Quản lý, sử dụng nhà văn hóa sau sáp nhập bản, tiểu khu, tổ dân phố

Thực hiện chủ trương sáp nhập bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ sở. Tuy nhiên, thực tế sau khi sáp nhập, tình trạng thừa, thiếu nhà văn hóa bản, tiểu khu, tổ dân phố đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt cộng đồng.

Nhà văn hóa bản Đúc (cũ), xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn không đủ công năng sử dụng sau sáp nhập bản.

Tại huyện Mai Sơn, có 241 bản, tiểu khu của 20 xã, sau sáp nhập còn 110 bản, tiểu khu, với tổng số 210 nhà văn hóa. Sau sáp nhập, toàn huyện thừa 22 nhà văn hóa. Có 105 bản, tiểu khu đang sử dụng từ 2 đến 4 nhà văn hóa. Ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng phòng Văn hóa huyện, thông tin: Việc dư thừa nhà văn hóa bản, tiểu khu là rất rõ, nhưng cái “thiếu” ở đây là số lượng nhà văn hóa đạt chuẩn còn ít.

Nhà văn hóa bản Đúc, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn nằm giữa bãi đất trống. Nếu không có biển ghi Nhà văn hóa bản Đúc, thì chúng tôi khó hình dung đây là nơi sinh hoạt cộng đồng của hơn 100 hộ dân. Ông Hà Văn Tưởng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Đúc Hản, cho biết: Bản Đúc Hản là sáp nhập bản Đúc và bản Hản. Do đó, bản Đúc Hản có 2 nhà văn hóa, nhưng nhà văn hóa bản Hản cũ đã xuống cấp, không thể sử dụng. Hiện, 142 hộ, trên 600 nhân khẩu của bản đang sinh hoạt tại nhà văn hóa bản Đúc, rộng 60 m² chỉ đủ sức chứa khoảng 50 người, khiến mọi cuộc sinh hoạt, hội họp trở nên chật chội. Do đó, mỗi lần Ban quản lý bản triển khai công việc chung, hơn một nửa số dân phải đứng dưới sân, rất bất tiện, dẫn đến các cuộc họp, buổi sinh hoạt bản không hiệu quả.

Tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhà văn hóa bản, tiểu khu không phải là vấn đề riêng ở huyện Mai Sơn mà là câu chuyện chung của hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có bản, tiểu khu sáp nhập. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 692 bản, tiểu khu với 1.073 nhà văn hóa, trong đó, có 671 nhà văn hóa đang sử dụng, dôi dư 402 nhà. Gần 75% nhà văn hóa các bản, tiểu khu không đảm bảo về diện tích và các trang thiết bị hoạt động, số khác có vị trí không thuận tiện cho việc đi lại và sinh hoạt của dân cư; một số nhà văn hóa xây dựng từ nhiều năm trước, hiện đã xuống cấp không thể sử dụng. Cụ thể như huyện Yên Châu, sau sáp nhập có 8 nhà văn hóa dôi dư, 9 nhà văn hóa có nhu cầu sửa chữa, cơi nới; 6 nhà văn hóa có nhu cầu cấp bổ sung thiết bị. Huyện Sông Mã dôi dư 10 nhà văn hóa, đề nghị xây mới 14 nhà văn hóa, cấp bổ sung thiết bị cho 6 nhà... Theo tổng hợp, trong tổng số 402 nhà văn hóa dôi dư, có 342 nhà văn hóa đề nghị giữ lại để sinh hoạt cộng đồng, 60 nhà văn hóa đề nghị chuyển đổi; đề nghị xây mới 150 nhà văn hóa; đề xuất tu sửa 332 nhà văn hóa; cấp bổ sung thiết bị cho 156 nhà văn hóa...

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Với chủ trương xử lý cơ sở vật chất dôi dư sau sáp nhập của tỉnh, căn cứ trên cơ sở đề xuất của các địa phương, tỉnh đã thành lập tổ công tác rà soát, sắp xếp cơ sở vật chất, tài chính các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương. Sở Tài chính đã ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn thực hiện phương án sắp xếp cơ sở vật chất, quản lý tài sản. Đến nay, các huyện, thành phố đã hoàn thành công tác kiểm kê, thẩm định, ban hành phương án sắp xếp tài sản theo thẩm quyền phê duyệt của UBND huyện, thành phố; trình UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp nhà, đất đối với các tổ, bản, xóm, tiểu khu sáp nhập. Căn cứ nhiệm vụ được giao, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn hoàn thành công tác bàn giao tài sản, trang thiết bị tại các nhà văn hóa cho tổ, bản, tiểu khu mới tổ chức hoạt động cho nhân dân.

Nhân dân bản Chiềng Ban, xã Mường Tè, huyện Vân Hồ tổ chức các hoạt động thể dục thể thao tại Nhà văn hóa.

Bên cạnh đó, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án sắp xếp đối với 652 cơ sở đất, nhà văn hóa; trong đó, tiếp tục giữ lại sử dụng 651 cơ sở đất, nhà văn hóa; điều chuyển 1 cơ sở đất, nhà văn hóa. Các cơ sở đất, nhà văn hóa chưa phê duyệt do phát sinh vướng mắc, Sở Tài chính đang tiếp tục hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền trong năm 2022. Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp các nhà văn hóa.

Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công, trong đó có các nhà văn hóa tổ, bản, tiểu khu sau sáp nhập đang rất khẩn trương và quyết liệt. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, hy vọng trong thời gian tới sẽ không còn những trụ sở bỏ không, lãng phí. Tài sản không có nhu cầu sử dụng, dôi dư sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng, tạo nguồn vốn đầu tư, xây dựng, nâng cấp các trụ sở xuống cấp, góp phần chỉnh trang lại cơ sở vật chất của các địa phương trên địa bàn.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/quan-ly-su-dung-nha-van-hoa-sau-sap-nhap-ban-tieu-khu-to-dan-pho-51746