Quảng Bình dự kiến sơ tán 1.200 hộ dân nếu nước lũ vượt mức báo động 3

Những ngày qua, mưa lớn, nước lũ dâng cao đã gây ngập lụt cục bộ một số khu vực trũng, thấp ven sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Nhiều địa phương đã phải sơ tán cư dân sống ở ven sông, vùng trũng thấp. Trong đó tỉnh Quảng Bình đang dự kiến tiếp tục sơ tán 1.200 hộ dân vùng trũng huyện Lệ Thủy nếu mực nước sông Kiến Giang vượt BĐ3 0,5m và tiếp tục lên.

Km 54, Quốc lộ 9B (Quảng Bình) bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Ảnh: Châu Thành

Km 54, Quốc lộ 9B (Quảng Bình) bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Ảnh: Châu Thành

Đã sơ tán hơn 900 hộ dân khỏi khu vực ngập lụt

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết, những ngày qua, tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên có mưa rất lớn. Trong đó, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam mưa lớn từ 200-400mm, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đắk Lăk và Kon Tum mưa 150-250mm; một số trạm có mưa lớn như: Hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) 509mm, Trường Sơn (Quảng Bình) 401mm, Tà Long (Quảng Trị) 362mm, Thượng Lộ (Thừa Thiên Huế) 541mm, Hương Nguyên (Thừa Thiên Huế) 452mm, Trà Leng (Quảng Nam) 338mm.

Trong ngày 18-10, khu vực từ phía Nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50-130mm, có nơi trên 150mm.

Do mưa lớn, lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang lên. Lúc 4 giờ ngày 18-10, mực nước sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 3,05m, trên báo động (BĐ)3: 0,35m; dự báo đạt đỉnh ở mức 3,2m, trên BĐ3 0,5m.

Lũ các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã đạt đỉnh ở mức BĐ1 đến trên BĐ2, riêng sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Bồ (Thừa Thiên Huế), Vu Gia (Quảng Nam) ở mức BĐ3, cụ thể: Sông Thạch Hãn (Quảng Trị) tại Thạch Hãn là 5,84m, dưới BĐ3: 0,16m (3 giờ ngày 18-10).

Lũ gây ngập lụt cục bộ một số khu vực trũng, thấp ven sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Trong đó, tại Quảng Bình có 23 xã/1326 hộ bị ngập (huyện Lệ Thủy có 16 xã/1076 hộ bị ngập từ 0,2m÷0,5m; huyện Quảng Ninh có 5 xã/99 hộ bị ngập từ 0,2m÷0,4m; huyện Bố Trạch có 3 xã/155 hộ bị ngập từ 0,3m÷1,2m).

Tỉnh Quảng Trị có 6 xã ven sông Ô Lâu thuộc huyện Hải Lăng (xã Hải Phong, Hải Hưng, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Định, Hải Trường); một số điểm thuộc thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị bị ngập cục bộ.

Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nước lũ làm ngập cục bộ khu vực ven sông Bồ thuộc huyện Quảng Điền.

Các tỉnh địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đã tổ chức sơ tán 972 hộ dân khu vực ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Cụ thể, tỉnh Quảng Bình đã sơ tán 43 hộ, Quảng Trị sơ tán 267 hộ, Quảng Nam: 236 hộ, Đắk Lăk: 426 hộ) đến nơi an toàn.

Khu vực trũng thấp của tỉnh Quảng Bình bị ngập lụt. Ảnh: Châu Thành

Khu vực trũng thấp của tỉnh Quảng Bình bị ngập lụt. Ảnh: Châu Thành

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT, tỉnh Quảng Bình dự kiến tiếp tục sơ tán 1.200 hộ vùng trũng huyện Lệ Thủy trường hợp mực nước vượt BĐ3 0,5m và tiếp tục lên.

Cũng theo Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT, hiện có 69 hồ thủy điện khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đang điều tiết qua tràn, trong đó Bắc Trung Bộ 11 hồ, Nam Trung Bộ 16 hồ, Tây Nguyên 42 hồ.

Có 1.950/2.590 hồ chứa thủy lợi tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và Kon Tum, Gia Lai đã đầy nước, trong đó: Thanh Hóa 385/610 hồ, Nghệ An 1.029/1.061 hồ, Hà Tĩnh 292/323 hồ, Quảng Bình: 128/150 hồ, Quảng Trị: 05 hồ/123, Quảng Nam: 19/73 hồ, Kon Tum 70/80 hồ, Gia Lai 17/114 hồ.

Khu vực này có 204 hồ đang thi công, trong đó, nhiều nhất là Nghệ An 29 hồ, tiếp đến là Hà Tĩnh 18 hồ, Thanh Hóa 17, Quảng Nam 14, Quảng Trị 13, Quảng Bình 10… cần có biện pháp đảm bảo an toàn trước diễn biến phức tạp của mưa lũ.

Chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT vừa có Công văn gửi Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Nội dung Công văn nêu rõ, từ ngày 15-10 đến nay, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mua to đến rất to, lượng mưa phổ biến 300mm đến 600mm, có nơi trên 700mm; gây lũ lớn trên diện rộng, trong đó một số sông lũ trên mức báo động 3 như: Sông Kiến Giang của tỉnh Quảng Bình; sông Vu Gia, Thu Bồn ở tỉnh Quảng Nam; sông ĐắkBla ở tỉnh Kon Tum; trên 80 xã, phường vùng trũng thấp, ven sông bị ngập lụt, chia cắt.

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất của nhân dân, đồng thời chuẩn bị ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai nghiêm túc Công điện số 1388 của Thủ tướng Chính phủ và tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiếu thiệt hại.

Khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, tập trung vào một số nội dung như: Xử lý kịp thời các tuyến đường giao thông, công trình đê điều, hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; hỗ trợ người dân từ nơi sơ tán trở về nhà; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh; tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp.

Trong đó lưu ý tiếp tục triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông, nhất là kiểm soát chặt chẽ tại các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tổ chức thu dọn vệ sinh ngay khi lũ rút và đảm bảo an toàn khi cấp điện trở lại.

Kiểm tra, rà soát lại các phương án để sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lũ phức tạp có thể xảy ra trong những ngày tới; đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, nhất là các hồ đã đầy nước, các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công dở dang và đảm bảo an toàn dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối họp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường thông tin cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lũ, ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

Tăng cường công tác trực ban ở tất cả các cấp để theo dõi nắm bắt chặt chẽ diễn biến thiên tai, thiệt hại để triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả; thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quang-binh-du-kien-so-tan-1200-ho-dan-neu-nuoc-lu-vuot-muc-bao-dong-3-post444711.html