Quân dân miền Trung tích cực chống bão Noru

Trong hai ngày 25 và 26-9, hàng nghìn tàu cá trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... hối hả chạy về các cảng trong đất liền để tránh bão Noru. Nhiều tàu dự định đi biển 20-30 ngày nhưng được sự kêu gọi, hướng dẫn của Bộ đội Biên phòng các tỉnh và cơ quan chức năng, họ đã quyết định trở về đất liền dù mới ra khơi một tuần.

Chúng tôi có mặt tại cảng Sa Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, nơi hàng trăm tàu cá của ngư dân đang hối hả tập kết tránh bão. Trung tá Lâm Văn Viễn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Sa Kỳ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, những ngày qua, đơn vị đã nỗ lực liên lạc với tất cả tàu bè, thông báo hướng đi của bão để bà con ngư dân chủ động vào nơi trú tránh an toàn. Những phương tiện nào có thể về bờ thì khẩn trương về bờ.

Quảng Ngãi là địa phương được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của siêu bão Noru (bão số 4). Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực các biện pháp ứng phó nhằm hỗ trợ nhân dân xử lý kịp thời với những tình huống xấu.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sa Kỳ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ ngư dân phòng tránh bão.

Sáng sớm 26-9, bão Noru đã vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 trong năm nay. Đây là trận bão được dự báo rất mạnh, sức gió đạt đến cấp 13, giật cấp 16 trên Biển Đông và vùng ảnh hưởng trên phạm vi rộng. Dự báo bão sẽ đi vào Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Theo kiểm đếm của Bộ đội Biên phòng, Quảng Ngãi có hơn 5.600 tàu thuyền với gần 35.000 ngư dân. Đến 10 giờ ngày 25-9, gần 5.000 tàu/28.000 ngư dân đã vào bờ neo đậu. Số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 657 tàu/6.200 ngư dân, đang được Bộ đội Biên phòng và cơ quan chức năng khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn trong ngày hôm nay.

Những ngày này, ngư dân tỉnh Quảng Nam cũng đang tập trung thu dọn đồ đạc, cùng bộ đội và lực lượng dân quân tự vệ đưa các bao cát đưa lên mái nhà, sử dụng dây chằng chống nhà cửa. Theo dự báo, bão sẽ đổ bộ vào Quảng Nam kèm theo sóng lớn, nên một chủ nhà hàng đã thuê xe đào múc cát vào bao tải làm kè chắn sóng.

Nhiều năm qua, bãi biển Cửa Đại, phường Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng. Quảng Nam có đường biển dài 125 km thuộc 6 huyện, thị. Nghe tin bão sắp đổ bộ, người dân cùng lực lượng vũ trang địa phương đang khẩn trương thực hiện các biện pháp di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại (TP Hội An) cho biết, sau khi nhận tin về cơn bão số 4, chính quyền địa phương đã thông báo đến người dân, các chủ nhà hàng, khách sạn và resort ở dọc ven biển Cửa Đại khẩn trương thu dọn đồ đạc đem vào nơi an toàn, đồng thời chằng chống lại nhà cửa, chòi tranh. Ngoài ra, chúng tôi cũng kịp thời thông báo đến ngư dân đưa các tàu thuyền vào bến Cửa Đại neo đậu.

Theo Trung tá Nguyễn Hoang, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Đại, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này, cơ bản các tàu thuyền trên địa bàn TP Hội An và các huyện lân cận đã vào bến Cửa Đại neo đậu, tránh trú an toàn. Sáng nay sẽ cấm biển không cho tàu thuyền ra khơi.

Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bão Noru, sắp xếp, neo cột tàu thuyền và kêu ngư dân tìm nơi trú tránh an toàn. Ảnh: VIÊN NGUYỄN

Ghi nhận của chúng tôi tại TP Đà Nẵng cho thấy, hiện hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung đã di chuyển vào âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) tránh trú bão. Những ngày qua, chính quyền các địa phương ven biển Đà Nẵng cũng phát thanh thông báo về tình hình cơn bão đến người dân ven biển. TP Đà Nẵng yêu cầu các địa phương vùng ven biển, thấp trũng lên kế hoạch di dời người dân.

Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cùng lực lượng dân quân tự vệ phường Thọ Quang, TP Đà Nẵng hỗ trợ người dân đưa thuyền thúng lên bờ tránh bão. Ảnh: NGUYỄN ĐÔNG

Theo thông tin từ phóng viên trên địa bàn tỉnh Phú Yên, ảnh hưởng của bão Noru, tỉnh Phú Yên có thể phải chịu những thiệt hại do ngập lụt ở khu vực trũng thấp; triều cường ở khu vực ven biển. Tại các địa phương như thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và thị xã Đông Hòa có 102.523 ô lồng/2.516 bè nuôi trồng thủy sản với hơn 5.600 người thường xuyên làm việc và canh giữ. Nếu không có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và lồng bè nuôi thủy sản thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Hàng trăm tàu thuyền đã di chuyển về âu tàu Thọ Quang (Đà Nẵng) tránh bão. Ảnh: NGUYỄN ĐÔNG

Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương không được chủ quan mà cần phải xây dựng cụ thể, chi tiết các kịch bản để ứng phó. Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị lực lượng vũ trang trên địa bàn tăng cường tuần tra, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh sớm thông báo cho các chủ lồng bè nuôi thủy sản chằng néo hoặc đưa vào khu vực an toàn. Trước khi bão vào đất liền, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè này. Những nơi trước đây đã xảy ra ngập lụt cần chủ động lên phương án sơ tán người dân khi cần thiết.

Đặc biệt, đối với hơn 400ha lúa vụ hè thu còn lại cần được thu hoạch sớm để giảm thiểu thiệt hại. Từ ngày 26-9, tỉnh Phú Yên sẽ không cho tàu thuyền ra khơi.

Tại cuộc họp chiều 25-9, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, để ứng phó bão, các địa phương từ Nghệ An đến Bình Định kêu gọi, kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 57.800 tàu thuyền/300.000 lao động khẩn trương về nơi tránh trú an toàn.

Đặc biệt, trong 24 giờ tới, hệ thống giám sát hành trình tàu cá, đặt tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh cho thấy cần phải kêu gọi 127 tàu trong vùng nguy hiểm.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng vừa ký công điện của Thủ tướng gửi 16 tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, một số tỉnh ở Tây Nguyên và 11 bộ ngành, đơn vị liên quan yêu cầu các cơ quan và các địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão Noru (khi vào Biển Đông sẽ thành bão số 4) theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.

NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/quan-dan-mien-trung-tich-cuc-chong-bao-noru-706374