Quản lý chặt xe đưa đón học sinh

Dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV). Trong đó, nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là quy định về xe đưa đón học sinh, nhằm bảo đảm an toàn cho các em trên hành trình đến trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) bày tỏ đồng tình với việc pháp luật cần có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường. Trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và thực tiễn đã xảy ra không ít vụ tai nạn đáng tiếc liên quan đến việc đưa đón học sinh.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị, dự thảo Luật Đường bộ cần quy định hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách để tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách. Nếu quy định hoạt động đưa đón học sinh do nhà trường tổ chức là vận tải nội bộ, không kinh doanh là chưa hợp lý, bởi các trường học đều phải thu tiền để tổ chức đưa đón học sinh và trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt đây có phải là kinh doanh vận tải hay không.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị quản lý chặt hoạt động vận tải đưa đón học sinh. Ảnh: Media Quốc hội

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, đối với các trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dịch vụ đưa đón học sinh thì người đứng ra tổ chức, hợp đồng và chịu trách nhiệm phải do nhà trường đảm nhận, tránh tình trạng một số nơi giao cho ban phụ huynh thực hiện việc này là chưa phù hợp.

Dịch vụ xe đưa đón học sinh ngày càng trở nên phổ biến và đáp ứng nhu cầu thực tiễn ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xe đưa đón học sinh không bảo đảm chất lượng, thậm chí tận dụng xe cũ, có trường hợp là xe đã hết niên hạn sử dụng. Công tác quản lý dịch vụ này cũng chưa đi vào quy củ, còn phó mặc cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, va chạm giao thông, ảnh hưởng đến an toàn cho học sinh.

Để quản lý chặt chẽ dịch vụ này, cần nhấn mạnh đến đối tượng phục vụ là trẻ em với những yêu cầu đặc thù riêng. Trong đó, phương tiện không những cần bảo đảm chất lượng mà còn phải phù hợp với đặc điểm về thể hình, sức khỏe của trẻ em, ghế ngồi trên xe được bố trí hợp lý, trang bị đầy đủ thiết bị bảo đảm an toàn, tránh trường hợp sử dụng xe hoán cải, để học sinh ngồi trên sàn xe hoặc phía sau thùng xe.

Việc quản lý xe đưa đón học sinh cần phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và đơn vị cung cấp dịch vụ. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, các em cần được trông nom, giám sát cẩn thận. Cần nắm rõ số lượng học sinh lên xe, xuống xe, theo sát, đi cùng các em trên hành trình, hỗ trợ lái xe giải quyết các vấn đề phát sinh trên đường. Đây là những công việc cần có người chuyên trách thực hiện.

Kinh doanh vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện với yêu cầu bảo đảm an toàn luôn được đặt lên trên hết. Trong đó, dịch vụ xe đưa đón học sinh càng cần thêm những điều kiện chặt chẽ, chi tiết hơn, đồng thời có những hình thức xử phạt nghiêm khắc tương xứng nếu vi phạm, để mỗi tổ chức, cá nhân luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với an toàn, tính mạng, sức khỏe của các em.

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/quan-ly-chat-xe-dua-don-hoc-sinh-753035