2 vấn đề cần làm rõ để hạn chế ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến việc liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian gần đây, thể chế và tổ chức thực hiện là 2 vấn đề cần phải làm rõ để có thể ngăn ngừa, hạn chế xảy ra sự cố.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu tại Hội nghị tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm, tổ chức sáng 21-5.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị, gây hoang mang, lo lắng cho người dân và gây bức xúc cho xã hội.

“Những vụ ngộ độc với số lượng người mắc tương đối lớn, ảnh hưởng đến cá nhân và cả hoạt động lao động sản xuất của doanh nghiệp, thậm chí đến an ninh xã hội”, ông Tuyên nói.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị. Ảnh: TT

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị. Ảnh: TT

Cũng theo ông Tuyên, trong thời gian qua, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã có sự vào cuộc rất quyết liệt đối với những vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn thực phẩm, và bước đầu đã có những thành quả tích cực.

“Tuy nhiên, cần phải làm rõ 2 vấn đề là thể chế và tổ chức thực hiện để ngăn ngừa, hạn chế ngộ độc thực phẩm, thay vì để xảy ra sự cố rồi chạy theo xử lý, điều tra”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Về thể chế, cần rà soát những văn bản liên quan đến ATTP, trong đó có luật, nghị định, thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công Thương… Cần phải xem xét xem các văn bản hướng dẫn, quy định đã đủ chưa, và cần bổ sung ngay nếu thiếu.

Về tổ chức thực hiện, theo ông Tuyên, nếu thể chế, quy định đã đầy đủ, vậy chắc chắn cách thức tổ chức thực hiện có vấn đề.

Khi xảy ra các vụ ngộ độc, cơ quan chức năng xuống kiểm tra, vẫn còn tình trạng cơ sở kinh doanh thực phẩm không có giấy phép kinh doanh, hàng hóa nguyên liệu thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc.

-Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên-

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, cần thảo luận để tìm ra giải pháp về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện. Cần phải đánh giá, hiểu rõ gốc rễ nguyên nhân gây ra ngộ độc để có hướng xử lý. Từ đó, tìm giải pháp hạn chế tối đa các vụ ngộ độc. Nếu có xảy ra ngộ độc thực phẩm, cần phải xảy ra với số lượng người ít nhất.

Thanh Thanh

Nguồn PLO: https://plo.vn/2-van-de-can-lam-ro-de-han-che-ngo-doc-thuc-pham-post791616.html