Quản lý kinh doanh thực phẩm đường phố: Còn nhiều việc phải làm

Kinh doanh thức ăn đường phố ở khu vực phường 7, TP Tuy Hòa. Ảnh: VÕ PHÊ

Thời gian qua, lượng khách du lịch từ các tỉnh đến Phú Yên tham quan ngày càng tăng nên hoạt động kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống cũng trở nên sôi động hơn. Song song với sự gia tăng đó thì vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng cần được chú trọng, nhất là đối với hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố.

Nở rộ kinh doanh thức ăn đường phố

Phú Yên đang trên đà phát triển, cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ được đầu tư để phục vụ nhu cầu người dân và du khách. Bà Lê Thị Viễn, phường Xuân Phú, TX Sông Cầu cho hay: Hoạt động du lịch của tỉnh nói chung và TX Sông Cầu nói riêng đang rất phát triển. Các quầy hàng, quán ăn đường phố mọc lên ngày càng nhiều ở khu vực trung tâm TX Sông Cầu. Gần đây, có dịp vào TP Tuy Hòa, tôi thấy các dịch vụ kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố cũng nở rộ.

Còn theo bà Nguyễn Như Hồng, du khách đến từ tỉnh Gia Lai, Phú Yên là địa phương có biển, khí hậu mát mẻ nên gia đình bà chọn nơi này là điểm đến trong dịp đầu tháng 8. “Đến đây, chúng tôi được thưởng thức các món ăn đặc sản, thức ăn nhanh, đồ uống bán dọc các tuyến đường ven biển. Đa số món ăn được chế biến đơn giản, hợp khẩu vị, tiện lợi nhưng ATTP là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm”, bà Hồng chia sẻ.

Là người bán đồ ăn nhanh, thức ăn đường phố từ 10 năm nay, bà Huỳnh Thị Thảo (phường 6, TP Tuy Hòa) cho biết: Tôi bán đồ ăn nhanh do gia đình tự chế biến ở khu vực phường 7. Tôi cũng chuẩn bị các vật dụng, đồ dùng tiện lợi để dễ dàng di chuyển, dọn dẹp hàng ngày và chú trọng ATTP, bảo vệ sức khỏe người dùng. Hiện nay, những hộ kinh doanh thực phẩm đường phố như tôi được chính quyền địa phương sắp xếp, bố trí theo khu vực. Chúng tôi mong địa phương hỗ trợ nhiều hơn về vấn đề vệ sinh môi trường, chi phí nước… giúp chúng tôi thuận lợi trong kinh doanh.

Tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, giám sát

Theo ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phú Yên, những tháng qua, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn còn phổ biến; nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATTP. Lực lượng quản lý thị trường liên tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cả trên môi trường mạng và truyền thống; phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm. “Chất lượng hay ATTP đối với thức ăn đường phố còn phụ thuộc vào nguyên liệu, thực phẩm tươi sống mà các cơ sở lựa chọn trước khi chế biến món ăn. Các cơ sở có thể mua thực phẩm sống, tươi và cũng có thể là hàng đông lạnh… Nếu không quan tâm chất lượng, không kỹ lưỡng trong lựa chọn, người kinh doanh thức ăn chế biến sẵn, thức ăn đường phố có thể mua phải hàng không đảm bảo chất lượng”, ông Trang nói.

Ông Lê Sỹ Kim, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra, tập huấn và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 585 cơ sở. Công tác hậu kiểm, xét nghiệm nhanh, lấy mẫu thực phẩm để kiểm tra, cảnh báo nguy cơ thực phẩm không an toàn cho cộng đồng ngày càng được đề cao. Riêng với tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đơn vị cũng đã giám sát, hướng dẫn bảo đảm ATTP phục vụ các đoàn công tác ngoài tỉnh đến Phú Yên, các đợt diễn ra sự kiện lớn của tỉnh; kịp thời ban hành các văn bản, phối hợp trung tâm y tế các địa phương tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, căn tin bếp ăn… đảm bảo ATTP để phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Do đó từ đầu năm đến nay, trên địa bàn không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, để đảm bảo ATTP, ban chỉ đạo đã đề nghị các sở, ban ngành tăng cường tuyên truyền những vấn đề liên quan ATTP đến toàn dân. Các ngành chức năng tiến hành thanh, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát về ATTP, hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và đặc biệt chú trọng đến các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Nếu phát hiện thực phẩm không an toàn phải lấy mẫu, kiểm nghiệm và mạnh tay xử lý vi phạm; đồng thời giải quyết nhanh các sự cố mất ATTP trên địa bàn.

Theo Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, những tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh tổ chức 152 đoàn thanh kiểm tra, giám sát ATTP. Đối với tuyến tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tham mưu tổ chức 2 đợt kiểm tra chuyên ngành, 2 đợt kiểm tra liên ngành với 51 cơ sở, xử lý 6 cơ sở vi phạm, phạt tiền hơn 15 triệu đồng. Các huyện cũng tổ chức 148 đoàn kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP; thực hiện kiểm tra, giám sát 3.719 cơ sở, trong đó có 6 cơ sở vi phạm ATTP, xử phạt 4 cơ sở với 4 triệu đồng và 2 cơ sở buộc tiêu hủy sản phẩm tại chỗ vì không đảm bảo chất lượng.

VÕ PHÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/281626/quan-ly-kinh-doanh-thuc-pham-duong-pho--con-nhieu-viec-phai-lam.html