự án đầu tư công triển khai trên địa bàn do mình quản lý bị chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm, vốn đầu tư lớn, coi đây là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của tổ chức, cá nhân liên quan./.

Trần Tĩnh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quang-nam-ach-tac-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong/302265.html