Phú Thọ 'đón sóng' đầu tư

Năm 2024, Phú Thọ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư FDI. Dòng vốn đầu tư lớn được rót vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh tạo động lực tăng trưởng, đưa tỉnh nhà tiến nhanh trên hành trình hội nhập.

Công ty Yi Da Việt Nam, Khu công nghiệp Cẩm Khê đi vào hoạt động tạo việc làm cho hơn 4.300 lao động.

Năm 2024, Phú Thọ đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư trên địa bàn trong năm đạt từ 50 nghìn tỉ đồng trở lên, bao gồm vốn đầu tư FDI đăng ký mới và điều chỉnh, bổ sung trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, số lượng doanh nghiệp (lũy kế) trên địa bàn tỉnh có khoảng 11.000 doanh nghiệp (DN), trong đó có trên 220 DN FDI.

Để làm được điều đó, bên cạnh việc đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, Phú Thọ đã nhận định chính xác từ xa, từ sớm bối cảnh, tình hình chung của quốc tế và khu vực để có kế hoạch, chiến lược bài bản cho sự bứt phá mới trong thu hút đầu tư.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH JNTC Vina.

Đến nay, Phú Thọ đã thu hút hơn 200 dự án FDI với tổng số vốn khoảng 3.100 triệu USD. Trong đó, các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác như: Singapore, Mỹ, Anh, Ấn Độ... Các dự án FDI lớn chủ yếu tập trung vào các ngành nghề tiêu biểu của Phú Thọ như: chế biến, chế tạo, lắp ráp linh kiện điện tử, năng lượng tái tạo, dệt may thời trang cao cấp. Trong đó, có các dự án tiêu biểu như Dự án sản xuất điện tử của Công ty BYD (Trung Quốc) với số vốn đầu tư 269 triệu USD; Dự án sản xuất tấm Cell pin năng lượng mặt trời của Công ty VSUN (Nhật Bản) 200 triệu USD; Dự án sản xuất lốp xe INOUE (Nhật Bản) trị giá 90 triệu USD; Dự án Nhà máy may thời trang cao cấp Yida gần 113 triệu USD; Dự án dệt Regent Việt Nam 180 triệu USD...

Công ty TNHH Điện tử BYD (BYD Việt Nam) đã hoàn thành mục tiêu đầu tư giai đoạn 1 tại Khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ với tổng số vốn 269 triệu USD. Nhà máy của BYD đã chính thức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 8/2022 với hoạt động chủ yếu là lắp ráp máy tính bảng và sản xuất các linh kiện điện tử cho sản phẩm máy bay không người lái siêu nhẹ.

Đến đầu năm 2023, BYD Việt Nam điều chỉnh đầu tư lần thứ hai thêm 184 triệu USD để đầu tư sản xuất linh điện điện tử có thành phần gốm, thủy tinh, kim loại, bo mạch đồ họa và sản xuất pin cho máy tính bảng và điện thoại. Tiếp đó, vào tháng 8/2023, BYD Việt Nam tiếp tục điều chỉnh đầu tư lần thứ ba với ngành nghề sản xuất sản phẩm modem cho trạm BTS 5G và 4G và pin lithium cho điện thoại, máy tính bảng và các sản phẩm điện tử.

Ông Han Shulin - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử BYD (Việt Nam) cho biết: Lần điều chỉnh thứ ba số vốn tăng thêm là 144 triệu USD để đầu tư sản xuất thêm sản phẩm modem cho trạm BTS 5G và 4G và pin lithium cho điện thoại, máy tính bảng và các sản phẩm điện tử. Như vậy, BYD đã đăng ký đầu tư tổng cộng gần 600 triệu USD vào Phú Thọ chỉ trong một thời gian ngắn nhằm “đón sóng” dịch chuyển hoạt động phát triển sản phẩm iPad đến Việt Nam của Apple, qua đó khẳng định tiềm năng của Việt Nam để trở thành một trung tâm sản xuất thay thế bên ngoài Trung Quốc.

Công ty DM Factory, Khu công nghiệp Cẩm Khê với tổng mức đầu tư 15 triệu USD vừa đi vào hoạt động từ năm 2023.

Chất lượng của của các dự án FDI đầu tư vào tỉnh ngày càng nâng cao, được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giúp Phú Thọ nhanh chóng mở rộng và tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng năng lực sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều DN đầu tư thành công, có đóng góp lớn trong kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người lao động, là cầu nối để các DN, tập đoàn lớn có thêm niềm tin tìm hiểu, xúc tiến đầu tư tại Phú Thọ.

Theo số liệu thống kê, Hàn Quốc hiện là một trong các quốc gia đứng đầu về số dự án nước ngoài đầu tư tại tỉnh Phú Thọ, chiếm trên 80% tổng số DN có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh với tổng vốn đăng ký đạt trên 500 triệu USD; đồng thời, cũng là những DN đứng đầu về quy mô đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh, điển hình, như: Công ty TNHH JNTC Vina, Công ty TNHH Shesin, Công ty TNHH JM Plastic, Công ty TNHH KEE-EUN Việt Nam, Công ty TNHH Kapstex Vina3...

Ông Kim Myung Hwan - Chủ tịch Công ty TNHH JNTC Vina (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì) cho biết: Chúng tôi lựa chọn Phú Thọ vì kết cấu hạ tầng của tỉnh ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp rất thuận tiện để đầu tư. Do đó, Công ty tập trung đầu tư sản xuất, mở rộng dây chuyền để phát triển ổn định, bền vững tại Phú Thọ.

Ngày 19/1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh kí ban hành Chương trình hành động số 331/CTr-UBND về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Nắm bắt kịp thời xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn FDI là tiền đề để Phú Thọ chủ động, linh hoạt “đón” các nhà đầu tư chiến lược. Việc thu hút lượng lớn các DN FDI sẽ là động lực tăng tốc độ phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/phu-tho-don-song-dau-tu/207672.htm