Phút tiễn biệt họa sĩ Tôn Đức Lượng

Lễ tang họa sĩ Tôn Đức Lượng diễn ra sáng 13/2 tại Nhà Tang lễ Quốc gia (Số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Hình ảnh phúc hậu, bình dị của ông còn mãi trong ký ức của gia đình, đồng nghiệp, những thế hệ sau.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng rời cõi tạm vào 1h07 ngày 10/2 ở tuổi 99. Lễ viếng được tổ chức từ 9h15 ngày 13/2 tại Nhà Tang lễ Quốc gia (Số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra lúc 10h15 cùng ngày. Ảnh: NHƯ Ý.

Các con, cháu, chắt nội ngoại tiễn biệt họa sĩ Tôn Đức Lượng. Ảnh: NHƯ Ý.

Gia đình, đồng nghiệp và thế hệ sau nhớ tới họa sĩ Tôn Đức Lượng ở tính cách đáng tin cậy, chan hòa, cởi mở và bao dung, rộng lượng. Ảnh: NHƯ Ý.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy và Bí thư thường trực Nguyễn Ngọc Lương gửi vòng hoa viếng họa sĩ Tôn Đức Lượng. Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Minh Triết thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn tới viếng họa sĩ Tôn Đức Lượng. Họa sĩ Tôn Đức Lượng là một trong hai người được giao nhiệm vụ sáng tác mẫu huy hiệu Đoàn (sau mẫu của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận được chọn và dùng cho đến nay). Ảnh: NHƯ Ý.

Tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên báo Tiền Phong do nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong dẫn đầu đến tiễn biệt đại thụ Tôn Đức Lượng. Từ năm 1953, họa sĩ Tôn Đức Lượng làm việc tại báo Tiền Phong cho đến khi nghỉ hưu. Ông thuộc nhóm các cán bộ tham gia từ ngày đầu thành lập tờ báo và ra số báo đầu tiên ngày 16/11/1953, tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: NHƯ Ý.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong thắp nén nhang tưởng nhớ họa sĩ Tôn Đức Lượng. Ảnh: NHƯ Ý.

Trong điếu văn tiễn biệt, nhà báo Lê Xuân Sơn khẳng định cuộc đời cách mạng, hoạt động nghề nghiệp và lao động nghệ thuật của họa sĩ Tôn Đức Lượng lặng lẽ, nghiêm túc và đầy nỗ lực. Cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Tôn Đức Lượng mang đậm dấu ấn cá nhân và dấu ấn thời đại, với những thành công đáng tự hào. Ảnh: NHƯ Ý.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam ghi sổ tang. Trong ký ức của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Tôn Đức Lượng có dung nhan phúc hậu, càng về già, sự phúc hậu càng thể hiện ra qua gương mặt. "Ông ngày càng đẹp lên. Ông là người bình dị, hiểu đời hiểu người. Ai cũng thấy ông luôn luôn mỉm cười”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ. Ảnh: NHƯ Ý.

Nhà báo Xuân Ba chia buồn cùng tang quyến. Ảnh: NHƯ Ý.

Trong mấy chục năm, bên cạnh việc làm tốt công việc phụ trách mỹ thuật của tờ Tiền Phong, họa sĩ Tôn Đức Lượng để lại gia tài hàng trăm bức ký họa lịch sử, nhiều tác phẩm sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ… đặc biệt là những bức ký họa về thanh niên xung phong qua các thời kỳ. Những địa danh nổi tiếng một thời như Đại Từ (Thái Nguyên), Hạ Hòa (Phú Thọ), Mộc Châu, Sơn La, Cổ Kênh (Hải Dương), Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh... đều in dấu chân ông, có nơi không chỉ một lần. Ảnh: NHƯ Ý.

Tác phẩm của ông thể hiện tình yêu nồng nàn những lứa tuổi thanh xuân không tiếc mồ hôi, máu xương của mình cho đất nước, như chính cuộc đời ông là minh chứng sinh động. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đánh giá những ký họa lịch sử của Tôn Đức Lượng là một tư liệu quý giá "cho thấy những gương mặt lịch sử của người Việt Nam trong cuộc chiến". Ảnh: NHƯ Ý.

Đại diện gia đình nói lời cảm tạ trước lúc đưa linh cữu họa sĩ Tôn Đức Lượng đi hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: NHƯ Ý.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng có một số tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh khắc gỗ và ký họa được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quân đội. Tranh ông còn được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn tham gia Triển lãm mỹ thuật Việt Nam tại Trung Quốc, Ba Lan và một số nước Đông Âu.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng III, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng I, Huy chương Vì thế hệ trẻ Việt Nam và nhiều phần thưởng khác.

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, trong suốt một thời gian dài người ta không biết đến Tôn Đức Lượng, trừ những người bạn trong nghề. Ông không nổi bật lên như những họa sĩ nổi tiếng cùng thời. Sự nghiệp hội họa của Tôn Đức Lượng chủ yếu là các bộ ký họa lớn. Đối với ông, được vẽ, được làm việc phục vụ đất nước là hạnh phúc và ông bình thản, điềm nhiên trước những xưng tụng, ngợi ca.

Như Ý - Ngọc Ánh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phut-tien-biet-hoa-si-ton-duc-luong-post1509611.tpo