Quản lý chặt kinh doanh trò chơi điện tử

Theo quy định, kinh doanh trò chơi điện tử (game online) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, rất nhiều quán game online vi phạm quy định này: Mở thâu đêm suốt sáng, mở gần cổng trường, cài đặt trò chơi chưa được cấp phép... Hệ lụy là nhiều học sinh, sinh viên sa đà, dành quá nhiều thời gian cho những trò vô bổ, bỏ bê học hành...

Hai quán game ở ngõ 234 đường Hoàng Quốc Việt (quận Bắc Từ Liêm) gần sát Trường Đại học Điện lực phục vụ học sinh, sinh viên suốt ngày đêm.

Còn nhiều vi phạm

Ở ngõ 234 đường Hoàng Quốc Việt (quận Bắc Từ Liêm), nằm ngay sát Trường Đại học Điện lực là 2 quán game có sức chứa khoảng 30 ghế ngồi. Bên trong, những “chiến binh” say sưa trước màn hình chơi game online. Theo quan sát của phóng viên Báo Hànôịmới, đối tượng chơi game đa số là sinh viên, học sinh nam. Có những người chơi thâu đêm, suốt sáng. Chủ quán phục vụ các "thượng đế" ăn uống bất kể thời gian với các đồ ăn nhanh như bánh mỳ, mỳ tôm, nước ngọt...

Bà Lê Thị Hằng (người dân ở ngõ 234 đường Hoàng Quốc Việt) cho biết, 2 quán game này hoạt động liên tục. Ban ngày, họ mở cửa bật đèn, tầm sau 22h họ tắt điện, đóng cửa nhưng nhiều xe máy vẫn thấy dựng bên ngoài. Thỉnh thoảng có người gọi điện hoặc khi có khách về thì chủ quán mở cửa.

Ghi nhận tại khu vực quận Bắc Từ Liêm cho thấy, hiện có rất nhiều quán game online được mở ở gần khu vực các trường học. Điển hình như tại các đường Minh Khai, Xuân Đỉnh, Phạm Văn Đồng, Phú Diễn, Đức Diễn... tồn tại nhiều quán game với sức chứa 50 chỗ ngồi/quán, là “điểm đáp” của nhiều học sinh, sinh viên. Em Đỗ Xuân T. (học sinh lớp 10, trú ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) là trường hợp điển hình khi thường xuyên xem quán game là nhà. Gia đình T. đã mất rất nhiều công sức đi hết các quán game mới tìm được con để đưa về dạy bảo.

Tương tự, xung quanh khu vực Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, các quán game có tiếng như Gamezone, BKX game, Cyber... ở các phố Trần Đại Nghĩa, Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng bất kể ngày, đêm. Em Nguyễn Văn Đ. (sinh viên Đại học Bách khoa) cho biết, sự gay cấn, hấp dẫn khi chơi game khiến em quên ăn, quên ngủ. Có lần em đã chơi game online liên tục 25 tiếng đồng hồ...

Điều đáng nói, mặc dù quy định của pháp luật là cấm kinh doanh internet, game online cách cổng trường học 200m, nhưng cách Trường Trung học phổ thông Tân Lập (huyện Đan Phượng) khoảng 100m là một quán game luôn đầy ắp học sinh mỗi ngày. Tại đây, nhiều học sinh khi tan học là sà ngay vào quán game...

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm

Về quy định trong kinh doanh trò chơi điện tử, luật sư Trần Hoàng Vũ - Giám đốc Công ty Luật AEC (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, theo quy định hiện hành, các quán trò chơi điện tử công cộng không được hoạt động từ 22h hôm trước đến 8h hôm sau. Các quán phải có bảng niêm yết danh sách cập nhật các trò chơi điện tử G1 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời, thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp) đã được phê duyệt nội dung, kịch bản kèm phân loại trò chơi theo độ tuổi... Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các quán game đều cập nhật rất nhiều trò chơi khác ngoài G1. Với lỗi vi phạm này, căn cứ theo quy định hiện hành sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Trong khi đó, hành vi mở quán game cách cổng trường học dưới 200m sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng...

Về thực trạng hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử cũng như công tác quản lý tại địa bàn, ông Vũ Đình Khang, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bắc Từ Liêm cho biết, trên địa bàn quận hiện có khoảng 70 cơ sở kinh doanh internet hoạt động. Để cấp phép cho một điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, quận sẽ kiểm tra thực tế đăng ký kinh doanh, điều kiện phòng cháy, chữa cháy, đo khoảng cách từ cơ sở đến cổng trường học... Nếu cơ sở nào không đủ điều kiện, quận tiến hành lập biên bản, yêu cầu không hoạt động. Trong tháng 4-2024, đoàn kiểm tra của quận đã phát hiện cơ sở internet tại số 14, ngõ 212 đường Phú Diễn vi phạm khoảng cách gần Trường Trung học cơ sở Phú Diễn A, do đó đã yêu cầu cơ sở này dừng hoạt động.

Tại huyện Đan Phượng, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyễn Đức Thuận cho hay, hằng năm, huyện có văn bản đôn đốc, yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện nghiêm quy định về kinh doanh internet, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm. Đồng thời, huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổng kiểm tra rà soát và xử lý nghiêm vi phạm khi phát hiện. Việc có quán game gần cổng Trường Trung học phổ thông Tân Lập như nêu trên, phòng sẽ kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy, vì lợi nhuận, một số cơ sở kinh doanh internet, game online chưa thực hiện đúng các quy định pháp luật, tạo nên hệ lụy đáng buồn cho trẻ em. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, mỗi gia đình hãy cùng chung tay giám sát chặt chẽ thời gian học tập và vui chơi của trẻ, hướng các em đến những sân chơi lành mạnh, bổ ích.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quan-ly-chat-kinh-doanh-tro-choi-dien-tu-665493.html